I-ÔN TẬP LÍ THUYẾT
1. Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống nhằm cung cấp tri thức cho con người bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích.
Văn bản thuyết minh khác các loại văn bản khác chủ yếu ở tính chất thuyết minh, giới thiệu. Thuyết minh không sa vào kể chuyện (như tự sự), không miêu tả chi tiết, tỉ mỉ (như miêu tả), không biểu cảm mạnh mẽ (như biểu cảm), không lập luận, thuyết lí (như nghị luận). Thuyết minh trình bày, giải thích, giới thiệu khách quan, xác thực, rõ ràng.
2. Sự khác biệt thể hiện ngay trong tên gọi của các kiểu văn bản và các phương thức biểu đạt: tự sự chủ yếu là kể; miêu tả chủ yếu là tả; biểu cảm chủ yếu là bộc lộ cảm xúc, thái độ, tình cảm; nghị luận chủ yếu là lập luận, bày tỏ quan điểm; thuyết minh chủ yếu trình bày, giải thích, giới thiệu, không bộc lộ nhiều tình cảm, tránh chủ quan, tránh đa nghĩa, có thể gây hiểu lầm.
3. Muốn làm tốt bài văn thuyết minh, cần phải chuẩn bị tư liệu bằng cách quan sát trực tiếp, thu thập tài liệu liên quan qua sách vở, các phương tiện thông tin, xây dựng bố cục bài thuyết minh theo trình tự hợp lí. Phải làm nổi bật điều mình muốn thuyết minh: đặc điểm, tính chất, cách sử dụng,... Điều đó phụ thuộc vào mục đích thuyết minh và đối tượng được thuyết minh.
4. Những phương pháp thuyết minh thường gặp là: nêu định nghĩa, giải thích; liệt kê nêu ví dụ; so sánh; dùng số liệu, phân tích, phân loại,...
II – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Hãy nêu cách tìm ý, sau đó lập dàn ý cho mỗi đề bài.
a) Chẳng hạn giới thiệu một đồ dùng như chiếc bút bi chẳng hạn. Em hãy xem lại đoạn văn mà một học sinh đã làm (SGK, tr. 14). Sau đó đặt câu hỏi: Bút bị là loại bút như thế nào? Bút bi gồm các bộ phận nào? Mỗi bộ phận được cấu tạo, sắp xếp ra sao? Muốn viết bút bi thì làm gì? Tại sao có thể viết được? Viết xong thì phải làm gì? Làm thế nào để bảo quản và sử dụng tốt bút bi? Trả lời được các câu hỏi đó, em đã có các ý cho bài thuyết minh bút bi. Mặt khác, để thuyết minh rõ hơn, em có thể dùng một chiếc bút bi đã hết mực, tháo ra xem xét. Cũng có thể đọc thêm giới thiệu sản phẩm của hãng sản xuất để nắm vững đối tượng. Từ đó lập một dàn bài cho mình.
b) Giới thiệu danh lam thắng cảnh có thể dùng lại dàn ý bài Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, hoặc theo mẫu đó, lập dàn ý về thắng cảnh ở quê em.
2. Sau khi lập dàn ý, em hãy tập viết các đoạn văn về các đối tượng khác nhau, càng viết nhiều đoạn càng tốt. Em có thể viết theo hai cách khác nhau rồi trao đổi với bạn.