I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Muốn viết bài giới thiệu về một danh lam thắng cảnh thì tốt nhất phải đến nơi thăm thú, quan sát hoặc tra cứu sách vở, hỏi han những người hiểu biết để có được kiến thức đáng tin cậy về nơi ấy.
2. Bài giới thiệu nên có bố cục đủ ba phần. Lời giới thiệu ít nhiều có kèm theo miêu tả, bình luận thì sẽ hấp dẫn hơn; tuy nhiên, bài giới thiệu phải dựa trên cơ sở kiến thức đáng tin cậy và có phương pháp thích hợp. Lời văn cần chính xác và có biểu cảm.
II – HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI
1. Bài viết đã cung cấp cho người đọc về lịch sử hồ Hoàn Kiếm, thoạt đầu là một đoạn sông Hồng. Hồ đã có vài nghìn tuổi và có các tên gọi khác nhau, vì sao lại có tên là hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm.
Bài viết cũng cung cấp cho ta hiểu lịch sử và kiến trúc của đền Ngọc Sơn, những kiến trúc có liên quan đến đền như Đài Nghiên, Tháp Bút, Tháp Rùa.
2. Muốn viết về một danh lam thắng cảnh, không chỉ cần những hiểu biết qua quan sát trực tiếp, mà còn cần những hiểu biết thông qua sách vở, lịch sử, các câu chuyện dân gian, đó là những hiểu biết gián tiếp. Kết hợp hai nguồn kiến thức này thì bài viết mới vừa sinh động, vừa có chiều sâu. Trong bài viết về hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, ngoài những quan sát trực tiếp, tác giả còn có kiến thức lịch sử, kiến thức văn học dân gian, kiến thức Hán học (giải thích Tả thanh thiên, Thê Húc).
3. Muốn có kiến thức về một danh lam thắng cảnh thì tốt nhất là trực tiếp đến thăm, nếu đó là nơi nổi tiếng thì nên đi thăm theo đoàn, nghe hướng dẫn viên thuyết minh, tự mình quan sát, ghi chép hoặc mua các tập sách giới thiệu về thắng cảnh đó. Điều đó sẽ làm cho vốn kiến thức gián tiếp của ta thêm phong phú. Cũng có thể tìm hiểu qua các sách báo đã xuất bản (đọc và ghi chép). Tất nhiên việc này khó, vì các bài viết thường rải rác, tản mạn. Cũng có thể hỏi những người có hiểu biết về thắng cảnh đó. Ví dụ đến Văn Miếu, có thể hỏi những người quản lí di tích, hỏi các anh chị thuyết minh.
4. Bài viết về hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn không theo bố cục thông thường ba phần. Tác giả giới thiệu hồ, giới thiệu đền, kết thúc bằng việc giới thiệu khu vực quanh hồ. Phần giới thiệu đền Ngọc Sơn có phần lộn xộn. Nói Tháp Rùa, rồi đến đền, sau lại nói các công trình bên ngoài đền như Tháp Bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc.
5. Phương pháp thuyết minh chủ yếu trong bài là phân loại, phân tích, liệt kê.
III - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Bố cục của bài thuyết minh giới thiệu Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn có thể lập lại như sau:
– Mở bài: Giới thiệu chung về thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.
- Thân bài:
+ Đoạn 1: Giới thiệu hồ Hoàn Kiếm.
+ Đoạn 2: Giới thiệu đền Ngọc Sơn.
- Kết bài: Nói chung về khu vực Bờ Hồ.
2. Muốn giới thiệu theo trình tự tham quan hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn từ xa đến gần, từ ngoài vào trong thì nên sắp xếp thứ tự giới thiệu như sau:
Hồ Hoàn Kiếm có thể đi quanh bằng các phố Đinh Tiên Hoàng, Bờ Hồ, Lê Thái Tổ, Hàng Khay. Các công trình ven bờ hồ có thể kể Tràng Tiền Plaza, Bưu điện, Uỷ ban Nhân dân thành phố, đền Bà Kiệu, tượng đài quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hàng Thuỷ tạ,... Công trình kiến trúc xưa có thể kể: Đài Nghiên, Tháp Bút. Bên trong lòng hồ có Tháp Rùa và đền Ngọc Sơn.
Đền Ngọc Sơn là công trình được xây dựng trên đảo Ngọc. Cầu Thê Húc cong cong là lối dẫn vào đền. Trước mặt đền là Trấn Ba Đình (đình chắn sóng). Đền có ba nếp, ngoài cùng là bái đường, nếp giữa thờ thánh Văn Xương (chủ về văn chương, khoa cử), nếp sau cùng thờ Đức Thánh Trần.
3. Bố cục ba phần có thể theo trình tự ở câu 1. Vấn đề là em chọn các chi tiết nào. Với các em không có điều kiện quan sát trực tiếp, hãy sử dụng văn bản trong SGK. Lưu ý rằng về truyền thuyết Hồ Gươm, em có thể viết theo truyện đã học ở Ngữ văn 6, như vậy chính xác hơn.
4. Về câu của nhà thơ nước ngoài, có thể sử dụng trong phần mở bài, giới thiệu chung về Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn. Tuy vậy cũng có thể sử dụng ở phần thân bài, ngay đầu đoạn 1 khi giới thiệu về Hồ Gươm. Nhưng lại cũng có thể dùng để kết đoạn 1, trước khi chuyển sang đoạn 2, giới thiệu về đền Ngọc Sơn.