I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Hồ Chí Minh là nhà cách mạng, nhà thơ, nhà văn hoá lớn của nước ta và thế giới. (Xem lại tiểu sử của Bác được viết trong sách Ngữ văn 7, tập hai.)
2. Sau ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, tháng 2 – 1941, Bác Hồ trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở trong nước. Khi đó, Người sống và làm việc trong một điều kiện hết sức gian khổ: ở trong hang Pác Bó – một hang núi nhỏ thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng; với những sinh hoạt hằng ngày rất đạm bạc. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó là một trong những tác phẩm Người sáng tác trong thời gian này.
Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Thể thơ này chỉ có một khổ gồm bốn câu (tứ tuyệt), mỗi câu bảy chữ (thất ngôn) rất nổi tiếng ở Trung Quốc, đã được du nhập và trở thành một trong những thể thơ phổ biến của văn học trung đại Việt Nam.
Tức cảnh Pác Bó là bài thơ tứ tuyệt giản dị pha giọng vui đùa, thể hiện tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác trong cuộc sống cách mạng đầy khó khăn, gian khổ ở Pác Bó. Bài thơ cũng cho thấy hoạt động cách mạng và sống hoà hợp với thiên nhiên là một niềm vui lớn của nhà cách mạng, nhà thơ Hồ Chí Minh.
II – HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
1. Tức cảnh Pác Bó thuộc thể thơ tứ tuyệt Đường luật. Một số bài thơ cùng loại là: Nam quốc sơn hà, Thiên Trường vãn vọng, Bánh trôi nước, Cảnh khuya, Nguyên tiêu, Vọng Lư Sơn bộc bố, Tĩnh dạ tứ, Hồi hương ngẫu thư,...
2. Giọng điệu chung của bài thơ là giọng vui. Mặc dù cuộc sống rất khó khăn; sống trong hang đá thật lạnh, ăn uống thì thiếu thốn: cháo nấu bằng ngô, rau thì thay bằng măng rừng; điều kiện làm việc thiếu thốn: bàn đá, nhưng không phải phiến đá bằng phẳng êm ái, mà là bàn đá chông chênh; nhưng tâm trạng của Bác là một tâm trạng vui, vì thế Người mới thấy cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ đó là sang, thật là sang. Bác thấy sang vì với Người, niềm vui lớn nhất là được làm cách mạng, được trực tiếp lãnh đạo cách mạng ở nước nhà. Với Người, cuộc sống như vậy là cuộc sống hoà nhập với thiên nhiên, với suối, với núi non. Bởi vậy sang cũng là một nét hài hước, nói cho vui, song nó có cơ sở vững chắc từ thực tế, chứ không phải là "lên gân".
3. Bác Hồ thấy vui thích, thoải mái giữa thiên nhiên. Có vẻ như giống với thú vui "lâm tuyền" (rừng suối) của người xưa. Nhưng người xưa bất lực, chán ngán cuộc sống thực tại nên tìm đến thiên nhiên. Còn Bác ở giữa thiên nhiên do điều kiện cách mạng bắt buộc. Khi ở ẩn, các ẩn sĩ chuẩn bị khá kĩ càng. Còn Bác thì chẳng có cái am, cũng chẳng có ngôi nhà nào. Thực phẩm, đồ dùng thiếu thốn. Cũng chẳng có người giúp việc. Và Bác làm cách mạng. Bác dịch sử Đảng để làm tài liệu huấn luyện cách mạng. Cho nên, cuộc sống của Bác giống các nhà hiền triết, nhưng lại rất cách mạng. Bác vui với rừng suối. Bác còn vui hơn khi làm cách mạng, chuẩn bị cho cả dân tộc thoát khỏi ách nô lệ, giành độc lập vào tháng 8 năm 1945.
III – THAM KHẢO
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Như phần lớn các bài thơ của Bác, bài thơ này mở đầu bằng cách nói đến cảnh vật. Tâm hồn Á Đông, Việt Nam của tác giả hoà hợp với thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên cảnh vật ở đây khác với ở Non xa xa, nước xa xa... hay ở Tiếng suối trong như tiếng hát xa.
Thiên nhiên ở Sáng ra bờ suối... không phải là đối tượng thưởng thức. Sáng ra bờ suối tươi mát lắm. Nhưng chữ suối thế thôi, suối là một địa điểm thế thôi chứ không suối mát, suối trong, suối hát, suối ca... gì cả. Bác vốn là người hay thưởng thức thiên nhiên kia mà! Bị trói vẫn thưởng thức: Mặc dù bị trói chân tay - Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng. Rét buốt gối quắp lưng còng vẫn thưởng thức: Nhòm song, Bắc Đẩu đã nằm ngang.
Nhưng không. Ở đây suối, hang chỉ là nơi làm việc và ẩn náu, sáng tối chỉ là thời khắc, thời khắc biểu (chứ không phải là bình minh, tịch dương tuyệt đẹp cho mắt nhìn), và vào ra cũng chỉ là hoạt động của một nhà cách mạng thời bí mật (chứ không phải lên, xuống, lại, qua của người du ngoạn, của thi nhân).
Cuộc sống thời bí mật đó hình như đã được khá ổn định trên một khoảng thời gian khá lâu, đủ để thành nếp, đều đặn, nhịp nhàng, cân đối... sáng ra, tối vào, vào hang, ra suối. Câu thơ vừa nói lên việc tổ chức cuộc sống khéo léo, vừa nói lên tâm hồn của con người đã sống nhịp nhàng cùng khung cảnh ấy, tự tại ung dung. [...]
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Câu trên nhìn toàn bộ, khái quát toàn bộ "mở cửa thấy núi" (khai môn kiến sơn) nên câu này cần nhiều chi tiết cụ thể. Nhưng cụ thể đến mấy thì cụ thể, trong câu thơ bảy chữ, Bác chỉ dùng có bốn chữ đầu để nói vẻn vẹn hai chi tiết cháo bẹ, rau măng, còn... ba chữ sau thì Người đã vội nói ý rồi, ý: vẫn sẵn sàng. Mà cuộc sống cụ thể của Bác hồi ấy có biết bao chi tiết gian khổ! Nhưng Bác đã bỏ qua. Nói hay là không nói? - Ừ thôi thì nói. Nói một cách nhẹ nhàng! Gian khổ nhẹ tênh, gian khổ nhẹ nhàng, nhịp nhàng cả với cảnh sinh hoạt nhịp nhàng lúc đó: sớm tối, vào ra, suối hang, bẹ măng, rau cháo.
Những chi tiết gian khổ nhất, Bác đã bỏ qua. Còn chúng ta, với tấm lòng nhớ ơn Bác, chúng ta không thể bỏ qua, không thể bỏ quên. [...]
Ba chữ vẫn sẵn sàng, có người giải thích là rau cháo vẫn đầy đủ sẵn sàng. Có lời lại giải thích khác đi, là tinh thần vẫn sẵn sàng, dù rau măng, cháo bẹ. Chưa biết ý nào đúng hơn. Câu thơ xê xích giữa hai nghĩa đó, trong cái cánh quạt, quãng cách mở ra giữa hai nghĩa đó. Nhưng bất cứ nghĩa nào, ở quãng nào giữa hai nghĩa đó, câu thơ vẫn nói lên tinh thần lạc quan của tác giả. Không có ba chữ này, làm sao chuyển được từ cảnh trên xuống ý câu ba:
Bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng,
Người đời Đường, đời Thanh (Trung Quốc) cho rằng tứ tuyệt khó nhất là ở câu ba. Đại đa số các bài thơ tứ tuyệt chuyển ở câu ấy, có khi kết ở câu ấy, biến hoá, đổi dời từ câu ấy.
Từ không khí thiên nhiên, suối hang, sớm tối, chuyển qua không khí hoạt động xã hội: Đảng, sử, dịch sử Đảng... Từ những từ cái mềm mại, suối, măng, rau cháo chuyển qua bàn đá, chất đá rắn chắc. Từ những âm bằng êm đềm, chuyển qua những dấu trắc, nặng (dịch), sắc (đá), hỏi (sử) đanh thép rắn rỏi.
Chuyển nhưng rất là hồn nhiên, nhẹ nhàng, chả có gì là gãy đứt với bên trên. Trong khung cảnh hang suối ấy, người xưa san thi, định kinh "Kinh Dịch chấm son mài"... Và ngày nay giờ Bác ngồi dịch sử Đảng. Nhưng khác nhau một vực một trời.
Tôi đã về Pác Bó. Không có tấm đá nào như bàn cả. Chỉ có tấm lòng vững như bàn thạch của người cách mạng đã nhìn đá ra bàn. Tình thế trong nước, trên thế giới lúc ấy khá chông chênh. Nhưng chông chênh gì thì chông chênh, dựa trên tình hình cách mạng, tấm lòng cách mạng lúc ấy, Bác vẫn tiến hành sáng tạo ra lịch sử. Dịch chỉ là một chữ khiêm tốn của Bác đấy thôi. Bác đâu chỉ có dịch. Bác đang viết sử Việt Nam, cả sử thế giới bằng thơ lục bát dân tộc. Và Bác đang tổ chức, lãnh đạo phong trào, sáng tạo nên lịch sử Việt Nam. Chữ dịch ngoài ra còn nói lên sự gắn bó với phong trào cách mạng quốc tế của Bác:
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Một nhà thơ khác có thể kết thúc bằng một câu thơ tả tình tả cảnh, chìm trong cảm tình, nhập vào cảnh vật. Bác không thích làm văn nghệ, Ngâm thơ ta vốn không ham, Bác làm thơ là để nói lên ý của mình, nói trắng ra ý của mình.
Những câu thơ không khô khan như một ý thẳng dựng. Câu thơ vẫn tươi mát nhẹ nhàng, vì trong ấy có một cái mỉm cười, một tí mỉm cười. Bác lạc quan, hay cười nhưng đôi lúc không khỏi cười chua chát. Như thời ở nhà ngục Quảng Tây bị ghẻ, Bác bảo là mặc áo gấm, gãi ghẻ Bác bảo tựa gẩy đàn.
Lần này thì không phải thế. Lần này là cái cười hơi triết lí một chút, của một người đã từng chứng kiến tất cả những cái sang trọng giàu có nhất trên đời, lẫn những cái cùng cực đau khổ nhất trên đời. Và bây giờ với tấm lòng từng trải nên bao dung đó, đánh giá sự vật. Ông chủ báo Người cùng khổ cũng là người đã từng sống trong khách sạn vương giả nhất châu Âu. Cuộc đời cách mạng thật là sang như thế là so với tất cả cuộc đời khác mà Bác đã từng chứng kiến, hay từng sống.
(Theo Chế Lan Viên, Học tập nghiên cứu thơ văn Hồ Chí Minh, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979)