BÀI LÀM

- Đọc kĩ câu chuyện Ông trạng thả diều ở SGK TV4, tập 1, trang 104. Tìm đoạn kết bài của truyện.

- Qua câu chuyện Ông trạng thả diều ta thấy đoạn kết bài nằm ở đoạn cuối của truyện được giới hạn ở bốn câu kết thúc truyện. Đó là:

“Thế rồi vua mở khoa thi. Chú bé thả diều đỗ Trạng nguyên. Ông Trạng khi ấy mới có mười ba tuổi. Đó là Trạng nguyên trẻ tuổi nhất của nước Nam ta”.

- Em có thể thêm lời nhận xét, đánh giá làm đoạn kết như sau:

“Ý chí, nghị lực và sự chịu khó trong học tập của Trạng nguyên Nguyễn Hiền thời nhà Trần đáng để cho tuổi trẻ chúng ta hôm nay noi theo học tập”.

- So sánh hai cách kết bài:

a) Cách (1): Cách kết bài của truyện Ông trạng thả diều cho ta biết kết cục của câu chuyện: Cậu bé thả diều đỗ Trạng nguyên (kết bài tự nhiên).

b) Cách (2): Là lời nhận xét, đánh giá thêm về nội dung câu chuyện (kết bài mở rộng).

LUYỆN TẬP

Câu chuyện Rùa và Thỏ có thể kết bài theo nhiều cách khác nhau. Hãy đọc các đoạn kết bài đã cho và xác định chúng được kết bài theo kiểu nào?

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

- Trong các truyện, người ta thường kết bài bằng hai cách:

a- Kết bài tự nhiên.

b- Kết bài mở rộng.

Qua năm kiểu kết bài đã cho, đối chiếu với hai kiểu kết bài thường gặp nêu trên, ta xác định như sau:

- Kiểu kết bài (a) là kiểu kết bài tự nhiên.

- Kiểu kết bài (b, c, d, đ) là kiểu kết bài mở rộng.

- Tìm phần kết bài của các truyện: Một người chính trực, Đồng tiền vàng. Cho biết đó là những kết bài theo cách nào?

- Phần kết bài của truyện Một người chính trực được thể hiện phần:

“Tô Hiến Thành tâu:

- Nếu thái hậu hỏi người hầu hạ giỏi thì tôi xin cử Vũ Tán Đường, còn hỏi người tài ba giúp nước, tôi xin cử Trần Trung Tá”.

+ Đây là kiểu kết bài tự nhiên.

- Phần kết bài ở truyện Đồng tiền vàng được thể hiện ở phần:

“Tim tôi se lại. Tôi đã thấy một tâm hồn đẹp trong cậu bé nghèo”.

+ Đây là kiểu kết bài mở rộng.

* Viết lại kết bài của truyện Một người chính trực theo lối mở rộng như sau:

“Cho mãi đến tận bây giờ, tên tuổi của Tô Hiến Thành đã đi vào sử sách của dân tộc như một gương sáng về tính trung thực cho mọi thế hệ đời sau noi theo”.

Hoặc có thể kết bài như sau:

“Tô Hiến Thành là một người chính trực hiếm có. Một gương sáng cho mọi thế hệ đời sau noi theo: Không vì tình riêng mà đưa người không có năng lực lên nắm giữ công việc quan trọng làm hại quốc gia. Thẳng thắn, trung thực, đưa người có tài có đức phụng sự cho nước nhà, mặc dầu người đó không phải là người thân của mình”.