Câu 1. Hãy nêu cách các ông thầy bói xem voi và phán về voi. Thái độ của các thầy bói khi phán như thế nào?

a. Cách xem voi của năm ông thầy bói là dùng tay để sờ.

Thầy nào sờ được bộ phận nào thì nhận xét về hình thù con voi như thế. Thầy sờ vào vòi cho rằng nó sun sun giống con đỉa. Thầy sờ vào ngà bảo nó chần chẫn như cái đòn càn. Thầy sờ vào tài khăng khăng nó bè bè như cái quạt thóc. Thầy sờ vào chân voi thì cãi: Nó sừng sững như cái cột đình. Thầy thứ năm sờ vào cái đuôi thì phủ nhận tất cả bốn thầy trước: Các thầy nói không đúng cả. Chính nó tun tủn như cái chổi sể cùn.

b. Thái độ của các thầy bói khi “phán” về voi:

- Cả năm thầy bói đều “phán” sai về voi nhưng ai cũng khẳng định chỉ mình là đúng và phủ nhận triệt để ý kiến của người khác. Đó là thái độ chủ quan sai lầm.

- Cái sai nọ dẫn đến cái sai kia. Cả năm thầy không ai chịu ai, cãi vã thành ra xô xát. Ở đây, truyện sử dụng thủ pháp nghệ thuật phóng đại để tô đậm sai lầm trong cách “lí sự” cũng như thái độ của các thầy bói xem voi.

Câu 2. Năm thầy bói đều đã được sờ voi thật và mỗi thầy cũng đã nói được một bộ phận của voi, nhưng không thầy nào nói đúng về con vật này. Sai lầm của họ là ở chỗ nào?

- Năm thầy bói mỗi người chỉ sờ một bộ phận của voi nên không ai nói đúng về con voi cả. Sai lầm của họ là chỉ sờ vào một bộ phận mà đã nhất quyết cho rằng đó là toàn bộ con voi. Thực ra họ đều sai bởi vì đã lấy nhận xét về một chi tiết để khẳng định, đánh giá về toàn thể sự vật và phủ nhận ý kiến của người khác. Năm thầy giống nhau ở cách xem voi phiến diện và thái độ đánh giá chủ quan đến mức cực đoan.

- Truyện không nhằm chế giễu cái “mù” về thể chất (đây chỉ là chi tiết cần có của tình huống truyện), mà muốn nói đến cái “mù” về nhận thức và phương pháp nhận thức của các thầy bói.

Câu 3. Truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi cho ta bài học gì?

Qua truyện ngụ ngôn này, người xưa muốn nhắc nhở rằng khi giao tiếp, vấn đề nào ta chưa hiểu thấu đáo thì không nên nhận xét, đánh giá. Muốn có kết luận đúng về sự vật thì ta phải xem xét nó một cách toàn diện. Những hiểu biết hời hợt, nông cạn, những suy đoán mò mẫm thiếu thực tế... chỉ dẫn đến nhận thức lệch lạc, sai lầm mà thôi.

Truyện phê phán những người làm nghề xem bói hay nói linh tinh, chẳng dựa trên cơ sở đáng tin cậy nào. Qua truyện, người xưa còn ngầm phê phán những kẻ thiếu hiểu biết nhưng lại hay tỏ ra thông thái. Ý nghĩa này được gói gọn trong câu thành ngữ: Thầy bói xem voi. Tiếng cười trong truyện nhẹ nhàng nhưng cũng rất thâm thuý.