Xưa kia, đất sinh sống của cây lúa nổi có thể nói là đồng ruộng An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp Mười. Giống lúa gieo mạ rồi nhổ lên cấy chỉ thấy một vài vùng đất cao như Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang), Hà Tiên (của Kiên Giang) và ven quốc lộ 1 (của Tiền Giang).

Nói về nguồn gốc cây lúa nổi có tài liệu viết rằng: “Do một tu sĩ người Pháp mang về Nam kì từ bên đất Campuchia xưa”. Một tài liệu khác lại viết: “Từ năm 1901, ở tỉnh Châu Đốc người ta đã bắt đầu trồng lúa nổi”. Lương Khải Ninh viết trên tờ “Nông cổ Mín Đàm”: Ở vùng núi Tượng (Thất Sơn) vào năm này nông dân trồng lúa nổi mà họ gọi là lúa chạy nước. Những điền chủ đầu tiên trồng nhiều lúa nổi là Đốc phủ Ngãi ở Đốc Vàng (Hồng Ngự), Đốc phủ Định ở Vĩnh Chánh (thuộc huyện Thoại Sơn bây giờ).

Truyền thuyết dân gian lại kể: Cách đây tám chín mươi năm, một trận lũ lớn tràn ngập An Giang và Đồng Tháp, cây cối, lục bình, cỏ mực ào ạt trôi xuống miệt dưới từng giề, từng mảng lớn. Có một giề trấp (cỏ mục nhiều lớp chồng lên nhau nhiều năm thành một lớp dày vài ba tấc) bập bênh trôi xuống tận Đốc Vàng, sóng to gió lớn xô dạt vào một bãi đất Tân Thạnh, không trôi được nữa, nằm lại ven bờ. Dân làng tình cờ ra bãi, hết sức ngạc nhiên khi trông thấy một đám lúa xanh mượt, cọng to hơn chiếc đũa, lá dài và dày hơn lá sả. Lúc bấy giờ người ta vẫn chưa tin là lúa, dân làng nghĩ chắc là đám cỏ miệt trên bị nước bứng trôi đi. Nào ngờ hai tháng sau, khi nước rút, cái giề cỏ ấy bỗng trổ chín vàng. Nhìn kĩ, rõ ràng bông lúa, hạt to hơn lúa họ đã gieo trồng. Thử cắt về đập giã ra nấu ăn, cơm ngon không kém lúa địa phương. Năm sau, ở bãi trấp ấy lúa lại mọc lên sau những cơn mưa. Mùa nước tràn về, nước dâng cao, lúa vươn lên cao hơn nước. Cuối tháng mười nước lia xa đồng ruộng, lúa lại chín vàng. Nông dân kéo nhau ra gặt hái, một phần ăn, một phần dành lại, cày bừa xong họ rải thử giống lúa trôi giạt xuống đồng. Từ ấy, đồng lúa này mang tên Lúa Sạ, để phân biệt với đồng ruộng cấy.

Những năm sau 1975, có nơi dùng từ “lúa gieo thẳng”. Các văn bản tài liệu, báo chí thì dùng từ lúa nổi, có lẽ chuẩn xác hơn. Có nơi còn gọi là lúa mùa. Thực tế trong dân gian vẫn dùng từ “sạ lúa”, có nghĩa là gieo. Từ lúa sạ dần dần không ai dùng nữa. Ngày xưa người dân đồng ruộng đơn giản gọi lúa sống trong mùa nước nổi là lúa sạ. Thực ra mùa này, tùy thói quen và sở thích, người ta sử dụng giống Nàng Chô, Nàng Đùm, Nàng Quớt, Nàng Tây, Nàng Tiên...

Theo tài liệu “Thâm canh và khai thác cây lúa nổi” của Sở Nông nghiệp An Giang, hiện nay cây lúa nổi và lúa chịu nước sâu, chiếm khoảng 25 đến 30 phần trăm diện tích trồng lúa trên thế giới. Các nước châu Á như Ấn Độ, Miến Điện, Băng-la-đét, Thái Lan, Việt Nam... chiếm một diện tích đáng kể hơn cả. Ở Tây châu Phi, các nước Ma-li, Ni-giê-ri-a, Giam-bi-a, Xê-nê-gan... cũng trồng nhiều lúa nổi dọc theo những con sông lớn. Ở đồng bằng sông Cửu Long, lúa nổi phần lớn tập trung vào tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, ước lượng khoảng 500.000 hécta. Riêng An Giang, thống kê năm 1982 - 1983 còn đến 120.000 trong toàn tỉnh.

Lúa nổi từ xưa chỉ làm một vụ trong cả năm. Gặt hái xong tháng giêng tháng hai đốt đồng. Tháng ba “sa mưa giông”, cày bừa, phơi đất. Tháng tư, sạ lúa làm mùa. Chậm lắm đến đầu tháng năm lúa phải sạ xong xuôi. Chậm nửa mùa lúa sẽ bấp bênh, một ăn một thua sóng nước. Bao giờ cũng thế, tránh trở ngại cho người đi lại trên đồng, người đốt đồng châm lửa vào chiều hôm. Thoạt tiên, dưới bóng hoàng hôn lóa lên từng ngọn lửa rải rác khắp cánh đồng như sao giăng trên trời thẳm. Khi bóng tối tràn đầy, lửa cháy thành hàng, thành dãy, gợi tưởng đến những chiến trường hỏa chiến xa xưa. Lớp lớp rạ lúa vàng óng, khô rom chồng chất lên nhau, ngổn ngang trong nắng chói chang sau Tết, giờ đây biến dần trong lửa. Sáng ra chỉ còn lại tro than và những ánh lửa nhỏ lập lòe. Ai đã từng sinh trưởng ở đồng quê Nam Bộ hẳn khó quên những buổi chiều sương và khói lửa, những dãy trường thành lửa sáng trong đêm.

Năng suất lúa nổi không cao, trên dưới hai tấn một hecta, nhưng sức sống của nó diệu kì (như nhà cách mạng lão thành Phạm Văn Đồng từng ca ngợi). “Nước càng dâng cao lúa càng vươn cao hơn nước”. Một cuộc đọ sức nghìn đời giữa cây lúa và lũ lụt hàng năm. Một cuộc chạy đua đuổi bắt lí thú cực kì. Cho đến nay, cây lúa nổi vẫn còn chỗ đứng trên đồng ruộng miền Tây Nam Bộ, dù biết bao giống mới năng suất cao, nhưng vẫn chưa thay thế được trong mùa nước nổi.

Cây lúa nổi mỗi năm đọ sức, đọ gan với sóng nước một cách ngoan cường, giành nhiều phần thắng, ít khi thua. Sâu rầy bệnh hoạn khó hoành hành cây lúa nổi. Con người lại bỏ rất ít công lao chăm bón nó. Trải qua bao nhiêu thế hệ con người và hai cuộc kháng chiến ác liệt ba mươi năm, cây lúa nổi vẫn là bạn chung thủy, chung tình với người chân đất “núp với giáo mang ngang vai”. Giờ đây cây lúa nổi vẫn chưa phụ rẫy con người. Nó vẫn trụ những chốn heo hút, đồng sâu. Nơi mà những cây lúa khác không đứng được. Có những nhà kinh tế thị trường muốn chia tay với cây lúa nổi. Nhưng cũng có những lời khuyên của nhà nông học: “Lúa nổi năng suất không cao vì ta không đầu tư kĩ thuật, chi phí sản xuất không tốn nhiều. Tôi còn được biết Viện lúa Quốc tế IRRI đã có những công trình nghiên cứu công phu về cây lúa nổi và đang có những đề án thú vị cho cây lúa độc đáo này”.

Có một lời khuyên đáng suy nghĩ: “Dù cây lúa nổi không giữ lại đại trà, cũng nên làm sử liệu cho đời sau”.