I- HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Để biết cách sắp xếp các luận điểm như trình tự trong SGK có hợp lí không, các em cần lưu ý một số điểm sau:
- Việc nêu luận điểm và trình bày lập luận không phải là sự liệt kê, sự kể lại các nội dung cần trình bày mà là sự sắp đặt theo một trình tự hợp lí, chặt chẽ để làm luận điểm sáng tỏ và lập luận tăng sức thuyết phục. Bởi thế việc có ý nào, có luận điểm nào là đưa ngay luận điểm ấy, không có sự cân nhắc thì chưa thể gọi là bài văn nghị luận chặt chẽ.
- Phải sắp xếp các ý lớn, ý nhỏ theo một trình tự nhất quán để vấn đề trình bày hiện ra rõ ràng hơn. Không thể sắp xếp ý lộn xộn, rời rạc mà cần có sự phân ý trình bày để nội dung bài văn trở nên mạch lạc và chặt chẽ.
Từ sự xác định như trên, ta thấy cách sắp xếp các luận điểm đưa ra trong bài tập còn lộn xộn, chưa thật hợp lí. Đây chỉ là sự liệt kê luận điểm, chưa phải là sự sắp xếp luận điểm. Hơn nữa, các luận điểm này chưa thể hiện rõ đâu là luận điểm chính (ý lớn), đâu là luận điểm phụ (ý nhỏ). Vì vậy, ta có thể sắp xếp, gộp các ý đã có trong bài tập lại và đưa thêm một số nội dung để lập thành một dàn bài với những nội dung lớn như sau:
* Mở bài: Nêu vấn đề cần bàn bạc: Ích lợi của những chuyến tham quan, du lịch đối với học sinh
* Thân bài: Đưa luận điểm và lập luận riêng của người viết để khẳng định những lợi ích của tham quan, du lịch. Cụ thể:
(1) Mở rộng tầm hiểu biết cho mỗi cá nhân
- Hiểu cụ thể hơn, sâu hơn những điều được học trong lớp.
- Trước khi đi tham quan, du lịch mới chỉ được nghe qua lời giảng của các thầy, cô giáo nên mới hiểu sự vật, hiện tượng qua sự liên tưởng, tưởng tượng; nay đi tham quan, du lịch được tai nghe, mắt thấy nên hiểu trực quan và cụ thể, rõ ràng hơn rất nhiều.
- Hơn thế nữa, tham quan, du lịch còn giúp ta hiểu được cả những điều chưa được nói đến trong sách vở, chưa được nghe các thầy, cô giáo giảng dạy trên lớp.
(2) Bồi dưỡng về tình cảm
- Yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước hơn.
- Yêu con người lao động đầy sức sáng tạo hơn.
- Nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ danh lam thắng cảnh của quê hương, đất nước cũng như nhiệm vụ của bản thân mình trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
(3) Là hình thức vui chơi giải trí bổ ích
- Là một trong những hình thức thư giãn, vui chơi giải trí đem lại nhiều niềm vui cho mọi người.
- Giảm bớt sự căng thẳng sau những ngày học tập vất vả, căng thẳng.
- Là điều kiện để các bạn trong lớp sống gần gũi, thông cảm và gắn bó với nhau hơn.
(4) Tăng cường sức khoẻ cho mọi người
- Rèn luyện sức khoẻ.
- Tăng cường độ dẻo dai, sự bền bỉ.
- Điều kiện để kiểm tra sức khoẻ và sức chịu đựng của bản thân.
* Kết bài: Khẳng định những lợi ích to lớn của tham quan và du lịch đối với học sinh nói chung và đối với bản thân nói riêng.
2. Phần trích dùng cho việc tham khảo viết đoạn văn trình bày luận điểm "Những chuyến tham quan, du lịch đem đến cho ta thật nhiều niềm vui":
Tham quan du lịch đem đến cho ta khá nhiều niềm vui, những kỉ niệm đáng nhớ. Cách đây không lâu, chúng tôi đã có dịp đến thăm công viên Thủ Lệ. Đây vừa là một công viên, vừa là một vườn bách thú lớn. Đối với chúng tôi, đó là nơi được nô đùa, vui chơi thoải mái nhất. Chúng tôi được chay nhảy, được đi dạo quanh hồ, và đặc biệt được xem nhiều muông thú lạ. Có biết bao nhiêu loài thú tôi chưa từng được thấy bao giờ. Đười ươi, ngựa vằn, kì đà,... con nào trông cũng lạ mắt. Rồi những con thú dữ được nhốt trong những chiếc cũi sắt to, hoặc chuồng xây bằng xi măng cốt thép chắc chắn. Tôi cứ dán mắt mãi vào những chú gấu lực lưỡng, những con voi khổng lồ, những con hổ xám "chúa sơn lâm" oai vệ. Tôi đã từng được nghe cô giáo giảng, từng được xem trên truyền hình những con vật này, nhưng trong trí tưởng tượng của tôi, chúng đâu có to và lớn đến như vậy. Và quả thực, chưa bao giờ tôi lại được ngắm những con vật đó tận mắt, chỉ cần bước thêm vài bước là đã có thể chạm hẳn vào người chúng tôi. Tôi nhìn ngắm thoả thích và chưa bao giờ tôi lại nhìn chúng gần, lâu và kĩ đến thế. Nếu không có chuyến đi tham quan này, có lẽ tôi chẳng bao giờ nghe được tiếng hổ gầm, nhìn hình dáng những chú gấu bụng sệ những mỡ đi lại lặc lè, và những cử chỉ, hành động khác của chúng. Những điều này, có lẽ suốt đời, tôi không bao giờ quên được.
3. HS tự làm.
Gợi ý:
- Lưu ý dùng một số từ ngữ và câu văn biểu cảm trong bài viết.
- Lựa chọn thời điểm đưa từ ngữ, câu văn biểu cảm sao cho thích hợp.
- Bản thân người viết cũng phải có những tình cảm chân thực về quê hương, đất nước.
II – THAM KHẢO
1. Cảnh khuya
Tiếng suối từ xa như khúc nhạc nền êm ả, rất phù hợp với khung cảnh huyền ảo:
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Nghe tiếng suối, ngỡ như bóng trăng sà xuống. Ánh trăng chan chứa, len lỏi vào từng kẽ lá cổ thụ. Tưởng chừng cổ thụ được tắm ánh trăng, thấm đẫm ánh trăng. Rồi bóng cổ thụ lại nghiêng xuống, ôm trùm lấy khóm hoa. Giữa trăng và hoa chen vào đấy cái hình ảnh sừng sững của cổ thụ, để nói thêm một vẻ đẹp nữa của núi rừng Việt Bắc. Một cảnh đẹp nhiều tầng nhiều lớp, vừa lung linh, huyền ảo, vừa cổ kính, trang nghiêm. Khung cảnh núi rừng Việt Bắc hiện lên sinh động, ấm áp, chan chứa tình người. [..]
Cảnh khuya thể hiện sự thống nhất, hài hoà giữa nhà thi sĩ và chiến sĩ trong con người Bác. Ba câu đầu, bác hiện lên như một thi nhân, lắng nghe, cảm xúc, rung động rất tinh tế trước cảnh vật. Đến câu kết, Bác hiện lên là một chiến sĩ, một nhà cách mạng toàn tâm toàn ý vì dân vì nước. Và tâm trạng chiến sĩ rọi sáng vào toàn bài thơ vầng sáng hiện đại. Phong cảnh rừng khuya lung linh thêm không phải chỉ vì ánh trăng, âm vang thêm không phải chỉ vì tiếng suối, ngát hương thêm không phải chỉ vì bóng hoa, mà vì có hình ảnh người chiến sĩ cách mạng...
(Nguyễn Đăng Mạnh – Trần Đăng Tuyền, Những bài văn hay và khó trong chương trình cấp 2 NXB Giáo dục, Hà Nội, 1993)
2. Khi con tu hú
Tố Hữu làm bài thơ này vào tháng 7 năm 1939. Nhà thơ trong nhà lao, nghe tiếng chim tu hú dội vào, tưởng tượng ra cảnh vật quen thuộc và thân thiết bên ngoài. Đó là bức tranh phong cảnh mùa hè ở nông thôn, một ngày đẹp trời: chim tu hú, tiếng ve ngân, lúa chín, ngô vàng hạt, trái cây ngọt dần, nắng đẹp, trời xanh cao lồng lộng, cánh diều sáo chao liệng trên từng không... Đó là hình ảnh của quê hương yêu dấu, đó cũng là hình ảnh của cuộc đời tự do.
Đoạn thơ đã thể hiện lòng yêu đời, yêu tự do và hết sức gắn bó với quê hương của nhà thơ. Cho nên, cảnh vật chỉ hiện ra trong tưởng tượng mà rất cụ thể và biết bao sinh động.
Cảnh mùa hè đầy sức sống ấy đã tác động mãnh liệt đến tâm hồn thi sĩ. Cây cối đang phát triển theo quy luật của nó, sinh vật đang tự do bay lượn trên bầu trời, thế mà riêng ta bị giam hãm, tù đày. Bức tranh phong cảnh mùa hè đầy sức sống, tự do và phóng khoáng bên ngoài đối lập với cảnh tù túng, ngột ngạt trong nhà lao. Càng say mê tưởng tượng cuộc sống ở bên ngoài, càng khao khát cuộc sống tự do, nhà thơ càng căm uất khi cứ bị giam cầm mãi trong nhà tù. Niềm khao khát cùng với sự phẫn uất ấy đã trở thành sự thôi thúc bên trong, khiến nhà thơ chỉ muốn đập tan phòng giam, đập tan cánh cửa nhà tù:
Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Đã thế tiếng tu hú lại cứ kêu cứ dội mãi vào nhà tù như thôi thúc, như giục giã, đồng thời cũng như mang theo cả sự oi bức của mùa hè vào trong nhà lao làm cho cảm giác bức bối càng tăng lên:
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!
Tiếng chim tu hú vừa là tiếng gọi của cuộc sống tự do, vừa là tiếng gọi của mùa hè làm cho niềm khát khao tự do của người chiến sĩ trẻ càng trở nên cháy bỏng, và nhà tù càng trở nên ngột ngạt tưởng chừng không sao chịu nổi (chết uất thôi). Trong nỗi uất hận ấy có chứa chất tinh thần phản kháng và niềm khát khao chiến đấu.
(Nguyễn Đăng Mạnh – Trần Đăng Tuyền, Những bài văn hay và khó trong chương trình cấp 2, Sđd).