I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Mô-li-e (1622 – 1673) sinh ở Pa-ri. Từ chối ý định của người cha muốn ông kế tục chức vị hầu cận nhà vua, Mô-li-e cùng nhóm nghệ sĩ M. Bê-gia thành lập một đoàn kịch ra mắt công chúng năm 1644. Do lúc bấy giờ, hài kịch chưa được coi trọng như bi kịch nên đoàn kịch của Mô-li-e đã không thành công ở Pa-ri, phải đóng cửa một thời gian, sau đó đi lưu diễn ở các tỉnh. Dần dần, đoàn kịch gây được tiếng vang, trở về Pa-ri biểu diễn và được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt.

Những tác phẩm nổi tiếng của Mô-li-e: Tác-tuýp (1664), Đông Gioăng (1665), Lão hà tiện (1668), Trưởng giả học làm sang(1670),...

2. Vở hài kịch Trưởng giả học làm sang gồm 5 hồi, mỗi hồi được chia thành nhiều lớp, trong mỗi lớp có nhiều cảnh. Trích đoạn Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục là toàn bộ lớp 5 của vở kịch này.

Tóm tắt vở Trưởng giả học làm sang:

Ông Giuốc-đanh, tuổi ngoài bốn mươi, là một người giàu có nhờ được kế thừa một tài sản lớn. Ông muốn trở thành quý tộc, bước chân vào xã hội thượng lưu. Tuy dốt nát nhưng ông muốn học đòi những người cao sang nên thuê thầy về dạy đủ các môn như âm nhạc, kiếm thuật, triết lí và tìm cách thay đổi cả lối ăn mặc. Vì ngốc nghếch, ông để cho mọi người lừa bịp dễ dàng (ví dụ như cảnh bác phó may lừa bịp ông trong đoạn trích này). Ông Giuốc-đanh từ chối gả con gái cho Clê-ông vì thấy chàng không phải là quý tộc. Sau nhờ mưu mẹo của anh đầy tớ, Clê-ông cải trang thành hoàng tử Thổ Nhĩ Kì đến hỏi vợ và được ông chấp thuận ngay...

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Lớp kịch này được chia làm hai cảnh, dấu hiệu nhận biết trên văn bản là đoạn chỉ dẫn sân khấu "Bốn tay thợ phụ bước vào...". Cả hai cảnh này đều diễn ra trong không gian phòng khách nhà ông Giuốc-đanh – nhân vật chính. Không khí kịch càng về sau càng sôi động, cho đến cuối cảnh sau thì không khí hài kịch thực sự náo nhiệt. Trên văn bản, ta thấy ở cảnh trước gồm những lời thoại của hai nhân vật: ông Giuốc-đanh và bác phó may; cảnh sau là những lời đối thoại của ông Giuốc-đanh và tay thợ phụ. Cảnh trước, trên sân khấu xuất hiện bốn nhân vật (ông Giuốc-đanh và một gia nhân, bác phó may và tay thợ phụ mang bộ lễ phục). Cảnh sau, xuất hiện thêm bốn tay thợ phụ nữa. Cảnh trước, ông Giuốc đanh và bác phó may đối thoại với nhau. Cảnh sau, ông Giuốc-đanh nói với một tay thợ phụ "mang lễ phục, xuất hiện từ cảnh trước" nhưng xung quanh ông là cả bốn tay thợ phụ đến sau đang xúm vào để giúp ông thử lễ phục mới nên như là nói với cả bọn. Thêm nữa, cảnh trước, cử chỉ, động tác của các nhân vật ít hơn (chỉ là những cử chỉ, động tác kèm theo đối thoại của hai nhân vật), đến đoạn sau các thợ phụ nhộn nhịp cởi quần áo cũ, mặc lễ phục mới cho ông Giuốc-đanh... Thêm nữa, khi ông Giuốc-đanh mặc lễ phục còn có cả nhảy múa và âm nhạc!

2. Ở cảnh đầu của lớp kịch, tính cách của Giuốc-đanh thể hiện trong cuộc đối thoại với bác phó may. Nào là chuyện đôi bít tất, chuyện bộ tóc giả, lông đính mũ song chủ yếu là chuyện xoay quanh bộ lễ phục mới, với những bông hoa ngược! Làm sao mà biết được là do bác phó may dốt, do sơ suất hay cố ý may thành những bông hoa ngược? Chỉ biết rằng chính ông Giuốc-đanh phát hiện ra sự cố này. Khổ nỗi, cái bác phó may với tay nghề khó hiểu này lại bảo rằng người quý tộc người ta vẫn mặc vậy. Mà ông Giuốc-đanh thì đang học đòi làm sang. Thế là ông hoàn toàn bị khuất phục bởi sự láu cá của bác phó may. Kịch tính được đẩy lên khi bác phó may liên tiếp "ra đòn": "Nếu ngài muốn thì tôi sẽ xin may hoa xuôi lại thôi mà", "xin ngài cứ việc bảo". Sợ cơ hội làm sang sẽ tuột mất, ông Giuốc-đanh cứ chối đây đẩy: "Không, không", "tôi đã bảo không mà". Rồi lại chính ông Giuốc-đanh phát hiện ra bác phó may ăn bớt vải của mình. Song bác phó may đã nắm chắc điểm yếu của đối phương, chỉ cần bác lảng sang chuyện thử bộ lễ phục mới là ông Giuốc-đanh chẳng còn để ý đến chuyện ăn bớt vải nữa. Chẳng thế mà bác phó may lại quá tự tin khi mặc đúng cái áo may bằng vải ăn bớt của ông Giuốc-đanh đến nhà ông Giuốc-đanh.

3. Sang cảnh sau của lớp kịch, tính cách trưởng giả học đòi làm sang của ông Giuốc-đanh tiếp tục được bộc lộ. Lần này đến lượt tay thợ phụ lợi dụng ông ta. Nếu anh này cứ gọi ông Giuốc-Đanh như thông thường (ông hoặc ngài) thì đã không có chuyện gì xảy ra (và chắc cũng không được tiền uống rượu). Đằng này lại tôn xưng là "ông lớn", lại đúng vào lúc ông đang mặc lễ phục và say sưa với cảm giác trở thành quý phái. Thế là y được thưởng vì tiếng "ông lớn" sang trọng ấy. Tay thợ phụ ranh ma này nắm thóp được ông Giuốc-đanh thì liên tiếp tung ra những câu nịnh hót để moi tiền. Và y đã rất thành công. Những tiếng "cụ lớn", rồi "đức ông" đều đem lại cho y tiền thưởng. Không phải ông Giuốc-đanh không nghĩ gì đến túi tiền của mình ("Nó như thế là phải chăng, nếu không ta không mất tong cả tiền cho nó thôi") mà là tại vì cái mộng quý phái còn lớn hơn cả sự tiếc tiền! Như vậy cũng đủ thấy tính cách học đòi làm sang của ông Giuốc-đanh mạnh đến mức nào.

4. Sự chênh lệch, mất cân xứng giữa nội dung và hình thức, giữa cái bên trong và bên ngoài là nguyên tắc cơ bản để nhà văn tạo ra cái hài. Ở lớp kịch này cũng vậy, Mô-li-e đã xây dựng một nhân vật hài kịch bất hủ khi tạo ra sự khập khiễng, bất hoà giữa cái ngu dốt, ngớ ngẩn và cái sang trọng học đòi ở nhân vật ông Giuốc-đanh, với hàng loạt các tình tiết gây cười: bộ lễ phục với những bông hoa ngược, tiền thưởng cho những tiếng tôn xưng quý phái hão, vẻ vênh vác rởm hợm của ông Giuốc-đanh khi mặc lễ phục cũng như khi được tôn xưng... qua đó nhà văn chế giễu thói học đòi làm sang vẫn thường thấy trong xã hội.

III – THAM KHẢO

Cuộc đời Mô-li-e là cuộc đời chiến đấu của một nghệ sĩ dũng cảm. Luôn luôn ông đứng về phía nhân dân chống lại những lực lượng phản động, Nhà thờ, quý tộc, tầng lớp tư sản lạc hậu muốn kìm hãm xã hội trong ngu dốt, nô lệ. Mô-li-e chiếm một vị trí lớn trong lịch sử văn học Pháp. Ông là cha đẻ của hài kịch Pháp; ông đưa hài kịch của nước ông từ chỗ chỉ là những kịch hề hoặc những kịch vui nhộn ngoại lai kiểu hài kịch Ý thế kỉ XVI, lên một nền hài kịch mang tính tư tưởng sâu sắc, dựa trên truyền thống dân tộc. Kịch Mô-li-e thấm nhuần tư tưởng tiến bộ lúc bấy giờ – chủ nghĩa duy lí Đề-các, một phần chủ nghĩa duy vật Ga-xăng-đi. Kịch của ông có tính chất triết học rõ rệt, nó là tiếng nói của lương tri thời đại và của nhân dân. Mô-li-e phản ánh những vấn đề xã hội lớn của thế kỉ ông. Ông là một nhà văn gắn chặt với thời đại mình và biểu hiện thời đại ấy bằng nghệ thuật sân khấu. Ông phê phán thứ văn hoá cầu kì của quý tộc, những lề thói sống giả dối, hèn hạ của bọn quý tộc lớn nhỏ nơi cung đình; ông công kích chính sách ngu dân của Nhà thờ. Ông chế giễu những đầu óc hẹp hòi, gia trưởng, lạc hậu, bảo thủ, không chịu tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của khoa học. Kịch của ông còn nhiều ảo tưởng về con người, về sự cải tạo con người và xã hội. Hài kịch của Mô-li-e mang tính hiện thực sâu sắc; nó linh hoạt, sôi nổi, là bức tranh rộng lớn của cung đình và thành thị lúc bấy giờ. Nhân vật của ông có những nét chung của thời đại, đồng thời có những nét cá thể đậm sắc. Tài năng diễn viên Mô-li-e làm cho sân khấu Pa-ri sôi động với một nghệ thuật hài hước linh hoạt. Mô-li-e là một người hề vĩ đại. Cái cười của Mô-li-e có đủ cung bậc: vui, nhộn, dí dỏm, chế giễu, chua chát, cay độc. Ông sáng tạo cái cười có tính bi kịch, mang ý nghĩa xã hội lớn.

Mô-li-e là một nhà văn tiêu biểu của chủ nghĩa cổ điển Pháp – bằng sáng tác và những vở kịch có tính lí luận về văn học, nghệ thuật của ông. Ông có công đóng góp vào việc xây dựng nên lí thuyết của chủ nghĩa cổ điển mà nền tảng là triết học duy lí Đề-các kết hợp với triết học Ga-xăng-đi. Phản ánh chân thực cuộc sống, đi sâu vào tâm lí nhân vật, đấu tranh chống "văn hoá" Trung cổ hủ bại, kịch Mô-li-e là tiếng nói của tầng lớp tư sản tiến bộ của nhân dân và chủ nghĩa nhân văn thế kỉ XVII.

(Đỗ Đức Hiểu, trong Từ điển văn học, tập một, Sđd)