BÀI LÀM

Đó là câu chuyện Được tiền trả lại người mất đăng trên báo Khăn quàng đỏ mà dì tôi đã kể cho tôi nghe thứ bảy tuần trước. Chuyện xảy ra như thế này.

Trong buổi sinh hoạt đầu tuần, Mỹ Hạnh được cô hiệu trưởng mời lên ngồi ở hàng ghế danh dự dành cho những học sinh đã làm được những việc tốt cho trường, cho lớp trong tháng qua.

Hạnh đâu có ngờ mình lại được vinh dự như thế. Nghe nói đến tên mình, trống ngực Hạnh đập thình thịch. Đến khi cô chủ nhiệm xuống cầm tay dắt đi, Hạnh mới hết run. Hạnh thoáng thấy hàng trăm cặp mắt của các bạn như dán chặt vào mình. Ngồi ở hàng ghế danh dự, Hạnh cảm thấy nóng ran cả mặt. May mà cô chủ nhiệm lúc nào cũng tươi cười nhìn Hạnh như động viên cổ vũ, nhắc nhở Hạnh phải bình tĩnh: “Mình làm việc tốt được tuyên dương dưới cờ, đâu phải bị khiển trách, quy phạt mà sợ”. Dần dần Hạnh cũng lấy lại được bình tĩnh. Cô hiệu trưởng nói: “Bây giờ cô dành cho Hạnh mười phút, kể lại sự việc mà Hạnh đã làm cho toàn trường cùng nghe!”. Một tràng pháo tay rộ lên kéo dài đến một phút. Cầm micrô trên tay, Hạnh bẽn lẽn như ngày đầu vào lớp Một. Phải một lúc sau, Hạnh mới bình tĩnh trở lại.

“Thưa các thầy cô! Thưa các bạn!”. Hạnh nói trong hơi thở dồn và gấp: “Sáng hôm ấy, em đến lớp sớm hơn mọi ngày. Vừa bỏ cặp sách vào hộc bàn, em đã thấy cái gì cồm cộm không tài nào đưa cặp vào lọt hết được. Rút cặp ra, em cúi nhìn xem. Ô! Một cái ví (bóp) tay! Em rút vội ra, cầm lên xem. Của ai thế này? Sao lại bỏ ở đây? Vừa tự hỏi, vừa suy nghĩ miên man. À, đúng rồi! Chắc là của các cô các chú của trường cấp ba dân chính tỉnh đi học tối qua, bỏ quên. Em kéo vội dây kéo của ví ra. Chao ôi! Tiền! Toàn những tờ năm mươi ngàn mới tinh. Em không biết là bao nhiêu. Người em lúc này run lên. Kéo dây khóa lại, em mở cặp bỏ vào đấy rồi đút cặp vào hộc bàn như thường lệ, ngồi suy nghĩ mông lung... Mình sẽ đưa về cho mẹ. Hơn tháng nay ngoại ốm đang nằm bệnh viện, số tiền này chắc cũng giúp mẹ một phần giải quyết khó khăn. Vì ngoại chỉ có một mình mẹ em, ba em lại mất sớm. Mọi công việc gia đình, một tay mẹ em lo cả. Bình thường chỉ có đồng lương của mẹ với thu nhập vài công vườn cũng chỉ đủ gói ghém bốn miệng ăn. Giờ ngoại lại ốm nữa nên việc chi tiêu trong gia đình chắc gặp nhiều khó khăn. Trước đây mỗi lần đi học mẹ thường cho em năm trăm tiền quà nước. Nhưng từ ngày ngoại ốm, mẹ nói mình ráng chịu khó đi học đưa nước theo uống, tiết kiệm tiền bạc mua thuốc chữa bệnh cho ngoại. Sau này, ngoại mạnh khỏe, mẹ sẽ cho tiền như trước. Bây giờ số tiền này đưa về cho mẹ, giúp mẹ trong lúc này giải quyết khó khăn, em sẽ sung sướng biết chừng nào! Trong suốt cả buổi học, dường như em chẳng tiếp thu được bao nhiêu, ngồi cứ nghĩ miên man hết chuyện này đến chuyện khác. Thậm chí giờ ra chơi, em cũng chỉ đi vệ sinh xong là vội vã vào chỗ ngồi, mong cho thời gian trôi nhanh để đi về với mẹ. Nhưng rồi đến tiết cuối, sắp tan học, một suy nghĩ khác lại xuất hiện trong em. Có thể ai đó mất tiền cũng nằm trong trường hợp như gia đình em thì sao? Vợ ốm, con đau, ông bà già đi viện... Chắc cô, chú đó sẽ khổ biết dường nào! Tuy không có bạn nào biết mình được tiền, có ai nói mình tham đâu! Và rồi, liệu đưa về cho mẹ, mẹ sẽ nghĩ gì? Mẹ thường dạy em “Đói cho sạch, rách cho thơm” kia mà. Chắc mẹ sẽ không chấp nhận. Tính mẹ, em đã biết.

Rồi một hồi trống điểm dài, báo hiệu tan học. Chờ cho các bạn ra hết, em bước lên bàn cô chủ nhiệm: Thưa cô! Sáng nay, em đi học sớm, nhặt được một ví tiền ở dưới hộc bàn, em gửi lại cô, trả cho người mất. Em đoán là của mấy cô, mấy chú đi học bổ túc ban đêm để quên. Nói xong, em đưa ví tiền cho cô rồi bước vội về nhà. Thưa các thầy, các cô và các bạn sự việc chỉ có vậy.”

Nghe cô chủ nhiệm nói “Số tiền là năm triệu đồng đấy, Hạnh ạ!”. Số tiền ấy quả là lớn đối với gia đình em. Nhưng điều duy nhất đối với em bây giờ là em cảm thấy tâm hồn mình thật thanh thản, thật dễ chịu. Như vậy là em đã thực hiện được lời dạy của mẹ, của các thầy cô “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Câu chuyện Được tiền trả lại người mất là thế đấy.