Câu 1. Nội dung tấm biển treo ở cửa hàng “Ở đây có bán cá tươi” có mấy yếu tố? Vai trò của từng yếu tố?
Tấm biển treo ở cửa hàng “Ở đây có bán cá tươi” có bốn yếu tố, thông báo bốn nội dung:
- Ở đây: thông báo địa điểm cửa hàng.
- có bán: thông báo hoạt động của cửa hàng.
- cá: thông báo loại mặt hàng.
- tươi : thông báo chất lượng hàng. Bốn yếu tố, bốn nội dung đó là cần thiết cho một tấm biển quảng cáo.
Câu 2. Có mấy người “góp ý” về cái biển đề ở cửa hàng bán cá? Em có nhận xét gì về từng ý kiến?
Có bốn người góp ý về tấm biển. Mỗi người bảo ông chủ bỏ bớt một yếu tố trong dòng chữ đề trên biển. Vậy thì tấm biển treo lên là thừa, là vô ích, chủ nhà bèn cất luôn tấm biển.
Thoạt nghe, ta lầm tưởng ý kiến của mọi người đều đúng nhưng nghĩ kĩ thì hoá ra không phải. Bởi vì, người góp ý không hiểu được vai trò của từ mà họ cho là thừa và mối quan hệ giữa các từ với nhau. Mỗi người đều lấy việc trực tiếp được nhìn, ngửi, xem xét mặt hàng thay cho thông báo gián tiếp vốn là chức năng, đặc điểm của ngôn ngữ. Vì vậy, họ chỉ quan tâm đến một hoặc hai từ cho là quan trọng, chứ không thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của các từ ngữ khác trong câu.
Câu 3. Đọc truyện này, những chi tiết nào làm em cười? Khi nào cái đáng cười bộc lộ rõ nhất? Vì sao?
Đọc truyện này, ta thấy cứ mỗi lần có người góp ý là ông chủ cửa hàng không cần suy nghĩ, vội làm theo ngay. Ta cười vì thái độ tiếp thu thụ động, không suy xét cẩn thận của ông ta. Ta cười vì ông ta không hiểu mục đích treo biển để làm gì và những điều viết trên biển có ý nghĩa gì.
Kết thúc truyện cũng là lúc tiếng cười vang lên bởi vì ý kiến của từng người mới nghe qua tưởng là có lí nhưng ông chủ làm theo thì kết quả lại thành phi lí. Ta bật cười vì trên đời này có lẽ không có ông chủ nào lại nghe góp ý theo kiểu “đẽo cày giữa đường” như thế.
Câu 4. Hãy nêu ý nghĩa của truyện?
Trong cuộc sống, chúng ta nên lắng nghe nhưng không nên vội vàng làm theo ý người khác khi chưa suy xét kĩ. Trước khi làm, ta nên đặt ra câu hỏi: Làm việc ấy để làm gì? Làm như thế nào? Qua truyện này, chúng ta cũng rút ra bài học về cách sử dụng từ ngữ. Từ dùng phải có nghĩa, chứa đựng thông tin cần thiết, không nên dùng thừa từ hoặc thiếu từ.