Câu 1.Tóm tắt năm sự việc đã diễn ra giữa mẹ con thầy Mạnh Tử (thuở nhỏ):
1. Con: Nhà gần nghĩa địa: Bắt chước người ta đào, chôn, lăn, khóc
Mẹ: Không phải chỗ con ta ở được. → Dọn nhà ra gần chợ.
2. Con: Nhà gần chợ: Bắt chước thói bán buôn điên đảo.
Mẹ: Cũng không phải chỗ con ta ở được. → Dọn nhà đến ở cạnh trường học.
3. Con: Nhà gần trường học: Học lễ phép, chăm chỉ.
Mẹ: Bà mẹ mới vui lòng nói: Chỗ này là chỗ con ta ở được lâu dài.
4. Con: Thấy nhà hàng xóm giết lợn, hỏi mẹ: Người ta giết lợn làm gì thế?
Mẹ: Nói đùa: Để cho con ăn đấy. Biết lỡ lời, bà đi mua thịt lợn cho con ăn.
5. Con: Đang đi học, bỏ về nhà chơi → sau khi thấy mẹ cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt thì học tập rất chuyên cần.
Mẹ: Cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung để ngầm ví với việc con bỏ dở việc học hành.
Câu 2. Ý nghĩa của việc dạy con trong ba sự việc đầu là gì? Trong hai sự việc sau là gì? Ở hai sự việc sau, về ý nghĩa có gì khác so với ba sự việc đầu? Hãy nêu lên tác dụng cách dạy con của bà mẹ thầy Mạnh Tử.
a. Ý nghĩa của việc dạy con trong ba sự việc đầu là:
- Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành tính cách của con người.
* Ý nghĩa của việc dạy con trong hai sự việc sau là:
- Đề cao chữ tín trong cuộc sống.
- Tác dụng của hành động và lời nói của người lớn đối với con trẻ.
b. Tác dụng cách dạy con của bà mẹ thầy Mạnh Tử:
* Vấn đề mà bà mẹ thầy Mạnh Tử quan tâm trước hết trong việc dạy con là môi trường sống.
- Phải tạo ra một môi trường sống trong sạch thì đứa con mới có điều kiện tiếp thu những mặt tích cực, lành mạnh, từ đó phát triển tính cách theo chiều hướng tốt.
* Ở sự việc thứ tư, khi biết mình lỡ lời, bà mẹ đã kịp thời chữa lại ngay. Không phải bà đính chính lại câu nói đùa mà bà đi chợ mua thịt lợn về cho con ăn.
- Cách dạy của bà mẹ thật khéo léo và tế nhị, giữ cho tâm hồn con trẻ trong sáng, hồn nhiên. Hơn thế, bà dạy con phải biết quý trọng chữ tín vì nếu mất chữ tín thì không ai tin mình cả và mình sẽ không thể làm tốt mọi việc.
* Bên cạnh cách dạy dỗ khéo léo là thái độ kiên quyết. Phải nói rằng thái độ này của bà đã gây ấn tượng mạnh và có tác dụng tích cực đối với thầy Mạnh Tử.
- Hành động, lời nói của bà mẹ xuất phát từ tình thương con, muốn con nên người.
- Sự nghiêm khắc của bà mẹ có tác dụng rất lớn trong việc hướng con trai mình vào việc học tập chuyên cần để về sau trở nên bậc đại hiền.
* Câu kết của truyện: Thế chẳng là nhờ có cái công giáo dục quý báu của bà mẹ hay sao? vừa là lời kể, vừa là lời bình của tác giả. Mạnh Tử trở thành người tài giỏi trước hết là nhờ công lao giáo dục và tình thương yêu của mẹ. Hành động kiên quyết (cắt đứt tấm vải đang dệt) và lời nói nghiêm khắc của bà mẹ đã để lại ấn tượng sâu sắc, thành bài học nhớ đời cho thầy Mạnh Tử. Thấm thía lời mẹ dạy, từ hôm đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần.
Câu 3. Em hình dung bà mẹ thầy Mạnh Tử là người như thế nào?
Bà mẹ thầy Mạnh Tử là tấm gương sáng về tình thương và cách dạy con.
- Dạy con trước hết phải chọn môi trường sống tốt cho con.
- Dạy con trước hết phải dạy đạo đức làm người.
- Dạy đạo đức chưa đủ, còn phải dạy con lòng say mê học tập và ý chí phấn đấu trong cuộc sống.
- Đối với con, không nên nuông chiều mà phải nghiêm khắc. Thái độ nghiêm khắc phải dựa trên tình yêu thương và mong muốn thiết tha con mình trở thành người có tài có đức.
Câu 4. Hãy đọc lại chú thích dấu sao (*) ở bài Con hổ có nghĩa, đoạn nói về cách viết truyện trung đại, từ đó nêu nhận xét về cách viết truyện Mẹ hiền dạy con.
Truyện Mẹ hiền dạy con nổi tiếng từ xưa ở Trung Quốc cũng như ở nước ta. Tuy ra đời sớm hơn truyện trung đại Việt Nam nhưng cũng tạm xếp vào cụm bài gọi là truyện trung đại, vì cách viết giống nhau, như cách viết kí, viết sử ở thời trung đại.
Truyện viết theo thể loại văn xuôi (chữ Hán), dùng biện pháp hư cấu (tưởng tượng nghệ thuật) kết hợp với cách viết kí (ghi chép sự việc) và viết sử (ghi chép chuyện thật). Cốt truyện đơn giản. Nhân vật thường được miêu tả chủ yếu qua ngôn ngữ trực tiếp của người kể truyện, qua hành động và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật.
Câu 5. Hãy phát biểu cảm nghĩ của em về sự việc: Bà mẹ thầy Mạnh Tử đang ngồi dệt vải, thấy con bỏ học về nhà chơi liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung.
* Tham khảo ý kiến dưới đây:
Bà mẹ thầy Mạnh Tử đang ngồi dệt vải, thấy con bỏ học về nhà chơi liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung. Đây là hành động đã gây ấn tượng mạnh và có tác dụng tích cực đối với thầy Mạnh Tử, bày tỏ thái độ phê phán quyết liệt: Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy. Tác hại của việc bỏ học của con được bà mẹ chứng minh một cách cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thấm. Bà mẹ phải đau đớn lắm mới nói như thế và cũng kiên quyết lắm mới cắt đứt tấm vải như thế. Tất cả đã thành ấn tượng không bao giờ quên, thành bài học nhớ đời cho thầy Mạnh Tử và từ hôm đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần để sau này trở thành một bậc đại hiền.
Người mẹ nào mà không thương con, nhưng không được nuông chiều thói hư tật xấu của con và phải biết dạy con bằng nhiều phương pháp linh hoạt: khi khéo léo, khi kiên quyết... Đây là bài học quý báu cho các bà mẹ.
Câu 6. Từ chuyện mẹ con thầy Mạnh Tử xưa, em có suy nghĩ gì về đạo làm con của mình?
* Tham khảo ý kiến dưới đây:
Đạo làm con là đạo đức, là trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ. Các con phải biết vâng lời cha mẹ để cha mẹ vui lòng. Bổn phận làm con là phải một lòng nâng niu, kính mến, chăm sóc cha mẹ. Thực hiện đạo hiếu với cha mẹ phải bằng tình cảm chân thành, trọn vẹn và phải được thể hiện qua thái độ, lời nói và hành động.
Kính yêu cha mẹ là tình cảm tự nhiên. Bổn phận, trách nhiệm và lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ là thước đo phẩm chất đạo đức đối với mỗi người.
* Câu 7. Có hai yếu tố Hán Việt đồng âm:
- tử: chết
- tử: con
Hãy cho biết các kết hợp dưới đây được sử dụng với nghĩa nào?
công tử, tử trận, bất tử, hoàng tử, đệ tử, cảm tử.
- công tử, hoàng tử, đệ tử: tử được sử dụng với nghĩa là con.
- tử trận, bất tử, cảm tử: tử được sử dụng với nghĩa là chết.