I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Tháng 8 – 1942, Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) bí mật lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ quốc tế cho cách mạng Việt Nam, nhưng khi đến gần thị trấn Túc Vinh thì Người bị chính quyền địa phương ở đây bắt giữ, giải đi khắp gần 30 nhà giam của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, bị đày đoạ hơn một năm trời. Thời gian này, Người đã viết Nhật kí trong tù bằng thơ chữ Hán, gồm 133 bài, phần lớn là thơ tứ tuyệt. Tập thơ thể hiện một tâm hồn cao đẹp, ý chí cách mạng kiên cường và nghệ thuật thi ca đặc sắc.

2. Bài thơ thể hiện tình yêu của Bác đối với thiên nhiên đồng thời bộc lộ tinh thần lạc quan, ung dung tự tại của Người trước mọi hoàn cảnh.

Bài thơ làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt, lời thơ giản dị, ý thơ hàm súc.

II- HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Đối chiếu giữa nguyên tác, bản dịch nghĩa và bản dịch thơ:

- Ở câu thứ 2, bản dịch thơ không thật sát so với nguyên tác: nại nhược hà? nghĩa là "biết làm thế nào?", nghĩa của cả câu: "Trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào?". Cụm từ mang ý nghĩa tự vấn nại nhược hà? cho thấy cái bối rối, xốn xang của nhân vật trữ tình, dịch cụm từ này là khó hững hờ thì tước đi mất của nguyên tác cái nét nghĩa tinh tế ấy và dễ gây cho người đọc hiểu rằng nhân vật trữ tình có vẻ quá "tỉnh táo", thậm chí "hững hờ" trước cảnh đẹp.

- Ở hai câu cuối, so bản dịch thơ với nguyên tác cũng có một số điểm đáng lưu ý:

+ Trong nguyên tác, hai câu thơ này là một cặp đăng đối, đối trong từng câu và đối giữa 2 câu: chữ song (cửa sổ) ở giữa hai câu mang giá trị tạo hình cao; chữ nhân ở đầu câu 3 đối với chữ nguyệt ở cuối câu 3, chữ nguyệt ở đầu câu 4 đối với chữ thi gia ở cuối câu 4; 2 chữ đầu và cuối 2 câu đối nhau (nhân / nguyệt, minh nguyệt / thi gia). Hai câu 3 – 4 trong bản dịch thơ không đảm bảo được thế đăng đối này.

+ Trong nguyên tác, ở câu thơ thứ 4 chỉ có 1 chữ khán nghĩa là ngắm, câu thơ dịch lại có 2 chữ nhòm, ngắm đã làm giảm đi tính hàm súc của câu thơ nguyên tác. Hơn nữa, chữ nhòm, theo cách hiểu thông thường, làm cho câu thơ giảm đi sự nhã nhặn.

2. Như hoàn cảnh sáng tác của bài thơ, Bác Hồ (nhân vật trữ tình) ngắm trăng trong một hoàn cảnh đặc biệt. Rượu và hoa thường là những thứ không thể thiếu trong thú ngắm trăng (thưởng nguyệt) của người xưa. Thú chơi tao nhã này không quá cầu kì nhưng cũng không thể xô bồ, nó thường diễn ra ở một không gian thoáng đãng, khi tâm hồn người ta thanh tĩnh, thư thái, an nhàn. Vậy mà Bác lại ngắm trăng trong hoàn cảnh tù đày, ngay giữa nơi tối tăm, thiếu thốn, cực khổ trăm bề.

Nói Trong tù không rượu cũng không hoa "không phải nhằm nói về hoàn cảnh trong tù gian khổ, thiếu rượu và hoa mà là nói về cái cảm giác thiếu thốn rượu và hoa của người tù" (Trần Đình Sử). Người nhớ đến rượu và hoa trong mong muốn được thưởng thức trọn vẹn cái đẹp.

Không chỉ là nhà cách mạng, người chiến sĩ, Bác còn là một nghệ sĩ đích thực, với những rung động của một tâm hồn thi nhân nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên (xem câu 1).

3. Hiệu quả nghệ thuật của cấu trúc đăng đối ở hai câu thơ cuối: xem câu 1. Lưu ý chữ song (cửa sổ) ở giữa 2 cặp nhân / nguyệt - minh nguyệt / thi gia: Vượt qua song sắt cửa sổ nhà tù, khi thì thi nhân hướng ra ngoài ngắm trăng (câu 3), khi thì trăng (từ bên ngoài) ngắm nhà thơ. Sự giao hoà, tri kỉ giữa người - trăng, trăng - người được ngụ ý trong sự đăng đối hài hoà của hai câu thơ kết bài.

4. Hình ảnh Bác Hồ qua bài thơ:

– Một thi nhân với tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm.

– Trong bóng tối của lao tù, hình ảnh Bác Hồ sáng lên vẻ đẹp thư thái, lạc quan: Người tù - người chiến sĩ với tinh thần thép, bất chấp mọi hoàn cảnh, luôn đạt đến trạng thái tự do tự tại.

5. Nhà phê bình Hoài Thanh đã rất chính xác và tinh tế khi nhận xét: "Thơ Bác đầy trăng". Có thể kể đến những bài thơ viết về trăng của Bác như: Ngắm trăng, Trung thu, Đêm thu,... (trong Nhật kí trong tù); Rằm tháng giêng, Cảnh khuya, Tin thắng trận,... Trăng trong thơ Bác mang nhiều sắc vẻ khác nhau. Nhưng dù là trăng được cảm nhận từ chốn lao tù hay giữa cảnh trời nước bao la, dù là khi thư nhàn hay đang bận bịu trăm công nghìn việc, với tâm hồn luôn hướng tới cái đẹp, tới ánh sáng của Bác, bao giờ trăng cũng hiện lên như một tri âm tri kỉ của Người.

III – THAM KHẢO

Tâm hồn yêu thiên nhiên của Bác Hồ thể hiện trong nhiều bài thơ trăng. Một điều khác với các thi nhân thời xưa: Bác Hồ ít có dịp được ngắm trăng khi trà dư tửu hậu. Bác thưởng nguyệt vào lúc bàn xong việc quân, vào những đêm khuya không ngủ (như trong các bài Nguyên tiêu, Cảnh khuya...). Chỉ có một lần thơ Bác ngắm trăng trong tập Nhật kí trong tù là một bài thơ trăng đặc sắc:

Trong tù không rượu cũng không hoa,

Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ;

Trăng, hoa, rượu là ba thú vui tinh thần của các bậc tao nhân mặc khách. Trong tù, cố nhiên hoa, rượu không vào được. Câu thơ làm nhiệm vụ xác định hoàn cảnh nhưng cái thi vị của nó là ở chỗ giấu một nụ cười của người trong cuộc, con người có dư cái thơ mộng (như ta thấy ở câu thứ hai), nhưng rất thực tiễn: thả hồn lên với trăng nhưng vẫn không quên rằng chân mình còn buộc trong xích nhà tù. Sự ý thức ấy tạo cho việc ngắm trăng một ý nghĩa sâu hơn thường tình, nó trở thành một cuộc vượt ngục, nhà tù không còn giam được con người, ít nhất là trong lĩnh vực tâm hồn tư tưởng. (Ở một bài thơ khác Bác cũng nói cái ý đó: chân tay bị trói nhưng tai vẫn nghe chim hót, mũi vẫn thấy mùi hoa. Như vậy là Bác vẫn đủ điều kiện cần thiết để thành một du khách...)

Ba yếu tố rượu, hoa, trăng thiếu mất hai rồi. Nhưng với một tâm hồn lớn, Bác vẫn đủ để cảm xúc với một phần ba còn lại, cảm xúc đến bối rối. Trăng đẹp quá làm thế nào bây giờ? Câu thứ nhất nói hoàn cảnh người tù, câu thứ hai đã là tâm trạng một thi nhân hiền triết. (Chúng ta sống tự do trong đời vậy mà nhiều khi vì quá bận bịu với chuyện sinh nhai sự vụ mà quên mất ở trên đầu mình trăng cũng đã tròn rồi đấy).

Hai câu cuối của bài thơ nói về một tư thế ngắm trăng:

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Cái tư thế vọng nguyệt này chưa thấy trong thơ ca quá khứ, là nơi trăng vốn được dùng như một thi liệu phổ biến. Đọc lại nguyên văn chữ Hán để thấy vị trí của ba "nhân vật": người, trăng và cái song sắt nhà tù:

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt

Nguyệt tòng song khích khán thi gia.

Nhân, nguyệt rồi lại nguyệt, thi gia ở hai đầu câu thơ và cái song sắt chắn giữa. Trăng và người tri kỉ tri âm với nhau qua cái song sắt tàn bạo ấy. Người xưa ngắm trăng thấy cõi trăng đẹp, trong sạch càng ngậm ngùi cho cõi người cát bụi. Tản Đà đã có lần muốn xin chị Hằng cho dọn nhà lên trăng vì Trần thế em nay chán nửa rồi.

Với Bác, người ngắm trăng nhưng chính trăng cũng mê mải ngắm người. Trăng chiêm ngưỡng con người, dù rằng con người ấy đang ở trong tù, vì cõi đời này dù sao đi nữa vẫn đẹp lắm chứ. Hai câu thơ sóng đôi với nhau nói rằng trăng yêu người cũng ngang với người yêu trăng. Sau này Tố Hữu, trong một bài nói trăng ở Hồ Tây, cũng trở lại ý này:

Ngẩn ngơ trăng ngó mặt người như trăng.

Ý thơ này người xưa viết về trăng nhiều mà không tìm ra, có lẽ vì nó là sản phẩm của nhân sinh quan cộng sản.

(Vũ Quần Phương, báo Văn nghệ, ngày 17 – 5 – 1980)