Câu 1. Truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh gồm mấy đoạn? Mỗi đoạn thể hiện nội dung gì? Truyện được gắn với thời đại nào trong lịch sử Việt Nam?
a. Có thể chia truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh thành ba đoạn với nội dung như sau:
- Đoạn 1: Từ đầu đến ... mỗi thứ một đôi: Hùng Vương thứ mười tám kén rể.
- Đoạn 2: Tiếp theo đến ... Thần Nước đành rút quân; Sơn Tinh, Thuỷ Tinh cùng đến cầu hôn. Cuộc giao tranh ác liệt giữa hai vị thần và chiến thắng của Sơn Tinh.
- Đoạn 3: Phần còn lại: Sự trả thù dai dẳng của Thuỷ Tinh và hậu quả của nó là gây ra nạn lụt hằng năm.
b. Truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh được gắn với thời Hùng Vương thứ mười tám. Đây là thời gian chỉ có tính chất ước lệ, chung chung.
Truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đã gắn công cuộc trị thuỷ với thời đại mở nước, dựng nước của người Việt cổ. Do đó ý nghĩa của truyện không chỉ dừng lại ở việc giải thích các hiện tượng tự nhiên và phản ánh ước mơ chinh phục thiên nhiên mà còn hướng tới việc ca ngợi công lao dựng nước của tổ tiên ta.
Câu 2. Trong truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, nhân vật chính là ai? Các nhân vật chính được miêu tả bằng những chi tiết nghệ thuật tưởng tượng, kì ảo như thế nào? Ý nghĩa tượng trưng của các nhân vật đó?
a. Nhân vật chính trong truyện là Sơn Tinh và Thuỷ Tinh.
b. Những chi tiết nghệ thuật tưởng tượng kì ảo về Sơn Tinh, Thuỷ Tinh và về cuộc giao tranh giữa hai vị thần này:
- Cả hai vị thần đều có tài cao, phép lạ. Sơn Tinh vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi. Thuỷ Tinh gọi gió, gió đến; hô mưa, mưa về.
- Những chi tiết nghệ thuật kì ảo, phi thường về Sơn Tinh, Thuỷ Tinh và khí thế hào hùng của cuộc giao tranh giữa hai vị thần thể hiện trí tưởng tượng bay bổng, phong phú của người xưa.
- Sơn Tinh và Thuỷ Tinh là những hình tượng nhân vật tưởng tượng, hoang đường nhưng lại có ý nghĩa hiện thực vì đã khái quát được hiện tượng lũ lụt và phản ánh sức mạnh cùng ước mơ chế ngự thiên tai của người Việt cổ và công lao to lớn của các vua Hùng thời dựng nước.
c. Ý nghĩa tượng trưng của các nhân vật:
- Thuỷ Tinh là hiện tượng mưa to và bão lụt tái diễn hằng năm được hình tượng hoá trở thành kẻ thù hung dữ, truyền kiếp của Sơn Tinh.
- Sơn Tinh là hình tượng tiêu biểu cho cư dân nước Việt cổ đã biết đắp đê chống lũ lụt, đồng thời thể hiện ước mơ chiến thắng thiên tai.
Câu 3. Hãy nêu ý nghĩa của truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh.
- Tất cả những nhân vật thần kì, các chi tiết kì ảo đều nhằm giải thích hiện tượng lũ lụt và việc chống lũ lụt hằng năm của nhân dân ta ở đồng bằng Bắc Bộ.
- Người xưa để cho Sơn Tinh thắng Thuỷ Tinh là gửi gắm vào đó ước mơ có được sức mạnh thần kì để chế ngự nạn lũ lụt - một tai hoạ lớn của con người.
- Truyện đã xây dựng được những hình tượng nghệ thuật kì ảo mang tính tượng trưng và khái quát cao.