1- Đọc bài thơ Em bé lạc mẹ

Em run run gương mặt trẻ thơ nhìn tôi:

- Cháu lạy ông, ông đừng ăn gan cháu.

Em mếu máo làm cả tôi mếu máo:

- Chú đây mà, chú là giải phóng quân.

Rồi bế em đi tìm khắp xa gần tôi đưa em về với mẹ.

2- Tìm hiểu câu chuyện trong bài thơ trên:

2-1: Câu chuyện có những nhân vật nào?

2-2: Các nhân vật gặp nhau trong hoàn cảnh nào? Hãy hình dung lại hoàn cảnh đó.

2-3: Vì sao em bé sợ chú giải phóng quân? Lúc ấy trông em bé như thế nào?

2-4: Vì sao chú giải phóng quân khóc khi nghe em bé nói? Lúc ấy, trông chú như thế nào?

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1- Em đọc kĩ bài thơ, nắm chắc nội dung bài làm cơ sở cho việc trả lời các câu hỏi ở câu 2.

2- Tìm hiểu câu chuyện:

2-1: Câu chuyện có hai nhân vật:

+ Em bé.

+ Chú giải phóng quân.

2-2: Em bé và chú giải phóng quân gặp nhau trong hoàn cảnh: Em bé lạc mẹ trong một trận chiến khi quân ta vào giải phóng một đô thị ở miền Nam trong thời kì của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Chú giải phóng quân với vẻ mặt hiền từ, nụ cười rạng rỡ đang bế cậu bé đi tìm mẹ. Không chỉ cậu bé khiếp sợ chú giải phóng quân mà ngay cả người dân nhìn chú giải phóng quân cũng lộ vẻ lo lắng sợ hãi.

2-3: Em bé sợ chú giải phóng quân là vì: ở những vùng do Mĩ - Ngụy chiếm đóng, chúng tuyên truyền xuyên tạc những người cách mạng là cộng sản thường ăn gan uống máu người và rất dã man, giết người không gớm tay làm cho người dân sợ hãi xa lánh những người cách mạng và coi những người cộng sản là kẻ thù, là man rợ. Cho nên khi chú giải phóng quân bế em đi tìm mẹ, tìm người thân cho em thì em hoảng sợ tưởng chú giải phóng quân đưa em đi giết để ăn gan. Lúc ấy trông em run rẩy, mếu máo hoảng sợ đến vô cùng.

2-4. Chú giải phóng quân khóc vì thương cháu bé ngây thơ bị lạc mẹ, hiểu nhầm, hiểu sai về các chú giải phóng quân. Lúc ấy, trông chú giải phóng quân rất đau khổ. Chú đau khổ vì chú nghĩ rằng: kẻ thù quá tàn ác. Nó không chỉ giết hại chúng ta bằng bom đạn mà còn giết hại chúng ta bằng những luận điệu xuyên tạc về tình cảm nhận thức, ngay cả thế hệ trẻ cũng bị đầu độc bởi những luận điệu xảo trá ấy.