Câu 1. Vua Hùng chọn người nối ngôi trong hoàn cảnh nào, với ý định ra sao và bằng hình thức gì?
- Hoàn cảnh: Lúc này, giặc ngoài đã dẹp yên, vua Hùng tập trung chăm lo cho đời sống dân chúng được no ấm. Nhà vua đã già, muốn truyền ngôi cho con.
- Ý nguyện của vua: Người nối ngôi phải nối được chí của vua cha, không nhất thiết phải là con trưởng.
- Hình thức: Yêu cầu của vua thực chất là một câu đố đặc biệt để thử tài (nhân lễ Tiên Vương, ai làm cỗ vừa ý vua sẽ được truyền ngôi.
Đây là cuộc thi chí chứ không phải thi tài (chí của mỗi người con biểu hiện qua việc làm cỗ vừa ngon, vừa có ý nghĩa và đẹp lòng vua cha). Vua Hùng cho rằng: Người nối ngôi ta phải nối được chí ta, không nhất thiết phải là con trưởng. Đó là một quan niệm đúng đắn, tiến bộ (coi trọng cái chí của người đứng đầu một đất nước).
Câu 2. Vì sao trong các con vua, chỉ có Lang Liêu được Thần giúp đỡ?
Lang Liêu được thần giúp đỡ (báo mộng) vì so với các anh em khác, chàng là người thiệt thòi nhất bởi tuy là con vua nhưng cuộc sống của chàng rất gần gũi với dân thường.
- Chàng là người duy nhất hiểu được ý thần và thực hiện ý thần: Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên Vương. Thần ở đây chính là nhân dân. Không ai có thể suy nghĩ về lúa gạo sâu sắc và trân trọng hạt gạo tinh hoa của trời đất, kết quả mồ hôi, công sức của con người như nhân dân.
- Lang Liêu chỉ có tấm lòng chân thành yêu kính vua cha và đôi tay làm lụng chuyên cần, vì thế chàng xứng đáng được thần giúp đỡ.
Câu 3. Vì sao hai thứ bánh của Lang Liêu được vua cha chọn để tế Trời Đất, Tiên Vương và Lang Liêu được chọn nối ngôi vua?
* Hai thứ bánh của Lang Liêu được nhà vua chọn vì:
- Hai thứ bánh đó có ý nghĩa rất thực tế: là sản phẩm do chính con người làm ra và thể hiện thái độ quý trọng nghề nông, quý trọng hạt gạo nuôi sống con người.
- Hai thứ bánh đó chứa đựng ý tưởng sâu xa: tượng trưng cho Trời Đất và muôn loài.
* Lang Liêu được chọn nối ngôi vua vì:
- Hai thứ bánh của Lang Liêu hợp ý vua cha. Điều đó chứng tỏ chàng đúng là người con tài năng, thông minh, hiếu thảo.
- Bánh chưng, bánh giầy là kết tinh của ý thần, lòng người và chí vua, đồng thời cũng là sáng tạo của người anh hùng văn hoá.
Câu 4. Hãy nêu ý nghĩa của truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy.
- Truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy giải thích về nguồn gốc của sự vật và phản ánh hiện thực cuộc sống của tổ tiên dân tộc Việt - một dân tộc có nền văn minh lúa nước lâu đời. Thuở ấy, dân ta đã có kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến các món ăn đặc biệt vừa ngon lành vừa giàu ý nghĩa.
Nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy gắn liền với ý nghĩa sâu sắc của hai loại bánh đó. Trong hai thứ bánh có cả vũ trụ, đất trời, cầm thú, cỏ cây, lại có cả tình người đùm bọc lẫn nhau.
- Truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy còn đề cao lao động, đề cao nghề nông. Bánh chưng, bánh giầy càng có ý nghĩa bao nhiêu thì càng nói lên tài năng, phẩm chất tốt đẹp của Lang Liêu bấy nhiêu.
- Truyện còn là bài học sâu sắc về cách lựa chọn người có đức có tài để trị vì đất nước, chăm sóc muôn dân.
Câu 5. Ý nghĩa của phong tục ngày Tết nhân dân ta làm bánh chưng, bánh giầy.
- Ý nghĩa của phong tục ngày Tết nhân dân ta làm bánh chưng, bánh giầy là đề cao nghề nông, đề cao sự tôn thờ Trời Đất và tổ tiên. Ông cha ta đã xây dựng phong tục tập quán của dân tộc từ những điều giản dị nhưng thiêng liêng và giàu ý nghĩa.
- Quang cảnh ngày Tết nhân dân ta làm hai loại bánh này còn có ý nghĩa giữ gìn truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc và làm sống lại câu chuyện Bánh chưng, bánh giầy trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam.
Câu 6. Đọc truyện này, em thích nhất chi tiết nào? Vì sao?
Tuỳ theo ý thích của từng em, tuy nhiên phải giải thích hợp tình hợp lí. Ví dụ:
- Chi tiết Lang Liêu nằm mộng thấy thần khuyên rằng: Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo... Đây là chi tiết kì ảo làm tăng sức hấp dẫn cho truyện. Trong các con của vua Hùng, chỉ có Lang Liêu mới được thần giúp đỡ vì chàng là người lao động. Chi tiết này còn nêu bật giá trị của hạt gạo ở một đất nước mà cư dân sống bằng nghề nông; đồng thời nó cũng thể hiện thái độ trân trọng sản phẩm do con người làm ra.
- Chi tiết lời nói của vua Hùng về hai loại bánh:
Bánh hình tròn là tượng Trời ta đặt tên là bánh giầy. Bánh hình vuông là tượng Đất, các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài, ta đặt tên là bánh chưng. Lá bọc ngoài, mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau. Lang Liêu đã dâng lễ vật hợp với ý ta. Lang Liêu sẽ nối ngôi ta, xin Tiên Vương chứng giám.
Nhận xét của vua Hùng về bánh chưng, bánh giầy cũng chính là ý nghĩa, tư tưởng, tình cảm của nhân dân ta về hai loại bánh này nói riêng và về phong tục làm hai loại bánh này vào ngày Tết nói chung.