Câu 1. Sự ra đời của Sọ Dừa có gì khác thường? Kể về sự ra đời của Sọ Dừa như vậy, nhân dân muốn thể hiện điều gì và muốn chú ý đến những con người như thế nào trong xã hội xưa?

a. Bà mẹ đi rừng, uống nước trong một cái sọ dừa rồi có thai, sinh ra đứa con trai chỉ có cái đầu tròn lông lốc.

b. Các tình tiết li kì, khác thường của Sọ Dừa thể hiện sự quan tâm của nhân dân về một loại người đau khổ, số phận thấp hèn nhất trong xã hội. Đau khổ, thấp hèn từ dáng vẻ bề ngoài, thường bị coi là “vô tích sự”.

Câu 2. Sự tài giỏi của Sọ Dừa thể hiện qua những chi tiết nào? Em có nhận xét gì về quan hệ giữa hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật?

a. Sự tài giỏi của nhân vật Sọ Dừa thể hiện qua những chi tiết:

- Chăn bò rất giỏi: Ngày nắng cũng như ngày mưa, bò con nào con nấy bụng no căng.

- Hoá thân thành chàng trai khôi ngô tuấn tú, thổi sáo rất hay.

- Tự biết khả năng đặc biệt của mình nên mạnh dạn nhờ mẹ đến hỏi con gái phú ông làm vợ.

- Hoá phép ra đủ sính lễ theo yêu cầu nghiệt ngã của phú ông: Một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm.

- Thông minh khác thường, tự học và thi đỗ trạng nguyên.

- Có tài dự đoán chính xác, biết lo xa: Khi chia tay vợ để đi sứ nước ngoài, quan trạng Sọ Dừa đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà, dặn phải giắt luôn trong người phòng khi dùng đến.

b. Nhận xét về quan hệ giữa hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật Sọ Dừa:

- Có sự trái ngược hoàn toàn giữa hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong: Bề ngoài dị dạng, kì quái; bên trong lại là người tuấn tú, có tài năng, phẩm chất tuyệt vời.

- Sự đối lập ấy khẳng định tuyệt đối vẻ đẹp bên trong và đề cao giá trị chân chính của con người.

- Sự biến đổi kì diệu từ một cậu bé có bề ngoài dị hình dị dạng, thân phận thấp kém, trở thành chàng trai tuấn tú, thông minh, tài giỏi và đỗ đạt cao mà tên gọi vẫn là Sọ Dừa thể hiện ước mơ đổi đời mãnh liệt của người lao động trong xã hội xưa.

Câu 3. Tại sao cô Út lại bằng lòng lấy Sọ Dừa? Em có nhận xét gì về nhân vật cô Út?

a. Điều lão phú ông không ngờ tới đã xảy ra: Hai cô chị bĩu môi chê bai, còn cô Út đồng ý lấy Sọ Dừa. Bởi vì cô nhận biết được thực chất vẻ đẹp bên trong của Sọ Dừa.

b. Cô Út hiền lành, tính hay thương người. Ngay cả khi chưa biết gì về những điều kì lạ của Sọ Dừa, cô vẫn đối xử với Sọ Dừa rất tử tế. Chính lòng thương người ấy giúp cô thấy được vẻ đẹp thực sự bên trong cái hình hài sọ dừa lăn lóc. Cô Út trở thành bà Trạng là phần thưởng xứng đáng cho những người nhân hậu.

Câu 4. Trong truyện, Sọ Dừa có hình dạng xấu xí nhưng cuối cùng đã được trút bỏ lốt, cùng cô Út hưởng hạnh phúc, còn hai cô chị thì phải bỏ nhà trốn đi. Qua kết cục này, em thấy người lao động mơ ước điều gì?

Truyện Sọ Dừa có những kết cục khác nhau dành cho các nhân vật: Sọ Dừa dị hình, dị dạng nhưng cuối cùng đạt được vinh quang. Cô Út tốt bụng được hưởng hạnh phúc. Hai cô chị độc ác thì xấu hổ bỏ đi biệt xứ.

Từ kết thúc đó, ta thấy toát lên những mơ ước, khát vọng của người lao động:

- Mơ ước đổi đời: Sọ Dừa dị hình, xấu xí, thân phận thấp kém tưởng như vô dụng đã trở thành chàng trai đẹp đẽ, thông minh, tài giỏi, được thành đạt và hạnh phúc. Sự đổi đời đó thật là triệt để và kì diệu.

- Mơ ước công bằng: Người lao động xưa mơ ước và tin tưởng rằng người tài giỏi, đức độ “Ở hiền gặp lành”; còn kẻ độc ác, gian tham sẽ bị trừng phạt đích đáng: “Gieo gió gặt bão”.

Câu 5. Hãy nêu những ý nghĩa chính của truyện Sọ Dừa?

- Đề cao giá trị đích thực, phẩm chất tốt đẹp của người lao động. Truyện cũng là lời khuyên: muốn đánh giá đúng bản chất con người, không nên chỉ xem xét bề ngoài mà phải tìm hiểu kĩ phẩm chất bên trong.
- Đề cao lòng nhân ái đối với người bất hạnh. Lòng nhân ái đem lại hạnh phúc kì diệu cho cả Sọ Dừa và cô Út. Lòng nhân ái được đúc kết trong câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân.

- Câu chuyện toát lên sức sống mãnh liệt và tinh thần lạc quan của nhân dân lao động: Còn sống là còn hi vọng, còn mơ ước, tin tưởng vào chiến thắng tất yếu của công bằng, lẽ phải, của lòng tốt trước sự bất công, độc ác.

- Thấp thoáng sau các sự việc, tình huống trong truyện Sọ Dừa là cảnh sinh hoạt đời xưa rất quen thuộc ở nông thôn Việt Nam; tiếng sáo mục đồng, cảnh đàn bò gặm cỏ, cảnh ngày mùa, tục lệ cưới hỏi, tiếng gà gáy trên đảo vắng... Chính vì lẽ đó mà truyện rất hấp dẫn.