I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Đặc điểm hình thức của câu cầu khiến

- Đặc điểm hình thức dễ nhận biết của câu cầu khiến là: sử dụng các từ cầu khiên, gồm các loại:

+ Các phụ từ mệnh lệnh - cầu khiến, đặt trước vị ngữ của câu: hãy, đừng, chớ, nên, phải, không được,...

+ Các tình thái từ cầu khiến, thường đặt ở cuối câu: đi, thôi, lên, nào, với, nhé,...

+ Các động từ có ý nghĩa câu khiến, đặt trước chủ ngữ: đề nghị, yêu cầu, xin, mong...

- Ở dạng viết cuối câu cầu khiến thường có dấu chấm than hoặc dấu chấm. Ở dạng nói, câu cầu khiến có ngữ điệu cầu khiến (nhấn giọng ở từ cầu khiến, ở những chỗ nhằm biểu thị các mức độ đòi hỏi khác nhau). Thậm chí chỉ cần một từ hay một cụm từ với ngữ điệu cầu khiến thích hợp là đã có thể tạo ra một câu cầu khiến. Ví dụ:

+ Trật tự!

+ Mở cửa!

2. Chức năng của câu cầu khiến

Câu cầu khiến dùng để ra lệnh, yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo,... Nội dung và mục đích cầu khiến cũng có những mức độ khác nhau. Cụ thể:

- Thể hiện một mệnh lệnh, một điều ngăn cấm (mức độ cầu khiến cao). Ví dụ:

+ Hãy tiến lên!

+ Không được mất trật tự!

– Bày tỏ lời yêu cầu, lời mời, lời khuyên răn, dỗ dành,... (mức độ cầu khiến bình thường). Ví dụ:

+ Đi vào trong nhà kéo nắng, cháu!

+ Xin mời vào!

+ Con nhớ giữ quần áo, sách vở cho sạch sẽ.

– Thể hiện lời chúc, điều mong mỏi,... (mức độ cầu khiến thấp). Ví dụ:

+ Chúc anh lên đường may mắn!

+ Mong anh thông cảm cho!

II – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Đọc kĩ từng câu cầu khiến cho sẵn trong đề bài, chú ý các từ cầu khiến như: hãy (câu a), đi (câu b), đừng (câu c). Sau đó, xác định chủ ngữ trong từng câu cầu khiến (câu (a) vắng chủ ngữ, câu (b) và câu (c) dễ dàng xác định chủ ngữ). Chủ ngữ trong các câu này đều chỉ người đối thoại. Cuối cùng, thử thêm, bớt, thay chủ ngữ xem nội dung của câu có thay đổi không. Ví dụ:

- Thêm chủ ngữ (câu a): Con hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương.

(Nội dung câu không thay đổi, người nghe được nói tới cụ thể hơn.)

- Bớt chủ ngữ (câu b): Hút trước đi.

(Nội dung cầu khiến mạnh hơn, cách nói khiếm nhã hơn.)

- Thay chủ ngữ (câu c): Nay các anh đừng làm gì nữa...

(Nội dung câu có thay đổi, trong chủ ngữ không có người nói.)

2. Đọc kĩ từng đoạn trích, chú ý các câu có từ cầu khiến: đi (trong đoạn trích a), đừng (đoạn trích b) và các câu có dấu chấm than ở cuối (đoạn trích c). Những câu đó là câu cầu khiến. Ngoài ra, cần lưu ý: câu trong đoạn trích (a) và hai câu trong đoạn trích (c) đều vắng chủ ngữ. Riêng câu trong đoạn trích (b) có chủ ngữ. Sự có mặt / vắng mặt chủ ngữ cũng liên quan tới hình thức biểu hiện ý nghĩa cầu khiến của các câu này.

3. So sánh hai câu cầu khiến này, ta nhận thấy: Về hình thức, câu (a) vắng chủ ngữ, câu (b) có chủ ngữ (Thầy em). Về ý nghĩa, trong câu (b), mức độ cầu khiến nhẹ hơn, người nói bộc lộ tình cảm, cảm xúc rõ hơn.

4. Đọc kĩ đoạn trích, chú ý câu nói của Dế Choắt. Câu nói này có mục đích cầu khiến, nhưng ý cầu khiến rất nhẹ. Sở dĩ Dế Choắt nói một cách khiêm nhường như vậy vì Dế Choắt tự coi mình là vai dưới, có vị thế thấp so với Dế Mèn. Bên cạnh đó, Dế Choắt lại là người yếu đuối, nhút nhát, nên đã chọn cách nói như vậy.

5. So sánh hai câu, hai cách nói: "Đi đi con!" và "Đi thôi con.", ta thấy ở câu thứ nhất, chỉ có người con đi. Còn ở câu thứ hai, cả người con và người mẹ cùng đi. Hai câu này không thể thay thế cho nhau được, vì có nội dung khác nhau.