I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Đặc điểm hình thức của câu cảm thán

- Đặc điểm hình thức dễ nhận biết của câu cảm thán là sử dụng các từ ngữ cảm thán, gồm các loại:

+ Các thán từ biểu lộ tình cảm: ôi, than ôi, hỡi ôi, chao ôi, trời ơi, ô, ô hay, úi chà, ủa, ối, ái; thay, biết bao, xiết bao, biết chừng nào,...

+ Các từ biểu hiện mức độ của cảm xúc, mức độ đánh giá: thật, lắm, quá, ghê, cực kì,...

– Ở dạng viết, câu cảm thán thường kết thúc bằng dấu chấm than. Ở dạng nói, câu cảm thán có ngữ điệu cảm thán (nhấn giọng ở các từ ngữ cảm thán, có giọng thay đổi phù hợp với cảm xúc,...).

2. Chức năng của câu cảm thán

Câu cảm thán dùng để bộc lộ cảm xúc trực tiếp của người nói (người viết) đối với sự vật hay hiện tượng được nói đến (sự vui mừng, thán phục, đau xót, ngạc nhiên,...).

II – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Đọc kĩ từng đoạn trích, chú ý những câu có từ ngữ cảm thán, như: than ôi, thay (ở đoạn trích a); hỡi, ơi (câu b); chao ôi (đoạn trích c). Đó là những câu cảm thán. Các câu này thường kết thúc bằng dấu chấm than (Riêng câu cảm thán ở đoạn trích (c) kết thúc bằng dấu chấm).

2. Các câu ở bài tập này đều là những câu bộc lộ tình cảm, cảm xúc. Nhưng không có câu nào là câu cảm thán, vì không có hình thức đặc trưng của kiểu câu này (không sử dụng từ ngữ cảm thán, không có dấu chấm than kết thúc câu).

3. Trong hai câu cảm thán cần đặt, một câu bộc lộ tình cảm yêu thương, lòng biết ơn của mình dành cho người thân; còn câu kia bộc lộ sự ngạc nhiên, thích thú trước vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên.

Tham khảo các câu sau:

-Câu 1: Ôi, con cảm ơn mẹ!

-Câu 2: Cảnh bình minh trên biển đẹp biết bao!