Câu 1. Trong truyện Thánh Gióng có những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính? Nhân vật chính này được xây dựng bằng những chi tiết tưởng tượng, kì ảo và giàu ý nghĩa. Em hãy tìm và liệt kê những chi tiết đó.

a. Truyện Thánh Gióng gồm có các nhân vật: bà mẹ Thánh Gióng, Thánh Gióng, sứ giả, bà con dân làng. Thánh Gióng là nhân vật chính, các nhân vật phụ khác đóng vai trò giúp cho câu chuyện phát triển và làm nổi bật tính cách của nhân vật chính.

b. Nhân vật Thánh Gióng được xây dựng bằng nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo giàu ý nghĩa:

* Sự ra đời của Thánh Gióng.

- Hai vợ chồng ông lão mong muốn có được một đứa con trai nối dõi.

- Bà vợ ướm thử chân mình vào vết chân lạ ở ngoài đồng.

- Sau đó có thai 12 tháng mới sinh ra một đứa con trai.

- Đứa trẻ lên ba tuổi mà vẫn không biết nói cười, không biết đi, cứ đặt đâu nằm đấy.

* Nghe sứ giả rao truyền lệnh của vua, cậu bé cất tiếng nói đầu tiên và đó là lời nhận trách nhiệm đánh tan quân giặc.

* Gióng lớn nhanh như thổi, ăn mỗi bữa Một nong cơm ba nong cà...

* Gióng vươn vai biến thành tráng sĩ, mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt lên đường đánh giặc.

* Gióng đánh tan giặc Ân.

* Đến chân núi Sóc, Gióng cởi bỏ áo giáp sắt rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời.

* Vua phong cho danh hiệu là Phù Đổng Thiên Vương. Nhân dân lập đền thờ tại quê nhà.

* Những dấu tích còn lại của trận Thánh Gióng đánh tan giặc Ân: tre đằng ngà, làng Cháy, ao hồ...

Câu 2. Theo em, các chi tiết sau đây có ý nghĩa như thế nào?

a) Tiếng nói đầu tiên của chú bé lên ba là tiếng nói đòi đánh giặc.

b) Gióng đòi ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt để đánh giặc.

c) Bà con làng xóm vui lòng góp gạo nuôi cậu bé.

d) Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ.

d) Gậy sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường đánh giặc.

e) Gióng đánh giặc xong, cởi áo giáp sắt để lại và bay thẳng về trời.

a. Chi tiết tiếng nói đầu tiên của chú bé lên ba là tiếng nói đòi đánh giặc có ý nghĩa:

- Ý thức trách nhiệm trước vận mệnh đất nước được đặt lên hàng đầu đối với người anh hùng và tạo cho người anh hùng những khả năng, hành động phi thường, thần kì.

- Ca ngợi tinh thần đánh giặc cứu nước qua chi tiết cậu bé Gióng ba năm không nói là để bắt đầu nói thì nói lời tình nguyện đứng ra cứu nước.

- Gióng chính là hình ảnh của nhân dân. Khi nước nhà gặp cơn nguy biến thì nhân dân đứng lên đánh giặc đầu tiên. Vua vừa phát lời kêu gọi, Gióng đã đáp lời cứu nước.

b. Gióng đòi ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt để đánh giặc:

- Gióng yêu cầu được cung cấp những phương tiện tốt nhất để chiến thắng quân thù.

- Những thứ Gióng đòi hỏi phản ánh thời đại đồ sắt trong lịch sử nước ta. Con người đã biết dùng sắt để chế tạo công cụ lao động và vũ khí chống ngoại xâm.

c. Bà con làng xóm vui lòng góp gạo nuôi cậu bé:

- Phản ánh lòng yêu nước của nhân dân ta, ai cũng mong Gióng lớn nhanh để đánh giặc cứu nước.

- Gióng lớn lên bằng cơm gạo của dân làng nên Gióng không chỉ là con của một bà mẹ mà là con của mọi người, mọi nhà. Sức mạnh của Gióng tiêu biểu cho sức mạnh đoàn kết chống ngoại xâm của dân tộc Việt.

d. Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ:

- Việc cứu nước có sức mạnh thần kì làm cho Gióng vụt lớn lên để đánh giặc.

- Chi tiết vươn vai một cái thành tráng sĩ của Gióng là chi tiết thần kì mang đậm dấu ấn của truyện cổ dân gian. Thời xưa, nhân dân ta quan niệm rằng người anh hùng phải khổng lồ về thể xác, phi thường về sức mạnh và chiến công. Cái vươn vai của Gióng là để đạt đến sự phi thường ấy.

- Người Việt vốn hiền lành nhưng khi vận mệnh đất nước ở tình thế nguy nan thì cả dân tộc vụt đứng dậy dũng mãnh như Thánh Gióng.

4. Roi sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường tiếp tục đánh giặc:

Chi tiết này có ý nghĩa: Gióng đánh giặc không chỉ bằng vũ khí mà còn bằng cây cỏ quen thuộc của quê nhà. Hành động này thể hiện ý chí quyết đánh tan giặc ngoại xâm của Gióng, của dân tộc Việt.

e. Gióng đánh giặc xong, cởi áo giáp sắt để lại và bay thẳng về trời.

- Gióng sinh ra từ cõi lặng im, nay lại trở về trong im lặng, không màng đến phú quý, công danh. Gióng đã đi vào cõi bất tử.

- Tuy vậy, Gióng vĩnh viễn ở lại với đất trời, cây cỏ, với dân tộc Việt. Vua trân trọng phong cho Gióng danh hiệu cao quý là Phù Đổng Thiên Vương. Gióng được nhân dân suy tôn là Thánh Gióng và lập đền thờ để muôn đời ghi nhớ công ơn.

Câu 3. Hãy nêu ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng:

- Thánh Gióng là hình tượng tiêu biểu, rực rỡ về người anh hùng đánh giặc giữ nước; tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt.

- Thánh Gióng là người anh hùng trẻ tuổi mang trong mình sức mạnh của thần thánh, tổ tiên và dân tộc.

- Phải xây dựng hình tượng khổng lồ, đẹp đẽ và có ý nghĩa khái quát như Thánh Gióng thì mới thể hiện đầy đủ lòng yêu nước, khả năng và sức mạnh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Câu 4. Truyền thuyết thường liên quan đến sự thật lịch sử. Theo em, truyện Thánh Gióng có liên quan đến sự thật lịch sử nào?

Truyện Thánh Gióng có liên quan đến sự thật lịch sử là đời Hùng Vương thứ sáu, giặc Ân ở phương Bắc sang xâm lược nước ta. Cậu bé Gióng sinh ra ở làng Gióng (trước đây thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh; nay là làng Phù Đổng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội); đánh tan giặc ở núi Trâu thuộc huyện Quế Võ, Bắc Ninh; sau đó bay lên trời ở núi Sóc thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Dấu vết trận đánh vẫn còn để lại ở những nơi Gióng phi ngựa qua như từng dãy ao hồ là vết chân ngựa, có một loại tre thân màu vàng do ngựa phun lửa bị cháy (tre đằng ngà) và có một làng tên là làng Cháy. Gióng được vua phong cho danh hiệu cao quý là Phù Đổng Thiên Vương và nhân dân lập đền thờ ngay ở quê nhà.

Câu 5. Hình ảnh nào của Gióng là hình ảnh đẹp nhất trong tâm trí em?

Tuỳ theo cảm nhận của từng em nhưng phải giải thích được tại sao đó là hình ảnh đẹp nhất. Ví dụ:

- Hình ảnh về sự lớn lên kì lạ của Thánh Gióng là hình ảnh đẹp nhất, để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí em. Sau hôm gặp sứ giả, cậu bé lớn nhanh như thổi. Gióng phải lớn nhanh như thế thì mới đủ sức mạnh để đánh giặc hay chính lòng yêu nước, căm thù giặc đã thôi thúc cậu bé?! Khi giặc tràn đến thì cậu bé vươn vai biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng. Cái độc đáo của hình tượng là ở chỗ mới hôm qua, Gióng còn là một đứa bé lên ba không biết đi, không biết nói cười thì hôm nay, khi đất nước lâm nguy, cậu bé bỗng trở thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Dường như nhiệm vụ cứu nước càng cấp bách bao nhiêu thì cậu bé càng lớn nhanh bấy nhiêu để thừa sức giết giặc. Người xưa đã sáng tạo ra những chi tiết thần kì đặc sắc để ca ngợi lòng yêu nước và ý chí chống xâm lăng của người anh hùng.

Câu 6. Theo em, tại sao hội thi thể thao trong nhà trường phổ thông lại mang tên Hội khoẻ Phù Đổng?

Hội thi thể thao trong nhà trường phổ thông mang tên Hội khoẻ Phù Đổng vì:

- Đây là hội thi thể thao dành cho lứa tuổi thiếu niên, học sinh, lứa tuổi của Gióng. Đặt tên như vậy là để tưởng nhớ và noi gương người anh hùng cứu nước nhỏ tuổi.

- Mục đích của Hội khoẻ Phù Đổng là động viên học sinh rèn luyện sức khoẻ để học tập tốt, lao động tốt, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.