I-HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Việc luyện tập trong tiết này yêu cầu các em lập dàn bài chi tiết cho đề văn "Trang phục và văn hoá" và tập hợp những suy nghĩ, những hình ảnh, những câu chuyện em đã tích luỹ được xung quanh vấn đề trang phục trong thực tế đời sống nhà trường và ngoài xã hội.
2. Các em cần lưu ý tình huống gợi ý sau đây trong SGK để dễ viết hơn, dễ "nghị luận" hơn:
- Bạn em đang đua đòi trong việc ăn mặc không lành mạnh, nhất là ăn mặc lại không phù hợp với lứa tuổi học sinh, với truyền thống văn hoá và với hoàn cảnh kinh tế của gia đình.
- Em hãy viết một bài nghị luận để thuyết phục bạn đó thay đổi cách ăn mặc của mình sao cho đúng đắn.
3. Để viết bài này, SGK đã nêu lên một số luận điểm. Trong số những luận điểm đó, có những luận điểm không phù hợp, cần phải lược bỏ. Những luận điểm còn lại cũng mới chỉ là sự liệt kê mà chưa thực sự là sự sắp xếp hợp lí các luận điểm. Bởi vậy, sau khi lược bỏ những luận điểm không cần thiết, các em có thể sắp xếp những luận điểm còn lại như sau:
– Luận điểm 1: Gần đây, cách ăn mặc của bạn có nhiều thay đổi, không còn giản dị, lành mạnh như trước nữa.
- Luận điểm 2: Các bạn lầm tưởng rằng ăn mặc như vậy sẽ làm cho mình trở thành người "văn minh", "sành điệu".
- Luận điểm 3: Việc chạy theo các "mốt" ăn mặc ấy có nhiều tác hại:
+ Làm mất thời gian
+ Ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập
+ Gây tốn kém cho cha mẹ
- Luận điểm 4: Việc ăn mặc phải phù hợp với thời đại, nhưng cũng phải lành mạnh, phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc, với lứa tuổi và hoàn cảnh sống.
4. Dựa vào những luận điểm này, các em có thể cân nhắc lựa chọn để đưa yếu tố miêu tả và tự sự vào vị trí thích hợp trong quá trình lập luận của bài văn.
II – THAM KHẢO
MỐT? AI CŨNG CÓ THỂ...
Loại trừ những kẻ lố lăng, kệch cỡm đi, ăn mặc đúng thời trang, làm tôn vẻ đẹp con người lên cũng là điều đáng mơ ước đấy chứ!
Nhưng nhiều bạn sẽ lấy làm buồn tủi, cho rằng chỉ những con nhà khá giả mới "đua đòi" theo mốt được thôi.
Dĩ nhiên, có tiền thì việc mua sắm dễ dàng hơn. Nhưng có mắt, có "gu", tức là có khiếu thẩm mĩ, còn quan trọng hơn nhiều.
"Mốt phải hợp với lứa tuổi và hợp với túi tiền" - đó là quan niệm không phải của ai khác, mà của chính Pi-e Các-đanh - nhà tạo mốt nổi tiếng của Pa-ri nước Pháp. "Mốt – vẫn theo Pi-e Các-đanh – không phải phát sinh do thói đỏng đảnh của một nhóm người nào, mà nó là hiện tượng xã hội, xuất hiện theo yêu cầu xã hội, cũng như sự ra đời của ô tô, máy bay, điện thoại, truyền hình vậy. Do đó, mốt là tài sản chung của mọi người, chứ không dành riêng cho giới thượng lưu quý tộc".
Vậy bí quyết mặc thế nào cho đẹp? Nhà tạo mốt đã trả lời dứt khoát: "Đẹp nhất, tốt nhất là mặc như thế nào cho thật hợp với lứa tuổi của mình".
Chạy theo những kiểu mốt tân kì nhất, một kẻ học đòi vẫn có thể trở thành lố bịch, bị mọi người chê cười.
Ngược lại, với một số tiền không nhiều, mặc bộ quần áo không thuộc loại "xịn" mà người mặc vẫn có thể có được vẻ trang nhã, dễ gây thiện cảm. Để được như thế, Pi-e Các-đanh khuyên: "Quần áo trước hết phải đạt tiêu chuẩn tối thiểu là khi mặc vào ta cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Bởi vì quần áo cũng chính là môi trường sống của chúng ta".
Với những bạn khéo tay, còn có thể sửa sang những bộ quần áo hết mốt hoặc không phù hợp thành trang phục đẹp theo ý thích của mình.
(Thuỳ Trang, báo Hoa học trò, số 40 –1993)