Được tin có hai thanh niên đi tìm trầm hương phát hiện một ngôi mộ liệt sĩ nằm sâu trong rừng già Trường Sơn, hội viên Chữ thập đỏ Trần Lê Kim Dũng, 15 tuổi, đề nghị với bố, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ phường Vĩnh Trung, thành phố Đà Nẵng, một đại tá đặc công về hưu, cùng đi tìm.

Sáng ngày 8-6-1991, hai bố con lên xe nhắm hướng huyện đội Đại Lộc. Đến đây có thêm 5 người nữa cũng tình nguyện cùng bố con Dũng “đi tìm đồng đội”. Ba giờ sáng 9-6, cả đoàn bắt đầu tiến vào rừng già và sau 5 giờ xuyên rừng, họ lên đến đỉnh một ngọn núi cao. Cả một vùng trận địa trước kia hiện ra trước mắt. Vị trí đang đứng là cao điểm Bằng Du. Phía Tây Nam, cao điểm 1500. Phía Đông Bắc, cao điểm 1062. Hố bom vẫn còn nhiều và sâu hoắm. Kia rồi! Một tấm bia mộ hiện ra sau đám cỏ rậm. Bia đựng bằng vỏ đạn pháo sáng, có nét khắc bằng mũi dao găm. Thời gian mưa nắng xoá gần hết nét khắc, chỉ còn lại mấy chữ:

Liệt sĩ ... Mai... Hai

Sinh ... 1953

Hi sinh: 26-12-1974

Cả đoàn đứng lặng bên mộ, xúc động. Dũng liếc nhìn đồng hồ: 9 giờ kém 15. Đại tá Trần Hùng kể lại những ngày tháng ấy. Tháng 11-1974, quân đoàn 2 giải phóng Thượng Đức. Địch điều 5000 quân ra hàng đánh chiếm lại khu vực này. Ta phản kích bắn cháy, bắn rơi 23 máy bay, thu 12 pháo, 2000 súng các loại. Sư đoàn giặc bỏ chạy, tạo đà cho quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng nổi dậy giải phóng quê hương. Trên bia ghi ngày hi sinh, 26-12-1974. Có thể đây là người lính trinh sát của sư đoàn 304 trước trận giải phóng Đà Nẵng.

Sau chuyến đi, đại tá Trần Hùng đã nhắn về Ban chính sách Sư đoàn 304 và nhờ có chuyến đi tìm mộ này mà thân nhân liệt sĩ là Mai Văn Minh ở làng Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã tìm được hài cốt của liệt sĩ.

Hôm bốc mộ, bên cạnh hài cốt có một chiếc cối giã trầu bọc kĩ trong một chiếc túi khâu bằng vỏ bao súng lục. Chiếc cối có màu đen nhánh, đánh bóng đi lại sáng như gương. Chiếc cối giã trầu của người mẹ già mà người con chiến sĩ đã đem theo làm kỉ niệm ra trận.