I. DÀN Ý
1. Mở bài:
* Giới thiệu chung:
- Truyện xảy ra vào đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng, tỉnh Bắc Ninh (cũ), nay thuộc ngoại thành Hà Nội.
- Cậu bé làng Gióng có công đánh đuổi giặc Ân, được nhân dân suy tôn là Thánh Gióng.
2. Thân bài:
* Diễn biến của truyện:
- Hai vợ chồng già không có con.
- Một hôm bà vợ ra đồng, thấy vết chân lạ rất to, liền đặt bàn chân vào ướm thử.
- Bà thụ thai, sinh ra một đứa con trai.
- Lên ba tuổi, đứa bé không biết đi, không biết nói.
- Giặc Ân xâm phạm bờ cõi nước ta.
- Vua sai sứ giả tìm người tài giỏi cứu nước.
- Cậu bé chợt cất tiếng nói, bảo mẹ gọi sứ giả vào, nhờ sứ giả tâu với vua cấp cho mình giáp sắt, roi sắt, ngựa sắt để đi đánh giặc.
- Cậu bé lớn nhanh như thổi. Cả làng góp gạo nuôi cậu.
- Sứ giả mang các thứ đến. Cậu bé vươn vai thành tráng sĩ, cưỡi ngựa sắt xông lên đánh đuổi quân thù. Roi sắt gãy, cậu nhổ tre đánh tiếp.
- Đuổi giặc đến chân núi Sóc, tráng sĩ cởi giáp sắt bỏ lại, cưỡi ngựa bay lên trời.
3. Kết bài:
* Kết thúc truyện:
- Vua ghi nhớ công lao cứu nước của Gióng, phong cho là Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ.
- Tháng tư hằng năm, làng mở hội lớn.
- Tre ở làng Gióng có màu vàng óng là vì ngựa sắt phun lửa.
- Ao hồ liên tiếp là do vết chân ngựa phi để lại.
- Một làng có tên là làng Cháy do lửa từ miệng ngựa phun ra.
II. BÀI LÀM
Chuyện xưa kể rằng, vào đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn và nổi tiếng là nhân hậu, phúc đức, nhưng họ buồn vì tuổi đã cao mà chưa có được mụn con nối dõi tông đường.
Một hôm, bà vợ ra đồng, bỗng nhìn thấy một vết chân to lạ thường. Tò mò, bà đặt chân mình vào ướm thử. Không ngờ bà thụ thai và sau mười hai tháng sinh hạ được một cậu con trai bụ bẫm, khôi ngô. Hai vợ chồng mừng lắm, thầm cảm ơn Trời Phật đã ban phúc cho gia đình họ. Nhưng khổ thay! Đứa bé đã lên ba mà vẫn không biết đi, không biết nói, không biết cười, cứ đặt đâu nằm đấy.
Lúc bấy giờ, giặc Ân lăm le xâm chiếm nước ta. Thế giặc rất mạnh. Nhà vua lo sợ bèn sai sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước. Nghe tiếng rao của sứ giả, cậu bé đang nằm ngửa trên chiếc chõng tre chợt cất tiếng nói: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây !”. Bà mẹ ngạc nhiên và vui mừng khôn xiết. Sứ giả vào, cậu bé bảo: “Ông về tâu với vua cấp cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”.
Sứ giả vô cùng kinh ngạc và mừng rỡ vội về tâu vua. Nhà vua ra lệnh triệu tập những thợ rèn giỏi trong cả nước, ngày đêm làm gấp những thứ chú bé dặn.
Điều kì lạ nữa là sau khi gặp sứ giả, cậu bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không đủ no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ. Cha mẹ cậu làm lụng quần quật vẫn không kiếm đủ gạo để nuôi con. Thấy vậy, dân làng vui lòng xúm vào góp gạo nuôi cậu bé. Ai cũng mong cậu giết giặc, cứu nước.
Giặc Ân đã tràn đến núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người lo lắng. Vừa lúc đó sứ giả mang giáp sắt, roi sắt và ngựa sắt tới. Cậu bé bỗng vùng dậy, vươn vai một cái biến thành tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ mặc giáp sắt, tay cầm roi sắt, cưỡi lên mình ngựa sắt. Chàng thúc vào mông ngựa, ngựa sắt hí vang, phun lửa và phi nhanh ra chiến trường. Với chiếc roi sắt trong tay, tráng sĩ vung lên, quật tơi bời vào quân giặc. Bỗng roi sắt gãy, tráng sĩ nhổ cụm tre bên đường đánh tiếp. Giặc hoảng loạn giẫm đạp lên nhau mà chạy, chết như ngả rạ.
Đuổi giặc đến chân núi Sóc, tráng sĩ phi ngựa lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời. Giặc tan, muôn dân được sống yên bình. Nhà vua ghi nhớ công lao của tráng sĩ, phong cho tước hiệu Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ.
Từ bấy đến nay, hằng năm cứ đến tháng tư là làng mở hội Gióng. Dân chúng khắp nơi nô nức kéo đến dự hội và tưởng niệm, tri ơn người anh hùng cứu nước. Dấu ấn trận đánh ác liệt năm xưa còn để lại trong màu vàng óng của những bụi tre đằng ngà, tục truyền là bị cháy do ngựa sắt phun lửa. Những dãy hồ ao liên tiếp chính là vết chân ngựa chiến thuở nào và tương truyền rằng, khi ngựa thét ra lửa đã thiêu rụi cả một làng, đó là làng Cháy.