I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nguyễn Trãi (1380 - 1442), hiệu là Ức Trai, con của Nguyễn Phi Khanh, quê gốc ở thôn Chi Ngại, xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, sau dời đến làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn với vai trò rất lớn bên cạnh Lê Lợi. Nguyễn Trãi đã trở thành nhân vật lịch sử lỗi lạc, hiếm có. Ông được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hoá thế giới.

Nguyễn Trãi để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ, phong phú, trong đó có Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Quân trung từ mệnh tập.

2. Cáo là một thể loại văn bản hành chính của nhà nước quân chủ, thường được dùng cho các phát ngôn chính thức, hệ trọng của vua chúa hoặc thủ lĩnh, nhằm tổng kết một công việc, trình bày một chủ trương xã hội chính trị cho dân chúng biết. Cáo có thể được viết bằng văn xuôi, nhưng thường là được viết bằng biền văn.

3. Bình Ngô đại cáo khẳng định nước ta là một nước có chủ quyền với nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ, phong tục tập quán riêng, bên cạnh đó còn có một bề dày lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Kẻ xâm lược là kẻ phản nhân nghĩa, dù binh hùng tướng mạnh đến đâu cũng nhất định sẽ bị đánh bại.

Bằng những lí lẽ, dẫn chứng vừa đanh thép, vừa cụ thể, xác thực, đủ làm cơ sở cho một nền văn hiến lâu đời, trên hết là đảm bảo tính chất pháp lí, chính nghĩa của nền độc lập dân tộc, đoạn trích đã thể hiện một trong những nội dung cơ bản nhất của tác phẩm, đó là lòng tự hào dân tộc, ý thức độc lập tự chủ đã phát triển đến đỉnh cao.

II- HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Khi nêu tiền đề, tác giả đã khẳng định những chân lí: sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt. Chúng ta là nước riêng, có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, có phong tục riêng, có lịch sử độc lập với nhiều triều đại, có chế độ, chủ quyền ngang hàng với các triều đại Trung Quốc.

2. Qua 2 câu: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân - Quân điếu phạt trước lo trừ bạo, có thể hiểu cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là thương dân, bảo vệ đất nước độc lập để yên dân. Muốn thực hiện điều yên dân, phải trừ bọn hung bạo, đó là bọn giặc Minh xâm lược. Nhiệm vụ hàng đầu của nghĩa quân là vì dân mà đánh giặc xâm lược.

3. Để khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc, tác giả đã dựa vào các yếu tố: nền văn hiến lâu đời, lãnh thổ riêng, phong tục tập quán, lịch sử riêng, chế độ nhà nước riêng, bình đẳng ngang hàng với các triều đại Trung Quốc.

Ý thức dân tộc ở đây tiếp tục khẳng định những điều đã nói ở bài Sông núi nước Nam. Trong bài thơ đó, nói 2 điểm chính là về sự độc lập lãnh thổ (rành rành phân chia tài sách trời), về chủ quyền: nước Nam của vua Nam. Trong bài thơ đó, tác giả đã xưng đế (vị vua tối cao) ngang với các vua Trung Quốc. Đến Nước Đại Việt ta (trích Bình Ngô đại cáo), tác giả vẫn khẳng định: mỗi bên xưng đế một phương, vẫn khẳng định về lãnh thổ và chủ quyền. Nhưng ở đây có nói thêm đến văn hiến, phong tục, lịch sử các triều đại. Do một bên là bài thơ tứ tuyệt không cho phép trình bày chi tiết, một bên là bài cáo, bằng văn biền ngẫu dài, nên ở đây vấn đề độc lập được nói kĩ hơn, nhiều hơn.

4. Nét đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích: Tác giả dùng những từ ngữ khẳng định về sự tồn tại lâu đời, hiển nhiên, về nhiều phương diện (văn hiến, lãnh thổ, phong tục, triều đại độc lập, bình đẳng), đồng thời kể ra những kẻ xâm lược phương Bắc đã chịu thất bại mà sử sách còn ghi rõ. Lời văn ngắn gọn mà ý tứ phong phú, lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén.

5*. Sức thuyết phục của văn chính luận Nguyễn Trãi trong đoạn này thể hiện rõ ở lập luận của tác giả. Từ tư tưởng nhân nghĩa, tác giả khẳng định lẽ phải thuộc về ta, còn kẻ địch là bạo ngược, là hại dân. Việc đánh kẻ xâm lược là một việc tất nhiên vì Đại Việt chúng ta là một nước độc lập. Minh chứng về sự độc lập, tác giả đưa ra nhiều mặt, mặt nào cũng khác, cũng riêng, có dẫn chứng sử sách rõ ràng. Về thực tiễn, tác giả đã kể ra tấm gương những kẻ trái nhân nghĩa, làm điều bạo ngược đã chịu thảm bại như thế nào: Lưu Cung thất bại, Triệu Tiết tiêu vong, Ô Mã, Toa Đô kẻ bị giết tươi, kẻ bị bắt sống. Chứng cớ còn ghi trong sử sách là điều không thể chối cãi. Đoạn văn này vừa đanh thép, vừa hùng hồn, vừa chứng minh cho sức mạnh của chính nghĩa, vừa thể hiện niềm tự hào dân tộc.

III – THAM KHẢO

Đoạn văn 8 câu, 16 vế, ngắn gọn, chứa đựng bao điều lớn lao. Nó vang lên sang sảng như tiếng vàng, tiếng thép, rắn mà trong. Nó dõng dạc, nghiêm nghị như hồi trống, hồi chiêng gióng lên trước hương khói một bàn thờ Tổ quốc... Nó như những lời phán quyết trước lịch sử, bất di bất dịch.

Chân lí lớn lao mà giản dị. Hai mệnh đề nhân nghĩa chỉ có 16 chữ trong nguyên văn, 14 chữ trong bản dịch, đều là những chữ thông thường, kể cả những chữ mượn trong sách vở ngày xưa:

– Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

(Nhân nghĩa chi cử, vụ tại an dân,

Điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo.)

- Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

(Duy ngã Đại Việt chi quốc

Thực vi văn hiến chi bang.)

Phép đối trong văn biền ngẫu phát huy tác dụng tích cực của nó. Việc sắp song song 2 vế đối nhau, 1 vế nói về ta, 1 vế nói về Trung Quốc, cũng tăng thêm ý nghĩa bình đẳng, ngang hàng giữa hai bên:

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.

Đối chọi nhau trong một vế - giữa một bên là ta và một bên là Trung Quốc, không hẳn đối chữ mà ngụ trong ý:

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Hai vế đối nhau nhưng về sau bổ sung cho vế trước cũng là nhấn mạnh thêm, Nhấn mạnh thêm nền văn hiến nước ta ở sự có mặt luôn luôn của những người tài giỏi:

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,

Song hào kiệt đời nào cũng có.

Nhấn mạnh thêm sự thất bại tất yếu của bọn tham tàn không chịu tôn trọng nền văn hiến ấy. Không phải một lần mà ba bốn lần:

Lưu Cung tham công nên thất bại,

Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong.

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.

Không phải thất bại giống nhau, mà tên thì thất bại, tên thì tiêu vong, tên bị bắt sống, tên bị giết tươi (nguyên văn: bại: thua, vong: mất, cầm: bắt sống, ế: chết). Cũng không thể bỏ qua việc gọi xách mé tên vua Nam Hán là Lưu Cung. Cũng là cách gọi xứng đáng dành cho một tên xâm lược. Nhưng không gì đẹp bằng hai vế nhân nghĩa căng ngang trên đầu như một câu khẩu hiệu thiêng liêng, cao cả, bằng chữ vàng chói lọi, lồng lộng giữa trời cao, muôn đời sáng chói, và hai vế cuối đoạn khẳng định chân lí chủ quyền độc lập, chân lí sức mạnh văn hiến, như một lời gạch chân, tô đậm. Cả 4 vế của hai câu mở đầu, kết thúc đoạn văn như đóng thành một cái khung hoành tráng cho các tư tưởng lớn mãi mãi chói ngời.

(Theo Lê Trí Viễn, Những bài giảng văn ở đại học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1982)