HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
1- Những ví dụ về tình cảm thương yêu, đùm bọc lẫn nhau:
Dựa vào mẫu đã cho, em suy nghĩ và có thể nêu một số ví dụ có thực trong đời sống tình cảm của con người như sau:
- Giúp đỡ những người già cả, cô đơn.
- Giúp đỡ bạn bè bị tật nguyền đi học chuyên cần.
- Giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn...
2- Những bài văn minh họa:
BÀI LÀM 1
Nhà chị Hương chỉ cách nhà em một khu vườn hẹp. Hàng ngày, em thường sang chơi với chị và được chị cưng chiều lắm. Hôm thấy chị đến rủ em sang nhà bà Tư chơi, thấy việc làm của chị đối với bà Tư, em lại càng yêu thương và quý trọng chị hơn.
Bà Tư năm nay đã ngoài bảy mươi, sức khỏe yếu đi nhiều so với mấy năm trước. Chị Hương bảo: “Bà có năm người con đều hy sinh trong kháng chiến chống Mĩ. Vừa qua, bà được Chính phủ phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Bà không có cháu chắt gì cả, sống thui thủi một mình nên chị Hương thương bà lắm. Thường ngày, chị sang giúp bà quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo, đấm lưng, bóp chân... cho bà những lúc trở trời hơi gió. Không ruột rà máu mủ, không họ hàng thân thích, vậy mà chị yêu quý bà Tư như bà ruột của mình.
Hôm hai chị em đến, thấy nhà cửa im lìm, tưởng bà đi đâu đó. Đứng ngoài sân chị gọi hai, ba tiếng, không thấy bà trả lời. Chị bảo em: “Mình đẩy cửa vào đi!”. Vừa bước vào nhà, chị Hương đã la to: “Bà làm sao thế hở bà? Bà bị bệnh ư!”. Chị vội giở chiếc chăn bông lên, lay gọi bà. Mãi sau mới thấy bà mở mắt, trở mình nhìn chị Hương và em rồi thều thào nói trong hơi thở: “Hai cháu đến với bà đó à! Bà thấy mệt, chóng mặt từ tối hôm qua, sáng nay muốn dậy mà không dậy được”.
- Suốt mấy ngày này, bà chưa ăn gì, hở bà? Cháu tệ quá, không biết sang giúp bà!
Chị quay sang em, nói vội: “Em ngồi đây bóp chân bóp tay và xoa dầu cho bà, chị ra tìm mua cái gì cho bà ăn rồi chị vào ngay”.
Nhìn theo bóng chị vội vã khuất sau hàng rào dâm bụt, em cảm thấy lòng mình dâng lên một tình thương và một sự cảm phục. Đời chị cũng quá ư vất vả và bất hạnh. Mồ côi mẹ từ tấm bé, chị thiếu đi tình thương bao la của một người mẹ. Ba chị ở vậy nuôi chị cho đến bấy giờ. Phải chăng sống trong hoàn cảnh ấy chị mới thấm thía cảnh cô đơn, bóng chiếc của người đời mà chị đem tình thương của mình sưởi ấm cho bà Tư và cho bao nhiêu người khác cùng cảnh ngộ. Cả xóm em, ai cũng khen chị, quý chị. Giờ đây nghĩ lại những lời ca tụng của mọi người về đức hạnh của chị, em lại càng hiểu chị hơn. Đang miên man suy nghĩ thì đã thấy chị trên tay cầm tô cháo đang bốc hơi nghi ngút, nhanh nhẹn bước vào. Đặt tô cháo lên bàn, chị đến bên giường nhỏ nhẹ:
- Để cháu đỡ bà dậy, bà ăn chút cháo cho khỏe, bà nhé!
Nhìn chị đút từng muỗng cháo cho bà, em nhớ lại hình ảnh trước đây, mẹ em cũng chăm sóc ngoại em như chị Hương bây giờ. Chao ôi! Chị Hương thật là tuyệt! Chị là tấm gương, là biểu tượng đẹp về lòng nhân ái, về tình yêu thương và đức hạnh cho em và các bạn noi theo.
Trên đường trở về nhà cùng em, chị dặn: “Những lúc học bài xong, rỗi rãi, cưng ráng qua lại thăm bà, động viên bà nghe cưng. Tôi nghiệp bà lắm Trúc Ly ạ”. Vâng! Em sẽ làm như lời chị dặn.
BÀI LÀM 2
Chuyện xảy ra cách đây vừa mới hai tuần nên tôi nhớ rất kĩ.
Tan học, tôi và Loan đi về sau cùng. Chúng bạn đi xe về trước cả, chỉ mình tôi và Loan đi bộ. Trời nắng quá, hai đứa đi nép vào vệ đường để có bóng cây che cho mát. Đến ngã tư đầu làng, vừa mới bước sang bên kia đường, cả hai đứa đều nghe một tiếng rên nho nhỏ. Tôi bảo Loan dừng lại:
- Loan ơi, hình như tiếng người rên thì phải!
- Mình cũng nghe như thế.
Nhìn quanh, nhìn quất, không thấy một bóng người. Bỗng, tiếng rên lại cất lên. Cả hai đứa như đã định hướng tiếng rên phát lên từ hướng nào rồi. Chúng tôi bước đến gốc me tây nằm sâu trong vệ đường một chút.
- Ôi! Một bà già!
Loan phát hiện ra trước rồi kéo tay tôi cùng chạy đến. Bà cụ nằm gối đầu lên rễ me. Bộ quần áo màu nâu sẫm lấm bụi đường. Một chiếc gậy tre trơn bóng nằm cạnh chân bà. Mái tóc bà đã bạc trắng. Khuôn mặt nhăn nheo, xanh nhạt. Tôi sờ lên trán bà, thấy lạnh toát. Tôi sợ quá, vội vứt cặp xuống bên, hai tay cứ lóng nga lóng ngóng không biết làm gì.
- Làm thế nào bây giờ, Loan!
Loan cũng vội vứt cặp xuống bên cạnh, run run, nói:
- Bạn có mang dầu đi theo không?
Lúc này, tôi mới sực nhớ ra:
- Có! Có! Để mình lấy.
Tôi vội với chiếc cặp, nhanh nhẹn kéo dây khóa, thò vào ngăn trong lấy ra một lọ dầu gió Kim mà mẹ tôi vừa mới mua cho tôi tuần trước. Loan lấy dầu từ tay tôi, đổ vào hai bàn chân và sống lưng của bà, xát mạnh. Dường như lúc này, chúng tôi không còn biết sợ là gì nữa, bình tĩnh xoa bóp cho bà. Ước chừng độ mười lăm, hai mươi phút gì đó, chúng tôi cũng không biết. Thấy người bà ấm lại không còn lạnh như trước nữa. Hơi thở đã bắt đầu đều đều. Bà mở mắt nhìn chúng tôi, rồi thì thào nói trong hơi thở:
- Cho bà chút nướ...c! Tôi nói với Loan:
- Cậu ngồi đây với bà, mình chạy đi mua nước nhé!
- Bạn đã có tiền chưa?
- Có rồi. Khi sáng, mẹ mình cho hai ngàn tiền ăn sáng và tiền đi học. Mình không ăn gì cả, vẫn còn đây.
Tôi vừa chạy vừa ngoái đầu lại nói với Loan như thế. Tôi phải chạy lui lại gần một trăm mét ở quán cô Phượng mua một túi nước chanh có ống hút kèm theo rồi tất tả chạy ngược trở lại. Loan cầm túi nước nâng lên cho bà uống từ từ. Uống được nửa túi, bà ra hiệu cho bà nằm xuống nghỉ một tí, Loan ngồi xuống bên cho bà tựa. Một lúc sau bà lại uống tiếp hết túi nước. Bà nhìn hai đứa chúng tôi, nước mắt bà tuôn ra:
- Không có hai cháu, chắc bà nguy mất.
- Bà đi đâu mà nằm ở đây, hở bà?
- Bà ở làng bên kia kìa. Bà đi thăm đứa cháu gái của bà ở xóm Đông. Đi đến đây, bà thấy nắng quá, dừng lại nghỉ tạm ở gốc me này. Không ngờ ngồi được một chút thì thấy xây xẩm mặt mày, chẳng có ai mà kêu cả. Rồi bà thiếp đi lúc nào không biết.
- Bây giờ, bà đã thấy đỡ chưa, hở bà?
- Đỡ rồi, nhưng vẫn còn thấy mệt.
Ngồi với bà một lúc, hai đứa chúng tôi bàn với nhau: một trong hai đứa ra đường đón xe đưa bà vào bệnh viện rồi nhắn với người nhà của bà lên. Tôi lại chạy ra đường đón xe. Từ xa một chiếc Honda vù đến. Bác này có lẽ bằng tuổi bố tôi. Thấy tôi giơ tay, bác dừng lại, hỏi:
- Cháu đi về đâu?
- Thưa bác, cháu không đi ạ. Nhưng có một bà cụ bị bệnh. Chúng cháu đi học về thấy bà ngất xỉu ở đây. Chúng cháu giúp bà tỉnh lại rồi. Cháu muốn nhờ bác đưa hộ bà vào bệnh viện.
- Bây giờ bà nằm đâu hở cháu?
- Ở gốc me kia, đấy bác! Bạn cháu cũng đang ở với bà trong ấy.
Bác xuống xe cùng tôi đến gốc me. Thấy bà cụ đang nằm tựa vào Loan có vẻ mệt mỏi. Bác chạy đến, nói:
- Một cháu đứng chờ ở đây, còn một cháu theo bác đưa bà cụ vào bệnh viện. Lát nữa bác sẽ đưa trở lại.
Bác bế gọn bà trên tay rồi cùng Loan lên xe vào bệnh viện. Mười lăm phút sau, bác đưa Loan trở lại. Khi chia tay với chúng tôi, bác nói:
- Hai cháu quả thật là ngoan. Bác rất cảm phục hành động của hai cháu. Bây giờ hai cháu yên tâm mà về. Bác đến xóm Đông báo cho cô cháu gái của bà cụ đến bệnh viện ngay đây.
Bác ấy lên xe, quay lại mỉm cười cùng chúng tôi rồi tăng ga cho xe vọt về phía trước.