BÀI LÀM 1
Sân trường em trồng rất nhiều loại cây bóng mát, chúng đứng thành hàng thẳng tắp, xòe tán rộng che bóng mát khắp cả sân trường. Nhưng có lẽ chỗ gốc cây cổ thụ thu hút nhiều lũ trẻ chúng em vẫn là cây si già.
Không biết đến nay, cây si già đã bao nhiêu tuổi. Cô giáo chủ nhiệm của em nói: “Cô về đây đã hơn mười năm rồi, lúc ấy cây si cũng như bây giờ. Cô nghe nói từ khi có ngôi trường này thì người ta đã trồng nó từ trước đó rất lâu rồi. Có lẽ cây đã gần trăm tuổi đấy!” Cây si giống như một cây dù không lồ, xanh thẫm. Những cái rễ trơn bóng nằm uốn lượn trên mặt đất như những con trăn hoa nằm ngủ im lìm dưới tán cây. Thân cây to hết chỗ nói, ước chừng sáu, bảy đứa trẻ như chúng em nắm tay nhau mới kín được. Vỏ cây màu nâu sẫm và cũng trơn bóng như rễ cây. Hầu như toàn thân cây chi chít những tên tuổi những con số, những hình nhân do các bậc đàn anh đàn chị các lớp trước lưu lại để kỉ niệm một thời đã học ở đây. Điều thú vị nhất là đối với chúng em là nắm lấy những cái rễ to bằng ngón tay cái người lớn lòng thòng từ trên xuống thi nhau trèo lên cao hoặc chơi đánh đu. Con trai, con gái đều thích thú. Dường như quanh năm, cây si vẫn xanh một màu xanh muôn thuở của nó. Lá si nhỏ và dày, cành lại dai nên dù mưa to gió bão, cây si vẫn vững vàng chống chọi lại thiên tai mà không hề hấn gì. Đã trăm tuổi rồi mà trông cây vẫn cường tráng, vẫn xuân xanh như một chàng trai khỏe mạnh.
Những giờ giải lao, chúng em thường tụ tập về đây hóng mát và tổ chức các trò chơi của trẻ thơ. Cây si đã gắn với ngôi trường này, gắn với bao thế hệ học trò cùng muôn vàn những kỉ niệm thân thương, những trò chơi hấp dẫn hay những câu chuyện tếu của đời thường râm ran nổ ra dưới gốc cây này..
Mai đây, khi phải từ biệt mái trường này thì cây si già vẫn mãi mãi để lại trong lòng chúng em những ấn tượng đẹp, những kỉ niệm khó quên của một thời thơ ấu.
BÀI LÀM 2
Vào những ngày tháng ba, trung tâm mùa khô ở miền đất Nam Bộ này, nắng như thiêu như đốt. Tan học trở về nhà, lũ học trò chúng tôi thường dừng lại dưới gốc cổ thụ ven đường để tránh cái nắng chói chang của mùa khô. Chính gốc cây có bóng mát này ghi lại không biết bao nhiêu những kỉ niệm đẹp của tuổi học trò. Đó chính là gốc me tây.
Nhìn từ xa, cây me tây đứng sừng sững bên vệ đường, xòe tán lá xum xuê. Đến gần, càng thấy vóc dáng đồ sộ và vĩ đại của nó. So với những cây phi lao, bạch đàn... gần đó thì nó vượt hơn hẳn cả kích thước lẫn bóng che. Mọi người đi qua đây, dù vội vã đến đâu cũng muốn dừng lại dăm ba phút để tận hưởng cái không khí mát dịu từ cái phòng "điều hòa nhiệt độ” ngoài trời này mà tránh cái nắng tháng ba như đổ lửa xuống mặt đất.
Gốc cây ước chừng hai vòng tay người lớn ôm không xuể. Những cái rễ to nhỏ đủ cỡ bò lan trên mặt đất. Thân cây thẳng đứng. Từ mặt đất lên chừng ba mét chia thành ba nhánh lớn đều nhau, tạo nên cái vòm tròn như cái dù phi công màu xanh lục. Vỏ cây xù xì, màu nâu xám. Tít trên cao, tán lá xum xuê tỏa rộng là nơi những chú chích bông, chào mào, sáo sậu... thỉnh thoảng thường tụ tập về đây dự “hội diễn ca múa nhạc quần chúng”. Đến mùa ra hoa, cái vòm xanh lục ấy được điểm tô vô vàn những chấm nhỏ li ti màu hồng tím, trông mới tuyệt diệu làm sao! Cây me tây là điểm tụ hội của lũ học trò chúng tôi sau những buổi tan học. Ngồi dưới gốc me tây, giữa cái nắng chói chang của mùa khô mới cảm thấy dễ chịu và mát mẻ đến nhường nào. Những trò chơi đá cầu nhảy dây, banh đũa.. đều diễn ra sôi động ở đây. Cứ thế, cây me tây gắn bó với chúng tôi suốt những ngày đi học với biết bao kỉ niệm vui buồn của tuổi ấu thơ.
Mai đây, dẫu có phải đi xa khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình, có ai đó hỏi rằng: “Hình ảnh nào sâu đậm nhất gợi nhớ quê hương”. Lúc ấy, tôi sẽ không ngần ngại trả lời với họ rằng: “Cây me tây trên đường đến trường”.
BÀI LÀM 3
Ngay giữa sân trường sừng sững một cây phượng đang nở rộ những đóa hoa đỏ thắm như báo hiệu cho chúng tôi một mùa hè nữa lại bắt đầu.
Cây phượng đã nhiều tuổi lắm rồi. Thân cây to có lẽ đến mấy người ôm không xuể. Dưới gốc phượng hàng chục cái rễ to nhỏ khác nhau ngoằn ngoèo uốn lượn như những con rắn đang trườn vào bóng râm hóng mát. Tán phượng xòe rộng ra như một cái lọng khổng lồ trùm lấy một khoảng sân rộng vài chục mét vuông che bóng mát cho tụi nhỏ chúng tôi. Giữa khoảng trời mênh mông những chùm phượng nổi lên một màu đỏ rực như có ai đó bắn lên một chùm pháo hoa trong đêm giao thừa mừng thiên niên kỉ mới. Đây là hình ảnh đọng lại trong tâm tưởng tôi mỗi khi tiếng ve sầu bắt đầu râm ran trên các cành phượng và phượng bắt đầu ra hoa rồi hè đến. Hè sắp về là y như phượng khoe sắc, là dấu ấn thời gian thúc giục tụi nhỏ chúng tôi mau mau luyện bài chuẩn bị cho kì thi sắp tới. Rồi đây nữa, những trang lưu bút hồn nhiên ngây thơ nhưng chứa đầy những cảm xúc của tình bạn. Trong ấy có thể là những kỉ niệm buồn, vui với những cánh phượng ép khô thành con bướm màu huyết dụ gợi nhớ những ngày học bên nhau dưới gốc phượng này. Rồi sao nữa? Những cơn mưa mùa hạ lại đến, xác phượng trải khắp sân trường đỏ hồng như xác pháo. Hè qua đi, năm học mới lại đến, phượng bắt đầu nhú chồi, nảy lọc. Cứ thế, cứ thế phượng lại ra hoa thắp đỏ cả một vùng trời báo hiệu năm học sắp kết thúc. Và hè đến...
Giã từ những cánh phượng thắm, lòng tôi lại cảm thấy xao xuyến bâng khuâng khi phải chia tay với cây phượng già thân yêu, chia tay với những người bạn cùng học với biết bao nỗi niềm lưu luyến nhớ nhung.
BÀI LÀM 4
Thực tình lâu nay, tôi cũng không để ý đến cây phượng lắm. Giờ đây biết được lai lịch của nó, biết được những tình cảm sâu đậm của các anh chị lớp trước gửi lại ở cây phượng giữa sân trường này, tôi cảm thấy như mình có lỗi. Sao mình lại thờ ơ thế nhỉ?
Sáng nay đến lớp sớm hơn mọi ngày, bỏ cặp cẩn thận vào hộc bàn, tôi lững thững bước ra sân hướng về nơi gốc phượng. Vẫn như ngày nào, phượng vẫn đùa vui với gió mát hương trời, vẫn thỉnh thoảng buông rơi những cánh phượng sắp tàn chao liệng trong làn gió chướng. Phượng vẫn thế đấy: gần gũi và thủy chung. Còn em, một cảm giác mới lạ trào dậy trong lòng: “Phượng ơi! Ai đã đặt phượng ở đây, giữa cái sân trường lộng gió này, để ngày ngày dưới chân phượng, tụi nhỏ chúng mình tụ tập về đây nô đùa đến không chán những trò chơi tinh nghịch của tuổi thơ”. Giờ đây tôi mới có dịp ngắm kỹ cây phượng hơn. Phượng cũng đang tuổi ăn tuổi lớn như chúng tôi: trẻ trung và dồi dào sinh lực. Nhìn nước da trắng xám căng đầy nhựa sống và muôn vàn cánh tay vươn dài toả rộng làm râm mát cả một khoảng sân trực đủ biết, phượng đang sung sức. Màu xanh của lá, màu đỏ của hoa phản chiếu nắng mai vàng tạo nên một vầng sắc kì ảo. Năm cánh hoa đỏ thắm, mềm mại như một nét hoa văn ôm vòng lấy nhụy. Những hạt sương sớm còn đọng lại trên đầu nhụy long lanh dưới ánh mặt trời, càng trông càng đẹp. Một vẻ đẹp hồn nhiên như tuổi học trò chúng tôi. Tôi cúi xuống nhặt những cánh phượng đang rơi còn tươi sắc đỏ như muốn nâng niu những tình cảm đậm đà, lưu luyến mà các anh chị lớp trước đã gửi lại trên những cánh phượng hồng thắm này.
“Các anh các chị ơi! Rồi đây, trước lúc tạm biệt mái trường thân yêu này, chúng em sẽ làm như các anh các chị đã làm để cho sân trường luôn rợp bóng hoa - hoa học trò.”