I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Vai xã hội là gì?
- Trong đời sống hằng ngày, chúng ta giao tiếp với nhiều người khác nhau. Mỗi người ấy có quan hệ xã hội cũng khác nhau với chúng ta. Có người là ruột thịt trong gia đình, có người là bạn bè cùng lớp, lại có người là các thầy, cô giáo, hoặc cũng có khi là một người khách tới thăm gia đình,... Với mỗi đối tượng giao tiếp như vậy, chúng ta có những cách nói chuyện, cách xưng hô khác nhau. Mỗi khi giao tiếp như vậy là chúng ta đã đóng một vai xã hội khác nhau. Vậy vai xã hội là gì?
Có thể hiểu một cách chung nhất: Vai xã hội là vị trí của người tham gia hội thoại với người khác trong cuộc thoại.
2. Xác định vai xã hội
a) Việc xác định vai xã hội có sự tham gia của nhiều yếu tố. Có thể đó là:
- Do truyền thống lịch sử, văn hoá
- Do thói quen
- Do đặc điểm tâm lí xã hội, tâm lí dân tộc
- Do những ước định mang tính thời đại.
Việc xác định vai xã hội cũng có thể chỉ được xác định bằng các mối quan hệ xã hội kiểu như:
- Theo tuổi tác, theo thứ bậc trong gia đình, hoặc theo chức vụ trong các cơ quan đoàn thể... Lúc này ta có quan hệ theo kiểu vai trên – dưới, quan hệ vai ngang bằng.
- Theo mức độ quen biết, thân tình mà ta có quan hệ thân - sơ,...
b) Việc xác định đúng vai xã hội là điều hết sức quan trọng đối với người giao tiếp. Chỉ khi xác định được mình là ai trong cuộc giao tiếp, ta mới có thể chọn được:
- Nội dung nói phù hợp
- Xưng hô phù hợp
- Cách nói phù hợp
- Thái độ phù hợp
Nói một cách khác, việc xác định đúng vai xã hội trong hoạt động giao tiếp cho phép ta sử dụng lời nói đúng và thái độ đúng khi giao tiếp.
II - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Hịch tướng sĩ là văn bản dùng để giao tiếp giữa Trần Quốc Tuấn và các binh sĩ dưới quyền. Vì vậy, chúng ta có thể tìm thấy những chi tiết trong bài hịch này thể hiện thái độ vừa nghiêm khắc, vừa khoan dung của Trần Quốc Tuấn như sau:
- Nghiêm khắc khi chỉ ra lỗi lầm của các tướng sĩ. Ví dụ:
Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn ... Lúc bấy giờ, ta cùng các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào!
- Khoan dung, khuyên bảo tướng sĩ hết sức chân tình. Ví dụ:
+ Huống chi ta cùng các ngươi sinh phải thời loạn lạc ... để vét của kho có hạn.
+ Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung ... há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa?
2. Dựa vào nội dung truyện Lão Hạc và phần đối thoại trong đoạn trích ở bài tập này, các em thấy:
a) Vai xã hội:
- Lão Hạc: địa vị thấp nhưng tuổi tác cao hơn ông giáo.
-Ông giáo: địa vị xã hội cao nhưng tuổi ít hơn lão Hạc.
b) Thái độ vừa kính trọng vừa thân tình của ông giáo đối với lão Hạc được thể hiện qua câu nói:
... bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc, ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào...
c) Những chi tiết thể hiện thái độ của lão Hạc đối với ông giáo:
- Thân tình như nói với người đồng lứa: Đối với chúng mình thì thế là sung sướng.
- Quý trọng vì nói với người có học:
+ Ông giáo dạy phải!
+ Nói đùa thế, chứ ông giáo cho để khi khác.
3. HS tự làm.