Câu 1. Vì sao cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai so bì với lão Miệng?

Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai so bì với lão Miệng vì cho rằng họ phải làm việc mệt nhọc quanh năm, còn lão Miệng chẳng làm gì cả, chỉ ngồi ăn không.

- Nếu chỉ quan sát bề ngoài thì thấy: Mắt phải nhìn, Tai phải nghe, Chân phải đi, Tay phải làm để phục vụ cho Miệng. Riêng Miệng không làm gì thì lại được hưởng thụ tất cả. Bốn nhân vật trên so bì, ganh tị với Miệng vì chưa nhận ra được bản chất của sự việc là nhờ Miệng nhai nuốt thức ăn mà toàn bộ cơ thể được nuôi dưỡng khoẻ mạnh.

Câu 2. Truyện mượn các bộ phận của cơ thể người để nói chuyện con người. Có thể ví cơ thể người như một tổ chức, một cộng đồng, vv... mà Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng là những cá nhân trong tổ chức, cộng đồng đó. Từ mối quan hệ này, truyện nhằm khuyên nhủ, răn dạy con người điều gì?

Từ mối quan hệ gắn bó giữa các nhân vật, truyện ngụ ngôn này đã khéo léo đặt ra bài học cho con người:

- Trong cuộc sống, một cá nhân không thể tồn tại nếu tách khỏi cộng đồng. Mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng là hết sức quan trọng và cần thiết.

- Truyện tuy ngắn gọn nhưng là lời khuyên khôn ngoan và thiết thực về quan niệm sống: Mình vì mọi người, mọi người vì mình; bởi suy nghĩ, hành động, cách ứng xử của cá nhân không chỉ tác động đến bản thân mà còn ảnh hưởng chung đến cả tập thể.

- Qua truyện ngụ ngôn này, ông cha ta đã khẳng định: Trong xã hội, mỗi người có một năng lực, một trình độ khác nhau, vì thế không nên suy bì, tị nạnh một cách nông nổi, thiếu suy nghĩ dẫn đến hậu quả xấu, ảnh hưởng đến lợi ích chung.