I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Từ việc đi đường không ngại gian khó, vượt qua muôn núi khi lên đến đỉnh cao nhất sẽ được thoả sức thưởng ngoạn cảnh nước non, Bác nhắn nhủ bài học về cuộc sống, về ý chí cách mạng.

2. Bài thơ được viết theo thể tứ tuyệt, lời thơ giản dị, ý tứ hàm súc, kết cấu chặt chẽ.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Đối chiếu giữa nguyên tác, bản dịch nghĩa và bản dịch thơ:

- Nguyên tác viết theo thể tứ tuyệt, bản dịch thơ theo thể lục bát: mặc dù bản dịch thơ đạt được sự tự nhiên, không gò ép khi truyền tải ý tứ nhưng đặc điểm nhạc tính của thể thơ lục bát làm giảm đi cái giọng điệu cứng cỏi, chắc khoẻ của nguyên tác.

- Hệ thống điệp ngữ ở nguyên tác có tác dụng rõ rệt trong việc tạo nhịp điệu, âm hưởng cho mạch thơ. Các chữ tẩu lộ – tẩu lộ, trùng san – trùng san – trùng san gợi ra cái trùng điệp gian nan của dặm đường dài. Bài thơ dịch làm mất đi điệp ngữ ở câu thơ mở đầu

- Chữ trùng san trong nguyên tác có nghĩa là lớp núi, bản dịch thơ dịch là núi cao là chưa sát.

2. Bài thơ này thể hiện rất rõ kết cấu của thể thơ tứ tuyệt Đường luật, bám theo trình tự kết cấu này chúng ta sẽ nắm được mạch triển khai tứ thơ:

- Câu đầu - câu khai (khởi), mở ra ý thơ: nói đến sự gian lao như là điều hiển nhiên của người đi đường, ý thơ thấm thía từ sự trải nghiệm của người đang trên hành trình gian nan (Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan).

- Câu tiếp - câu thừa có vai trò mở rộng, triển khai, cụ thể hoá ý đã được mở ra ở câu khai: khó khăn, gian nan của người đi đường được cụ thể hoá bằng hình ảnh lớp lớp núi non hiểm trở trên hành trình mà người đi phải vượt qua (Trùng san chi ngoại hựu trùng san).

- Câu 3 – câu chuyển, chuyển ý, câu này rất quan trọng trong việc bộc lộ tứ thơ. Hàm ý của bài tứ tuyệt bộc lộ bất ngờ ở câu này: Khi đã vượt các lớp núi lên đến đỉnh cao chót vót (Trùng san đăng đáo cao phong hậu).

-Câu 4 - câu hợp, quan hệ chặt chẽ với câu chuyển thành một cặp câu thể hiện rõ ý chuyển và thâu tóm lại ý tứ của toàn bài: Thì muôn dặm nước non thu cả vào trong tầm mắt (Vạn lí dư đồ cố miện gian).

3. Hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng điệp ngữ: xem câu 1.

4. Phân tích câu 2 và câu 4:

- Nỗi gian nan của người đi đường được thể hiện bằng hình ảnh chặng đường phải vượt hết lớp núi này đến lớp núi khác ở câu thơ thứ 2. Chữ trùng san được điệp lại 2 lần nhấn mạnh sự gian khổ, cực nhọc của người đi đường. Cái nan (khó) nói đến trong câu đầu thể hiện ra ở đây.

- Hình ảnh người đi đường sau vô vàn gian khó đã đến được đỉnh cao, cái đích của hành trình chợt tràn ngập trong khoái cảm của cuộc chinh phục thành công. Trên lồng lộng đỉnh cao, người đi đường thả sức thưởng ngoạn cảnh trời đất bao la từ một điểm quan sát mà chỉ có thể có được sau chặng dài những gian khó, như một phần thưởng đích đáng. Câu thơ thứ 4 này cũng ngầm nói đến con đường thử thách cách mạng một khi đã vượt qua bằng kiên gan bền chí thì thành quả đạt được sẽ lớn lao vô cùng.

5. Bài thơ này không chỉ đơn thuần là bài thơ tả cảnh, kể chuyện. Mượn chuyện đi đường vượt qua gian khó, nhọc nhằn để lên đến đỉnh núi cao tha hồ được thưởng ngoạn phong cảnh, Bác Hồ muốn nhắn nhủ bài học về đường đời, về con đường cách mạng gian lao nhưng ắt sẽ đến đích vinh quang.

III – THAM KHẢO

Bài thơ tất nhiên là dịch chưa thật hay so với nguyên văn. Nhưng ngay trên bản dịch này ta cũng thấy được những bước khó khăn của người đi đường: hết núi cao này lại đến núi cao khác, rồi lại núi cao nữa. Nhưng khi đến đỉnh cao nhất thì sẽ thu được muôn trùng núi sông vào trong tầm mắt của mình.

Đem so sánh bài thơ đó với bài Lên lầu Quan Tước của Vương Chi Hoán (Trung Quốc):

Mặt trời tắt sau núi

Sông Hoàng vào biển sâu

Muốn nhìn xa nghìn dặm

Lên nữa một tầng lầu.

mà các nhà thơ nhiều thời đại khen ngợi là tuyệt vời thì ta thấy tư tưởng khác nhau một trời một vực. Một bên là leo mãi cho lên đến muôn trùng núi thì sẽ thu vào tầm mắt tất cả núi sông. Một bên là muốn thấy xa nghìn dặm thì bước lên một tầng lầu nữa. Người phải đi khắp núi non mới đạt được mục đích, người chỉ cần bước lên một tầng lầu. Một người là phấn đấu, một người là hưởng thụ.

Bài thơ Đi đường chính là bằng nghệ thuật thơ tuyệt diệu đã biểu hiện tư tưởng của Bác: "Cách mạng phải lâu dài gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi. Mục tiêu là thu lại non sông vào trong tầm mắt nhưng phải qua hết chặng đường gian khổ này đến chặng đường gian khổ khác".

(Hoàng Trung Thông, Bác Hồ làm thơ và thơ của Bác, báo Văn nghệ, số 35 – 1976)