Câu 1. Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh có gì khác thường? Kể về sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh như vậy, theo em, nhân dân muốn thể hiện điều gì?

a. - Yếu tố bình thường: Thạch Sanh là con một gia đình nông dân tốt bụng, sống nghèo khổ bằng nghề kiếm củi.

- Yếu tố khác thường: Thạch Sanh chính là Thái tử được Ngọc Hoàng sai xuống trần đầu thai. Bà mẹ mang thai nhiều năm mới sinh ra Thạch Sanh. Lớn lên, chàng được các vị thần dạy võ nghệ và mọi phép thần thông.

b. Những chi tiết về sự ra đời và lớn lên khác thường của Thạch Sanh có ý nghĩa tô đậm tính chất kì lạ, đẹp đẽ cho nhân vật lí tưởng, làm tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Người xưa quan niệm rằng: nhân vật ra đời và lớn lên kì lạ như vậy tất sẽ có khả năng, phẩm chất phi thường và sẽ lập được nhiều chiến công lừng lẫy. Những con người bình thường cũng là những con người có khả năng, phẩm chất kì lạ, khác thường.

Câu 2. Trước khi được kết hôn với công chúa, Thạch Sanh đã phải trải qua những thử thách như thế nào? Thạch Sanh bộc lộ phẩm chất gì qua những lần thử thách ấy?

a. Những thử thách Thạch Sanh đã phải trải qua:

- Bị mẹ con Lí Thông lừa đi canh miếu thờ để thế mạng, Thạch Sanh đã diệt được chằn tinh.

- Thạch Sanh xuống hang diệt đại bàng, cứu công chúa, bị Lí Thông lấp cửa hang và cướp công.

- Hồn chằn tinh kết hợp với đại bàng báo thù, Thạch Sanh bị bắt hạ ngục.

Trong cổ tích, những khó khăn, trắc trở do các lực lượng đối kháng gây ra cho nhân vật cứ tăng dần và thử thách sau bao giờ cũng gay go hơn thử thách trước. Nhưng Thạch Sanh đã vượt qua tất cả nhờ tài năng kiệt xuất, phẩm chất tốt đẹp và được sự giúp đỡ của các phương tiện thần kì.

b. Qua những lần thử thách, Thạch Sanh đã bộc lộ rõ phẩm chất quý báu sau đây:

- Bản tính thật thà, chất phác, thương người, trọng nghĩa...

- Tinh thần dũng cảm và tài năng phi thường (diệt chằn tinh, diệt đại bàng và có nhiều phép lạ).

Những phẩm chất trên của Thạch Sanh cũng là phẩm chất tiêu biểu của nhân dân ta. Vì thế, cổ tích Thạch Sanh được nhiều người yêu thích.

Câu 3. Trong truyện, hai nhân vật Thạch Sanh và Lí Thông luôn đối lập nhau về tính cách và hành động. Hãy chỉ ra sự đối lập này.

Đặc điểm trong nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật của truyện cổ là nhân vật chính diện và nhân vật phản diện luôn đối lập nhau về mặt tính cách và hành động. Sự đối lập giữa Thạch Sanh và Lí Thông là sự đối lập giữa thật thà và xảo trá, vị tha và ích kỉ, thiện và ác.

Câu 4. Truyện Thạch Sanh có nhiều chi tiết thần kì, trong đó đặc sắc nhất là chi tiết tiếng đàn và niêu cơm đãi quân sĩ mười tám nước chư hầu. Em hãy nêu ý nghĩa của những chi tiết đó.

a. Ý nghĩa tiếng đàn của Thạch Sanh:

- Tiếng đàn giúp nhân vật được giải oan: Sau khi bị Lí Thông lừa gạt, cướp công, Thạch Sanh bị bắt giam vào ngục tối. Nhờ có tiếng đàn thần của Thạch Sanh mà công chúa khỏi câm, nhận ra người cứu mình và đã giải oan cho Thạch Sanh. Do đó mà Lí Thông cũng bị vạch mặt. Tiếng đàn thần vì thế đồng nghĩa với công lí. Tác giả dân gian đã sử dụng chi tiết này để thể hiện quan niệm và ước mơ công lí của người xưa.

- Tiếng đàn thần của Thạch Sanh làm cho quân sĩ mười tám nước chư hầu nao núng, mất hết ý chí, phải buông vũ khí xin hàng. Tiếng đàn thần tượng trưng cho cái thiện và tinh thần yêu chuộng hoà bình của nhân dân ta, là “vũ khí” đặc biệt để cảm hoá kẻ thù.

b. Ý nghĩa của niêu cơm thần kì:

- Niều cơm thần kì của Thạch Sanh cứ ăn hết lại đầy làm cho quân lính mười tám nước chư hầu lúc đầu coi thường, chế giễu nhưng sau đó phải ngạc nhiên, khâm phục.

- Niêu cơm thần kì với lời thách đố của Thạch Sanh và sự thua cuộc của quân sĩ mười tám nước chư hầu càng khẳng định tài năng phi thường của Thạch Sanh.

- Niêu cơm thần kì tượng trưng cho tinh thần nhân đạo, tư tưởng yêu hoà bình của nhân dân ta.

Câu 5. Trong phần kết thúc truyện, mẹ con Lí Thông phải chết, còn Thạch Sanh thì được kết hôn cùng công chúa và lên ngôi vua. Qua cách kết thúc này, nhân dân ta muốn thể hiện điều gì? Kết thúc ấy có phổ biến trong truyện cổ tích không? Hãy nêu một số ví dụ.

Ở phần kết thúc truyện, Thạch Sanh được kết hôn cùng công chúa và lên ngôi vua. Đây là phần thưởng lớn lao, xứng đáng với những khó khăn, thử thách mà nhân vật đã phải trải qua cùng với phẩm chất, tài năng của nhân vật. Trong xã hội cũ, những thứ mà người lao động không bao giờ có cuối cùng đều được trao cho nhân vật.

Mẹ con Lí Thông tuy được Thạch Sanh tha tội chết nhưng lại bị lưỡi tầm sét của Thiên Lôi đánh chết. Đây cũng là công lí của nhân dân trừng trị kẻ ác. Mẹ con Lí Thông còn bị hoá thành bọ hung đời đời sống trong dơ bẩn. Đấy là sự trừng phạt tương xứng với thủ đoạn và tội ác mà mẹ con Lí Thông đã gây ra.

Cách kết thúc có hậu ấy thể hiện công lí xã hội: Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác và ước mơ của nhân dân về một sự đổi đời. Đây là cách kết thúc phổ biến trong truyện cổ tích, có thể thấy ở nhiều truyện khác như Sọ Dừa, Tấm Cám, Cây bút thần, vv...