I. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG VĂN BẢN TỰ SỰ
Đoạn văn trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.
1. Chuyện kể về ai và về việc gì? (Kể về phút chia tay giữa người họa sĩ già, cô gái và anh thanh niên...).
2. Ai là người kể câu chuyện trên? Người kể về phút chia tay đó không xuất hiện, không phải là một trong ba nhân vật đã nói tới. Bởi vì nếu là một trong ba nhân vật thì ngôi kể và lời văn phải thay đối. Trong đoạn văn ta thấy các nhân vật đều trở thành đối tượng miêu tả một cách khách quan: “Anh thanh niên vừa vào, kêu lên”; “Cô kĩ sư nhếch mép, mặt đỏ ửng”; “bỗng người họa sĩ già quay lại”... Nếu người kể là một trong ba người trên thì ngôi kể và lời văn phải thay đổi. Hoặc là xưng “tôi”, hoặc là xưng tên một trong ba nhân vật đó để kể lại chuyện. Như thế người kể chuyện ở đây là vô nhân xưng, không xuất hiện trong câu chuyện.
3. Những câu “giọng cười nhưng đầy tiếc rẻ”, “những người con gái sắp xa ta, biết không bao giờ gặp ta nữa, hay nhìn ta như vậy”... chính là nhận xét của người kể chuyện về anh thanh niên và suy nghĩ của anh ta. Cần lưu ý câu nhận xét thứ hai, người kể chuyện như nhập vào nhân vật anh thanh niên để nói hộ suy nghĩ và tình cảm của anh, nhưng vẫn là câu trần thuật của người kể chuyện. Câu nói đó vang lên không chỉ nói hộ anh thanh niên mà còn là tiếng lòng của rất nhiều người trong cảnh huống đó. Nếu đó là câu nói trực tiếp của anh thanh niên thì tính khái quát sẽ bị hạn chế rất nhiều.
4. Căn cứ vào chủ thể đứng ra kể chuyện, đối tượng được miêu tả, ngôi kể, điểm nhìn và lời văn, có thể nhận xét: Người kể câu chuyện đây dường như thấy hết và biết tất mọi việc, mọi người, mọi hành động, tâm tư, tình cảm của các nhân vật.
II. LUYỆN TẬP
So sánh đoạn văn của Nguyên Hồng với đoạn văn của Nguyễn Thành Long vừa phân tích ở trên để rút ra những nhận xét về sự giống nhau và khác nhau:
- Người kể ở đây là ai?
Người kể trong đoạn văn của Nguyên Hồng là nhân vật “tôi” (ngôi thứ nhất) - chú bé - trong cuộc gặp gỡ cảm động với mẹ mình sau những ngày xa cách.
- Ngôi kể này có ưu điểm gì và có hạn chế gì so với ngôi kể ở đoạn trên?
Ngôi kể này giúp cho người kể dễ đi sâu vào tâm tư tình cảm, miêu tả được những diễn biến tâm lí tinh vi, phức tạp đang diễn ra trong tâm hồn nhân vật “tôi”.
Ngôi kể này có hạn chế trong việc miêu tả bao quát các đối tượng khách quan, sinh động, khó tạo ra cái nhìn nhiều chiều, do đó dễ gây nên sự đơn điệu trong giọng văn trần thuật.