- Sao mày vô tâm thế? Thầy Long đã mất rồi!
- Thầy Long nào?
- Cái ngữ mọt sách - (bọn bạn thường gọi tôi là “mọt sách”) - Thầy “Long phương pháp” dạy chúng mình hồi cấp 3, chứ còn thầy nào nữa. Nghe thằng bạn thông báo, tôi không tin vào tai mình nữa. Thầy Long mất rồi sao? Chân tay bủn rủn, song không một chút chần chừ, tôi dắt xe máy phóng vội về quê.
- Thưa bác, đây có phải nhà em Lan không ạ?
- Vâng! Ông là...
- Em là thầy giáo dạy trò Lan nhà bác.
... Nghe tiếng thầy Long. Song tôi vẫn cứ ngấp ngó bên bức vách, không dám ló mặt ra nhìn thấy.
- Cực cái thân cháu Lan lắm thầy ạ! - Miệng méo xệch, giọng bố tôi rầu rĩ. Thầy coi, cháu là đứa rất ham học. Bắt cháu bỏ học là một sự đau lòng. Song biết làm sao được. Chẳng giấu gì thầy, nhà tôi rất nghèo, có năm mống ăn học. Thầy coi, nếu cháu Lan không dừng học sẽ “treo niêu” cả nhà...
Quả vậy, nhà tôi nghèo lắm. Ở vùng quê tôi, gió Lào khắc nghiệt, đất cằn đá cỗi, suốt năm mất mùa. Bố mẹ tôi tuổi đã cao, nhà lại đông con ăn học. Hai cụ quanh năm làm lụng quần quật cũng không đủ cơm cháo nuôi cả một đàn con. Hồi ấy tôi học cấp 3. Trường lại xa nhà 12km. Không có tiền ở trọ, ngày ngày tôi phải cuốc bộ đi chừng ấy cây số. Có hôm, không có gì để ăn dù là thìa cháo, thương con, trong cảnh bất lực, đang bốn giờ sáng bố mẹ tôi lộn ra vườn chặt liền một lúc mấy cây mía. Vào, cả hai róc từng lóng cho tôi ăn lót dạ. Nhìn tội nhai mía, bố mẹ tôi rơm rớm nước mắt. Gay nhất là ở lại lớp để học cả ngày. Không có cơm, chỉ đem theo mấy khúc mía. Trưa đến, bọn bạn đều có cơm hoặc khoai đem theo để ăn. Riêng tôi, sợ chúng bạn cười, liền trốn vào một bụi rậm lụi cụi tước mía ăn một mình. Tủi thân, vừa nhai mía vừa nuốt nước mắt. An xong, chui khỏi bụi rậm, vào lớp, tôi và cười nói vui vẻ như không. Có hôm, sau một ngày học căng thẳng, bụng lại trống rỗng, đi rớt sau đồng bọn, về đến giữa cánh đồng, hoa mắt tôi ngã ngất bên ruộng lúa. May có một người đi thăm đồng, nhìn thấy, chị ta hô hoán lên, tôi mới được cứu sống. Thật không còn cách nào khác, buộc lòng bố mẹ tôi đành phải bắt tôi nghỉ học. Không được đến trường, suốt ngày tôi như người mất hồn.
... Nghe bố tôi mãi trình bày gia cảnh mình; hiểu được sự tình, thầy tôi - một người thầy mà những năm tháng tuổi trẻ đều gửi mình chốn Trường Sơn khói lửa, nơi rừng thiêng nước độc - bặm môi đi đi lại lại trong ngôi nhà trống hơ trống hoác, mặt đăm đăm nghĩ ngợi. Sau một hồi cắn môi cân nhắc, giọng thầy quả quyết.
- Thôi thế này bác, theo em là bác cứ cho cháu đến trường. Em sẽ trích một phần lương chu cấp cho cháu. Còn nghỉ học là hạ sách...
Trước quyết định táo bạo của thầy, mẹ tôi trợn tròn mắt, còn bố tôi miệng méo xệch há hốc ra kinh ngạc. Riêng tôi từ bên bức vách, quá xúc động trước tấm lòng của thầy, tôi lồm cồm bò tới ôm lấy hai bàn tay của thầy, nói trong sự nghẹn ngào, giàn giụa nước mắt:
- Thầy! Thầy ơi...!
Từ đấy tôi lại được đến trường trong sự đùm bọc che chắn của thầy. Tổi lao vào học như điên, mang theo một ý chí, một nghị lực lớn. Mỗi một tuần, ngoài giờ học chính khóa, tôi còn đến nhà thầy bốn buổi để ôn luyện chuẩn bị thi học sinh giỏi sắp tới. Hai thầy trò như bóng với hình. Thầy thương yêu tôi như con. Hình như thầy sinh ra là vì tương lại những người học trò như tôi. Trong giảng dạy, thầy luôn luôn nhấn mạnh về mặt phương pháp, từ đầu tiên thầy nói bao giờ cũng là “phương pháp”; cái gì cũng “phương pháp, phương pháp” (nên bọn bạn đặt cho thầy biệt hiệu là “thầy Long phương pháp”).
Tôi quên sao được lần ấy: Đó là lần hai thầy trò đang chụm đầu vào trang sách. Đột nhiên hai tay giật giật, mặt tái mét, thầy bị ngã chúi vào bên bàn. Vết thương thời còn chiến trường chống Mĩ lại hành hạ thầy. Tôi hốt hoảng gọi người đến cấp cứu, và thân con gái chẳng biết làm gì hơn ngoài ôm lấy thầy mà khóc như một đứa trẻ. Rồi kì thi học sinh giới cũng đến. Lần đi ấy, lưng tiền thầy trò ít ỏi, có hôm hai thầy trò ăn thêm ngô nướng cho chắc bụng. Cả hai vừa ăn vừa nhìn nhau cười.
- Lan ơi! Tuyệt hết chỗ nói! Phương pháp ấy đã có kết quả... Em đạt giải nhất môn Văn toàn quốc rồi. Phương pháp, ôi phương pháp muôn năm...
Đang ngồi trong nhà, nghe thấy báo tin, tôi lao tới bên thầy. Cái lao quá mạnh làm tấm thân gầy gò của thầy ngã chỏng quẹo giữa sân.
- Ôi! Trời đất! Sao lại được như thế này! Tôi buột miệng kêu to như thét.
Sung sướng, cả hai thầy trò ôm lấy nhau mà cười. Tôi nhận thấy trong đôi mắt trũng sâu của thủy ngân ngấn lệ.
Thế rồi ba năm ngồi ghế phổ thông trung học cũng trôi nhanh. Tôi được chuyển thẳng lên đại học. Trước lúc chia tay, hai thầy trò cứ ngơ ngác nhìn nhau, tay tìm tay bịn rịn. Không cầm được lòng mình, tối sà vào ngực thấy khóc tức tưởi...
Vào đại học, sau năm năm được học bổng toàn phần, tốt nghiệp tối thành giảng viên, rồi được đi học nước ngoài bảo vệ luận án tiến sĩ... Sách vở và bao nhiêu lo toan đời thường chi phối... tôi cũng ít có dịp về quê thăm thầy. Thế mà đã 29 năm trôi qua...
Tôi đến nhà thầy. Muộn quá mất rồi! Người ta đã đưa thầy đến nghĩa địa. Ai cũng bảo đám tang thầy to nhất quê tôi, người đưa tang kéo dài đến hàng cây số, chật đường chật chợ, chỉ thiểu kẻ vô ơn là tôi... Thế là vĩnh viễn và mãi mãi không được gặp người thấy, vị ân nhân, “người cha” của năm xưa nữa rồi! Tôi như muốn thét lên: “Thầy ơi! Em là người có tội...”. Trời đất như điên đảo, đổ nhào trước mắt. Quả là tôi là con mọt sách vô dụng... Quá ân hận, xót xa trước sự vô tâm của mình, tôi cắn môi đến bật máu...
Tôi tìm đến nơi an nghỉ cuối cùng - cõi vĩnh hằng của người thầy năm xưa. Tôi ngồi thụp xuống chết lặng, mắt nhòa lệ! Trên mộ thầy, từng bầy bướm trắng bay rập rờn quanh những vòng hoa. Chúng chập chờn, đôi từng đối như những cặp trò nhỏ vây quanh lấy thầy như hồi năm nào...