I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Muốn thuyết minh về một phương pháp (cách làm) một việc gì đó, trước hết, người viết phải tìm hiểu để nắm chắc phương pháp (cách làm) đó.

2. Khi thuyết minh, cần trình bày rõ những điều kiện, cách thức, trình tự,... tiến hành công việc. Nếu công việc cho kết quả là những sản phẩm thì phải nêu cả yêu cầu, chất lượng đối với sản phẩm đó.

3. Lời văn thuyết minh cần ngắn gọn, rõ ràng.

II – HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI

Đọc kĩ hai văn bản trong bài, chú ý nội dung, trình tự các yếu tố được nêu ra để trả lời câu hỏi.

Trong hai văn bản Cách làm đồ chơi "Em bé đá bóng bằng quả khô" và Cách nấu canh rau ngót với thịt lợn nạc, các bước thuyết minh được trình bày như sau:

- Nêu điều kiện: Các nguyên vật liệu để làm đồ chơi hay nấu món ăn.

- Cách thức, trình tự tiến hành. Cụ thể, với Cách làm đồ chơi "Em bé đá bóng bằng quả khô" cần làm theo 5 bước, còn với Cách nấu canh rau ngót với thịt lợn nạc cần làm theo 3 bước.

- Yêu cầu thành phẩm: Đồ chơi khi làm ra phải đạt những yêu cầu về thẩm mĩ như thế nào, món ăn nấu xong phải có màu sắc, mùi vị,... ra sao.

III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Khi nêu cách làm bất cứ một đồ chơi nào đó, cần trình bày cụ thể các bước:

a) Nguyên vật liệu

- Đồ chơi đó được làm bằng gì (giấy, bìa, đất sét,...)? Mỗi thứ cần bao nhiêu? Tiêu chuẩn (cứng, mềm, dài, ngắn,...) như thế nào?

- Để làm được đồ chơi đó, cần những dụng cụ (kéo, hồ dán, băng dính, kim khâu, ghim,...) gì?

b) Cách làm

Hướng dẫn cụ thể, chi tiết từng bước, từ pha chế, cắt dán, tạo hình cho đến lắp ghép các chi tiết với nhau.

c) Yêu cầu thành phẩm

Nêu các yêu cầu thẩm mĩ, công dụng,... của đồ chơi sau khi hoàn thành.

2. Văn bản Phương pháp đọc nhanh được trình bày như sau:

a) Nêu vấn đề

Người viết khẳng định vai trò của việc đọc bằng cách sử dụng biện pháp phản đề:

- Nêu sự phát triển của khoa học thông tin cũng như ý nghĩa của nó đối với con người nhưng đồng thời cũng khẳng định máy móc không thể thay thế được con người, không thay được việc đọc.

- Từ mâu thuẫn giữa khả năng đọc thực tế (theo cách thông thường của con người với kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại, tác giả hướng bạn đọc đến yêu cầu bức thiết phải hình thành phương pháp đọc nhanh.

b) Giải quyết vấn đề (các cách đọc và phương pháp đọc nhanh)

Người viết trình bày các cách đọc theo trình tự từ thấp đến cao:

-Ở mức thấp có đọc thành tiếng (quá chậm, mất nhiều thời gian).

- Ở mức cao có đọc thầm. Đọc thầm lại được chia làm hai loại: đọc theo dòng và đọc theo ý.

+ Đọc theo dòng là cách đọc thông thường, đọc từng câu, từng chữ. Ở mức chuẩn (150 – 200 từ/ phút) vẫn còn quá chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.

+ Đọc theo ý chính là phương pháp đọc nhanh. Phương pháp này có những đặc điểm và ưu điểm sau:

- Đọc lướt từ trên xuống dưới (cách này làm cho mắt đỡ mỏi).

- Không bám sát các từ mà nắm chắc các ý.

- Trong một thời gian ngắn, có thể thu nhận đầy đủ các thông tin chủ yếu của một trang sách, một cuốn sách.

- Ai cũng có thể vận dụng được nhưng phải tập trung cao, có ý chí.

c) Kết luận

Người viết trình bày hai thông tin:

- Những tấm gương đọc nhanh: Na-pô-lê-ông (2000 từ/phút), Ban-dắc (4000 từ/ phút), Mác-xim Go-rơ-ki (đọc mỗi trang sách chỉ mất vài giây)...

- Làm thế nào để đáp ứng yêu cầu đọc nhanh của toàn xã hội? Người viết nêu: các nước tiên tiến (Nga, Mỹ,...) mở các lớp dạy đọc nhanh. Hiệu quả: Sau khi tham dự, người đọc có thể đạt tốc độ 1500 tờ/phút, thậm chí có thể đạt mức 12000 từ/ phút với những bài viết nhẹ nhàng.

Các số liệu trong bài (tốc độ đọc trung bình, tốc độ đọc của các vĩ nhân, tốc độ đọc của người đã qua lớp hướng dẫn) với độ chênh lệch rất cao có sức thuyết phục lớn khi nói đến hiệu quả của phương pháp đọc nhanh.