Câu 1. Em hiểu thế nào về tính khoe của? Anh đi tìm lợn khoe của trong tình huống như thế nào?

Lẽ ra, anh phải hỏi người ta ra sao? Từ “cưới” (lợn cưới) có phải là từ thích hợp để chỉ con lợn bị sổng và là thông tin cần thiết cho người được hỏi không?

a. Tính khoe của là tính thích phô bày cho mọi người biết là mình giàu có. Nó biểu hiện qua cách ăn mặc, trang sức, nói năng, giao tiếp, và xây cất, bài trí nhà cửa lố lăng, kệch cỡm. Đây là thói xấu thường thấy ở nhiều người.

b. Anh đi tìm lợn khoe của trong một hoàn cảnh đặc biệt: lúc nhà anh ta đang chuẩn bị làm đám cưới, mà con lợn để làm cỗ cưới lại bị sổng mất, nghĩa là trong lúc việc nhà đang bận rộn và bối rối, tưởng như không còn tâm trí nào để khoe khoang.

c. Khi đi tìm lợn, lẽ ra anh ta chỉ cần hỏi: Bác có thấy con lợn của tôi chạy qua đây không? Hoặc nói rõ con lợn ấy là lợn gì, to hay nhỏ, trắng hay đen, thì anh ta lại hỏi: Bác có thấy con lợn CƯỚI của tôi chạy qua đây không? Câu hỏi thừa từ cưới, vì từ cưới không phải là từ thích hợp để chỉ đặc điểm của con lợn bị sổng. Thế nhưng nó lại rất quan trọng đối với anh mất lợn vì nó là cái cớ để anh ta khoe đám cưới to của mình. Câu hỏi vừa có mục đích tìm lợn, vừa có mục đích khoe của, nhưng để khoe của là chính.

Câu 2. Anh có áo mới thích khoe của đến mức nào? Điệu bộ của anh ta khi trả lời có phù hợp không? Hãy phân tích yếu tố thừa trong câu trả lời của anh ta.

a. Anh có áo mới thích khoe của đến mức vừa may được cái áo vội đem ra mặc ngay để khoe. Tính thích khoe của đã biến anh ta thành trẻ con. Nhưng trẻ con thích khoe áo mới bởi chúng ngây thơ, trong sáng; còn nhân vật này mặc áo mới với mục đích là để khoe của.

b. Cách khoe áo của anh ta cũng thật buồn cười: ...đứng hóng ở cửa, đứng mãi từ sáng tới chiều, kiên nhẫn đợi để khoe bằng được. Đang lúc cụt hứng thì anh chàng mất lợn chạy tới hỏi thăm. Anh có áo mới vội giơ ngay vạt áo ra để khoe và trả lời rằng: Từ lúc tôi mặc CÁI ÁO MỚI này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả. Đúng ra, anh ta chỉ cần đáp là có thấy con lợn hay không, nhưng anh ta lại chớp thời cơ cố tình khoe áo mới cả bằng điệu bộ lẫn lời nói. Đấy là những yếu tố thừa nhưng lại là nội dung, mục đích thông báo chính của anh ta.

Câu 3. Đọc truyện Lợn cưới, áo mới vì sao em lại cười?

Đọc truyện, chúng ta bật cười vì nhiều lẽ:

- Trước hết là về hành động, lời nói của nhân vật. Của đem khoe chẳng đáng là bao. Sau đó là lời khoe và cách khoe đều sống sượng, trơ trẽn.

- Người đi tìm lợn sổng mà cứ nhấn mạnh là lợn cưới. Kẻ lẽ ra phải trả lời là không thấy lợn thì lại cố đưa thêm cái áo mới của mình vào. Những chi tiết trái tự nhiên, không hợp với lẽ thường xuất hiện, khiến cho tiếng cười chế giễu vang lên.

- Anh áo mới đứng hóng ở cửa, kiên nhẫn đợi suốt từ sáng đến chiều mà vẫn chưa khoe được áo. Đang tức tối thì lại bị anh lợn cưới khoe của trước. Anh áo mới đã không bỏ lỡ cơ hội cả ngày chỉ có một lần để khoe áo trước mặt anh lợn cưới. Kết thúc bất ngờ của truyện tạo cảm giác buồn cười và thú vị cho người đọc.

Câu 4. Hãy nêu ý nghĩa của truyện Lợn cưới, áo mới.

Truyện Lợn cưới, áo mới phê phán tính hay khoe của, một tính xấu khá phổ biến trong xã hội. Tính xấu ấy đã biến nhân vật thành trò cười cho mọi người.