BÀI LÀM

Tôi xin kể một câu chuyện có thật một trăm phần trăm ở lớp tôi cho các bạn cùng khối lớp Bốn mình nghe nhé.

Trong lớp tôi trước đây, Tuấn là một người có chữ viết xấu nhất lớp. Các bài kiểm tra của bạn ấy lúc nào cũng bị trừ điểm. Có bao nhiêu chữ không đọc được. Các thầy cô đều nói: chữ của Tuấn chẳng khác nào “hàng rào ấp chiến lược”. Vậy mà bây giờ có thể nói, không chỉ so với lớp tôi mà ngay cả toàn trường không có một nét chữ của bạn nào sánh được với chữ của Tuấn. Trong hội thi Vở sạch chữ đẹp, Tuấn đạt điểm tối đa, đứng đầu toàn trường. Tuấn tâm sự với tôi: Có được những nét chữ bây giờ, mình phải trải qua quá trình khổ luyện hết sức vất vả đấy, Hoàng ạ! Mình nhớ lại một kỉ niệm hồi học ở lớp Ba. Lúc đó, chữ của mình còn vào loại tệ nhất lớp. Mẹ thường xuyên nhắc nhở mình: “Mẹ coi những quyển tập của con mà chẳng đọc được. Không biết con làm bài có ai đọc được không?”. Mẹ mình chỉ nói vậy thôi, rồi vì bận công việc cơ quan, lâu lâu mẹ mình mới kiểm tra tập và cũng chỉ nhắc mình như những lần trước. Rồi vào một buổi tối, cô giáo chủ nhiệm đến chơi nhà, trao đổi với mẹ mình về chữ viết của mình. Sáng ra mẹ gọi mình dậy nói chuyện. Mình vâng vâng, dạ dạ cho mẹ yên lòng. Nhưng kì thực mình chỉ cố gắng chút ít, rồi chứng nào tật ấy vẫn tiếp diễn. Hôm bố đi công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh về, mẹ nói gì với bố không biết. Ăn cơm xong, bố gọi mình lên phòng khách, đưa toàn bộ tập vở theo. Sau khi xem xong tất cả những cuốn tập, bố rút cây thước bảng bảo mình xoè tay ra. Lúc đó, Hoàng biết không? Mình nghĩ, chắc bố chỉ dọa thôi vì bố rất cưng mình. Thế rồi: Vút! Vút! Vút! Ba cái thước như trời giáng, bàn tay mình tê dại. Mình bèn rút tay lại. Bố bảo tiếp: “Đưa ra!” Mình lại rụt rè đưa lên từ từ. Vút! Thước thứ tư này mới đau làm sao! Lúc này mình mới vội vã nói: “Con xin bố!”. Vẻ mặt của bố mình nghiệm lại. Bố nói: “Con nghe đây: Từ nay về sau, mỗi ngày con viết bài chính tả đúng hai trăm chữ không dư không thiếu. Ngày nào bố cũng kiểm tra. Còn những lúc bố đi công tác xa thì cất giữ lại, lúc bố về sẽ kiểm tra tất cả Thiếu bài nào, con sẽ bị đòn đúng như ngày hôm nay. Con nghe rõ chưa?”.

Hoàng biết không, nếu không có trận đòn nhớ đời ấy, chắc chữ viết của mình không được như bây giờ đâu. Từ giờ phút đó trở đi, không có ngày nào mình không thực hiện bài chính tả như bố mình đã quy định. Những ngày đầu thật vất vả. Gò cho được một chữ đúng nét, ngay hàng thẳng lối đâu phải là dễ dàng đối với mình. Nhiều khi viết cứng cả tay, chuột rút đau vã cả mồ hôi. Có những bài viết ba bốn lần mới xong. Đã có những lúc, mình đánh liều bỏ cuộc. Chịu đòn một chút còn hơn. Nhưng rồi nghĩ lại: Cô giáo nhắc nhở mình, mẹ thường xuyên yêu cầu mong mỏi, ba thì bắt buộc. Tất cả chỉ vì sự tiến bộ của mình. Nghĩ thế mà mình vui vẻ luyện tập. Tháng sau, chữ của mình tiến bộ trông thấy. Mình không thấy mỏi tay hay chuột rút nữa. Thời gian viết cũng nhanh hơn, nét chữ mềm mại hơn. Mỗi lần kiểm tra chữ viết của mình chưa bao giờ thấy bố khen mình một tiếng. Chỉ có mẹ và cô luôn động viên khuyến khích. Sang tháng thứ ba, thứ tư... thì chữ viết của mình đã thay đổi hẳn. Chưa đầy một tiếng, mình đã hoàn thành xong bài chính tả. Mỗi lần viết xong, ngắm những dòng chữ đều tắp, mình cứ muốn ngắm mãi và thầm cảm ơn bố mình, mẹ mình và cô giáo đã cho mình những nét chữ mềm mại đẹp đẽ như bây giờ.

Chuyện của Tuấn là vậy đó. Tuấn trở thành một tấm gương của tinh thần vượt khó cho cả lớp tôi và toàn trường noi theo. Đúng như ông cha ta nói “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.