I. TẠO TỪ NGỮ MỚI

1. Những từ ngữ mới được cấu tạo trong thời gian gần đây trên cơ sở các từ ngữ: điện thoại, kinh tế, di động, sở hữu, trí thức, đặc khu, trí tuệ.

Có thể xác định những từ ngữ sau:

- Điện thoại di động: điện thoại vô tuyến nhỏ mang theo người, được sử dụng trong vùng phủ sóng của cơ sở cho thuê bao.

- Kinh tế tri thức: nền kinh tế dựa chủ yếu vào việc sản xuất, lưu thông, phân phối các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao.

- Đặc khu kinh tế: khu vực dành riêng để thu hút vốn và công nghệ nước ngoài, với những chính sách có ưu đãi.

- Sở hữu trí tuệ: quyền sở hữu đối với sản phẩm do hoạt động trí tuệ mang lại, được pháp luật bảo hộ như quyền tác giả, quyền phát minh, sáng chế...

2. Những từ ngữ mới được cấu tạo theo mô hình X + tặc như không tặc, hải tặc. Có thể dẫn đến những từ ngữ như:

- Lâm tặc: kẻ cướp tài nguyên rừng.

- Tin tặc: kẻ dùng kĩ thuật thâm nhập trái phép vào dữ liệu trên máy tính của người khác để khai thác hoặc phá hoại.

II. MƯỢN TỪ NGỮ CỦA TIẾNG NƯỚC NGOÀI

1. Tìm những từ Hán Việt trong hai đoạn trích: Có những từ Hán Việt sau:

a) Thanh minh, tiết, lễ, tảo mộ, hội, đạp thanh, yến anh, bộ hành, xuân, tài tử, giai nhân.

b) Bạc mệnh, duyên, phận, thần, linh, chứng giám, thiếp, đoan trang, tiết, trinh bạch, ngọc (không kể tên riêng trong đoạn trích).

2. Để chỉ những khái niệm như:

a) Bệnh mất khả năng miễn dịch, gây tử vong: Bệnh AIDS.

b) Nghiên cứu một cách có hệ thống những điều kiện để tiêu thụ hàng hoá, chẳng hạn nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của khách hàng,..: Ma-két-ting.

Aids AIDS (a) và ma-két-ting (b) là những từ mượn của tiếng nước ngoài. Trong nhiều trường hợp, mượn từ của tiếng nước ngoài để biểu thị những khái niệm mới xuất hiện trong đời sống của người bản ngữ là cách thức tốt nhất.

III. LUYỆN TẬP

1. Tìm hai mô hình có khả năng tạo ra những từ ngữ mới như kiểu X + tặc ở trên:

X + trường: chiến trường, công trường, nông trường, ngư trường, thương trường...

X + hoá: ôxi hoá, lão hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, công nghiệp hóa, thương mại hóa...

2. Năm từ ngữ mới được dùng phổ biến gần đây:

Bàn tay vàng: bàn tay tài giỏi hiếm có trong việc thực hiện một thao tác lao động hoặc kĩ thuật nhất định.

Cầu truyền hình: hình thức truyền hình tại chỗ cuộc giao lưu, đối thoại trực tiếp với nhau qua hệ thống ca-mê-ra giữa các địa điểm cách xa nhau.

Cơm bụi: cơm giá rẻ, thường bán trong hàng quán nhỏ, tạm bợ.

Công nghệ cao: công nghệ dựa trên cơ sở khoa học kĩ thuật hiện đại, có độ chính xác và hiệu quả kinh tế cao.

Công viên nước: công viên trong đó chủ yếu là những trò chơi dưới nước như trượt nước, bơi thuyền, tắm biển nhân tạo...

3. Từ mượn của tiếng Hán: mãng xà, biên phòng, tham ô, tô thuế, phê bình, phê phán, ca sĩ, nô lệ.

Từ mượn của các ngôn ngữ châu Âu: xà-phòng, ô-tô, ra-đi-ô, ô-xi, cà-phê, ca-nô.

4. Các hình thức phát triển từ vựng: phát triển về nghĩa của từ ngữ và phát triển về số lượng từ ngữ. Sự phát triển về số lượng từ ngữ có thể diễn ra bằng hai cách: cấu tạo từ ngữ mới và hình thức mượn từ ngữ của tiếng nước ngoài.

Thảo luận vấn đề: Từ vựng của một ngôn ngữ có thể không thay đổi được không?

Cần khẳng định ngay là từ vựng của một ngôn ngữ không thể không thay đổi. Thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh chúng ta luôn luôn vận động và phát triển. Nhận thức về thế giới của con người cũng vận động và phát triển theo. Nếu từ vựng của một ngôn ngữ không thay đổi thì ngôn ngữ đó không thể đáp ứng được nhu cầu giao tiếp và nhận thức của người bản ngữ.