I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Ông lão đánh cá và con cá vàng là truyện cổ dân gian Nga nổi tiếng thế giới.

- Truyện ca ngợi lòng biết ơn đối với những người nhân hậu và nêu ra bài học đích đáng cho những kẻ tham lam, độc ác.

2. Thân bài:

* Ông lão đánh cá hiền lành, nhân hậu:

- Cá vàng mắc lưới, van xin ông lão thả ra, hứa sẽ đền ơn. Ông lão thả cá vàng và không đòi trả ơn.

- Ông thật thà kể chuyện cho mụ vợ nghe nên bị mụ mắng té tát là đồ ngốc.

- Năm lần mụ vợ bắt ông lão ra biển, đòi cá vàng làm theo ý muốn để thoả mãn lòng tham (đòi máng lợn mới, nhà đẹp, nhất phẩm phu nhân, nữ hoàng, Long Vương), ông lão vẫn nhẫn nhục chịu đựng, làm theo ý vợ, mặc cho cá vàng và biển cả nổi giận.

- Ông lão hiền lành đến mức nhu nhược. Sự đoạ đày của mụ vợ tai ác khiến ông lão khổ sở. Nhịn nhục như ông lão là điều không nên.

* Mụ vợ đáo để, độc ác và tham lam vô độ:

- Là hiện thân của những thói xấu, nhất là thói tham lam và bội bạc.

- Lòng tham biến mụ ta thành kẻ thô lỗ, đối xử tàn tệ với chồng (mắng mỏ, đánh đập, xua đuổi...). Sẵn sàng dùng bạo lực ép buộc chồng làm theo ý mình. (Đòi cá vàng cho làm nhất phẩm phu nhân, nữ hoàng...)

- Không chỉ tham lam của cải, mụ ta còn có những tham vọng ngông cuồng về quyền lực, danh vọng. Điều đó làm cho mụ lu mờ lí trí, mất hết lương tri, không còn khả năng nhận biết đúng sai.

- Ước muốn điên rồ trở thành Long Vương ngự trên biển đòi cá vàng hầu hạ của mụ ta đã bị trừng trị đích đáng: phút chốc, lâu đài, xe cộ, người hầu kẻ hạ biến mất, mụ lại ngồi trước cửa túp lều rách nát, bên cái máng lợn ăn sứt mẻ.

3. Kết bài:

- Truyện chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Hình ảnh cá vàng tượng trưng cho lòng biết ơn, cho công lí.

- Nghệ thuật hoang đường, kì ảo của truyện làm say mê nhiều thế hệ người đọc suốt mấy thế kỉ qua.

II. BÀI LÀM

Ông lão đánh cá và con cá vàng là một truyện cổ dân gian Nga được A.Puskin kể lại bằng 205 câu thơ (tiếng Nga) và Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn dịch sang tiếng Việt qua văn bản tiếng Pháp. Người dịch vừa giữ được nét chất phác, dung dị của nghệ thuật truyện cổ dân gian, vừa rất điêu luyện, tinh tế trong sự miêu tả và sắp xếp tình tiết của truyện. Truyện không chỉ hấp dẫn với người Nga mà còn với nhiều dân tộc khác trên thế giới.

Truyện sử dụng những biện pháp nghệ thuật rất tiêu biểu của cổ tích như: sự lặp lại và tăng tiến của những tình huống, sự đối lập giữa các nhân vật, sự xuất hiện của các yếu tố tưởng tượng, hoang đường. Truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng ca ngợi lòng biết ơn đối với những người nhân hậu và nêu ra bài học đích đáng cho những kẻ tham lam, bội bạc.

Cốt truyện đơn giản: Ngày xưa, có hai vợ chồng người đánh cá già sống rất nghèo khổ. Một hôm, ông lão kéo lưới bắt được một con cá vàng. Cá vàng van xin ông lão thả ra, ông lão muốn gì sẽ được nấy. Mụ vợ tham lam bắt ông lão phải thực hiện những điều mụ yêu cầu. Lòng tham vô tận, mụ muốn làm Long Vương để bắt cá vàng hầu hạ. Cá vàng tức giận, bắt mụ trở về cuộc sống nghèo khổ như xưa.

Truyện có ba nhân vật: ông lão đánh cá, mụ vợ và con cá vàng. Biển cả mênh mông là khung cảnh làm nền cho ba nhân vật hoạt động.

Trong truyện, ông lão năm lần ra biển gọi cá vàng để nhờ cậy. Lần thứ nhất: biển gợn sóng êm ả. Lần thứ hai: biển xanh nổi sóng. Lần thứ ba: biển xanh nổi sóng dữ dội. Lần thứ tư: biển nổi sóng mù mịt. Lần thứ năm: một cơn dông kinh khủng kéo đến, mặt biển nổi sóng ầm ầm.

Năm lần gọi cá vàng là năm lần cảnh biển thay đổi. Một bên là những yêu cầu ngày càng quá quắt của mụ vợ ông lão, một bên là phản ứng của biển mỗi lúc một tăng, tương ứng với sự vô lí của những yêu cầu đó. Qua những lần lặp lại như thế, tính cách nhân vật (ông lão, mụ vợ, cá vàng) và chủ đề của truyện càng được tô đậm.

Ở đây, biển không chỉ đơn thuần làm nền cho các nhân vật hoạt động mà còn tham gia tích cực vào diễn biến của truyện, tượng trưng cho phản ứng của nhân dân, của trời đất trước thói tham lam và bội bạc.

Đọc truyện này, ai cũng thương ông lão bởi vì ông là người tốt bụng, hiền lành mà không may gặp phải mụ vợ tai quái, độc ác. Ông lão luôn luôn bị vợ mắng chửi tàn tệ. Lần thứ nhất, khi ông lão thật thà kể chuyện về cá vàng, ông đã bị mụ mắng như mắng trẻ con: “Đồ ngốc!..”. Lần thứ hai, dù ông lão đã làm theo ý mụ, mụ vẫn quát to: “Đồ ngu!...”. Lần thứ ba, thấy ông lão từ biển về, mụ mắng như tát nước vào mặt...

Không chỉ bị vợ sỉ nhục, mắng mỏ, ông lão còn bị mụ khinh rẻ, ngược đãi. Lần thứ ba, tuy ông lão đã ra biển xin cá vàng cho mụ trở thành nhất phẩm phu nhân nhưng ông vẫn bị mụ quát tháo và bắt quét dọn chuồng ngựa. Lần thứ tư, ông lão lại năn nỉ xin cá vàng cho mụ được làm nữ hoàng, để rồi bị mụ tàn nhẫn. ra lệnh đuổi đi...

Từ địa vị của một ông chồng, ông lão đã bị biến thành đầy tớ, bị vợ hắt hủi, xua đuổi không chút xót thương. Nguyên nhân chỉ vì ông sợ vợ một cách mù quáng. Người đọc thương ông lão hiền lành nhưng cũng giận ông lão quá nhu nhược, nhất nhất nghe theo lời vợ. Biết mụ được voi đòi tiên nhưng ông vẫn nhắm mắt làm theo lời mụ. Cảm thấy những đòi hỏi của mụ vợ là vô lí, nhận ra lòng tham đến mức quái gở của mụ, vậy mà ông lão không dám phản đối thì thật là đáng trách.

Chính vì nhu nhược mà ông lão bị mụ vợ đối xử thậm tệ. Lần thứ tư, rồi lần thứ năm, ông lão vẫn mù quáng làm theo lời mụ vợ, chỉ biết van xin cá vàng: - Giúp tôi với! Thương tôi với! Tôi sống làm sao được?! Ông lão không biết bảo vệ mình. Dân gian có câu: Một sự nhịn là chín sự lành nhưng nhịn nhục như ông lão là điều không nên.

Ông lão là một người hiền lành tử tế, đối lập với mụ vợ tai quái, độc ác. Vì vậy, người đọc thương xót, ái ngại cho tình cảnh của ông. Câu chuyện của ông lão đánh cá đã cho chúng ta một bài học về cách đối nhân xử thế: Sự nhẫn nhục chịu đựng bao giờ cũng có giới hạn. Mỗi người cần có bản lĩnh để bảo vệ nhân phẩm của mình, không nên nhân nhượng và làm theo những tham vọng ngông cuồng của kẻ khác.

Trong truyện, mụ vợ là nhân vật phản diện. Đây không phải là con người mang tính xấu mà là tính xấu hiện hình dưới lốt người. Có thể kể ra vô số tính xấu của nhân vật này: tham lam, bội bạc, dữ dằn, thô lỗ... Trong đó có hai thói xấu nổi bật nhất là tham lam và bội bạc. Có lẽ sự bội bạc còn đáng ghét và khó tha thứ hơn cả sự tham lam.

Mở đầu truyện là cảnh sống bình thường của hai vợ chồng nghèo: Ngày ngày, chồng đi thả lưới, vợ ở nhà kéo sợi. Thế rồi khi cá vàng xuất hiện có khả năng kì diệu thoả mãn được mọi ước muốn của con người thì mọi sự thay đổi hẳn.

Chúng ta hãy quan sát thái độ của mụ vợ đối với chồng. Khi đòi cá vàng đền ơn cho một cái máng lợn mới, được máng rồi thì mụ lại mắng chồng là: - Đồ ngốc! Đòi ngôi nhà lớn, được nhà rồi, mụ quát chồng to hơn: - Đồ ngu ! Khi đã là nhất phẩm phu nhân, mụ mắng như tát nước vào mặt chồng: - Đồ ngốc, ngốc sao ngốc thế! Khi thành nữ hoàng, mụ nổi trận lôi đình, tát vào mặt ông lão: - Mày dám cãi... Đến khi đòi làm Long Vương không được, mụ nổi cơn thịnh nộ, sai lính đi bắt ông lão về để trị tội. Những tình tiết ấy đã làm nổi rõ nghịch lí: lòng tham càng lớn thì tình nghĩa vợ chồng càng nhạt phai, rồi tiêu biến.

Với mụ vợ, ông lão đánh cá không chỉ là chồng mà còn là ân nhân bởi vì nhờ ông mà mụ có tất cả. Nhưng ông lão càng giúp mụ vợ thoả mãn lòng tham bao nhiêu thì mụ lại càng cư xử tệ bạc bấy nhiêu. Mụ không còn coi ông lão là chồng mà coi ông như một kẻ đầy tớ, chỉ được phép cúi đầu tuân lệnh.

Mụ không có công gì với cá vàng để có thể đòi hỏi cá vàng trả ơn. Cá vàng đã nể tình ông lão mà mang lại tiền bạc và quyền uy cho mụ. Nhưng lòng tham không đáy, mụ đòi hỏi tất cả mọi thứ mà con người có thể có. Chưa đủ, mụ còn muốn có trong tay quyền lực vô biên và cuối cùng, mụ muốn bắt cá vàng làm nô lệ để mụ tiện sai khiến. Khi đã làm nữ hoàng, mụ đuổi ông lão đi cho khuất mắt. Ân nhân đã trở thành chướng ngại. Sự bội bạc và tham lam của mụ đã tới mức tột cùng, người và trời đều không thể dung tha. Biển cả cũng nổi cơn giận dữ, trừng trị đích đáng mụ vợ tham lam, bội bạc và tàn nhẫn.

Có người cho rằng nếu đặt tên truyện là Mụ vợ ông lão đánh cá và con cá vàng thì cũng có lí bởi vì mụ cũng là nhân vật chính. Trong truyện cổ tích, nhân vật chính thường là nhân vật tích cực và về nguyên tắc thì lấy nhân vật chính để đặt tên truyện. Nhưng trong trường hợp này, nếu lấy nhân vật phản diện để đặt tên cho truyện thì ý nghĩa của truyện dường như cũng không thay đổi: nêu bài học cảnh cáo nghiêm khắc đối với những kẻ tham lam bội bạc như mụ vợ ông lão.

Kết thúc truyện, tất cả mọi thứ đều trở lại như xưa (lều nát, máng sứt...). Ông lão không mất gì cả, nhưng rõ ràng vừa trải qua cơn ác mộng. Có lẽ từ nay, ông lão càng thấy quý hơn cảnh sống yên bình, thanh thản.

Đọc truyện, có người sẽ thắc mắc tại sao mụ vợ không bị trừng phạt nặng như mẹ con Lí Thông mà chỉ phải sống trong hoàn cảnh nghèo khó như trước? Nhưng nếu suy ngẫm kĩ thì ta thấy rằng tuy trở lại cảnh sống ban đầu nhưng thực ra không phải hoàn toàn như xưa nữa. Cá vàng không chỉ lấy đi những gì nó đã cho mà còn nhiều hơn thế.

Mở đầu truyện là cảnh mụ vợ sống trong nghèo khó. Chưa bao giờ mụ được sống sung sướng, giàu sang, lên xe xuống ngựa. Còn ở kết thúc truyện, sau khi mụ vợ đã được hưởng tột đỉnh giàu sang mà lại phải trở lại cảnh nghèo khó ban đầu thì điều đó quả thật chẳng dễ chịu chút nào. Mụ bị suy sụp cả về tinh thần lẫn thể xác; sẽ nhục nhã ê chề tới cực điểm. Đây chính là sự trừng phạt đích đáng đối với nhân vật tham lam, độc ác này.

Cá vàng trừng trị mụ vợ ông lão vì hai tội tham lam và bội bạc nhưng có lẽ tội bội bạc lớn hơn. Thực ra giữa hai tội này có sự liên quan chặt chẽ: lòng tham quá lớn thường làm cho người ta mất hết lương tri và tính người, không còn khả năng nhận biết đúng sai.

Ở con người, lòng tham có ít hay nhiều, điều ấy không phải là chuyện lạ. Có lẽ tác giả muốn nhấn mạnh lòng tham là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều tai vạ.

Hình tượng cá vàng có ý nghĩa tượng trưng cho sự biết ơn đối với những người đã giúp mình qua cơn hoạn nạn, khó khăn. Cá vàng còn đại diện cho công lí: những kẻ bội bạc, tham lam tất sẽ bị trừng trị đích đáng.

Tuy là cổ tích thần kì nhưng ý nghĩa hiện thực của nó lại vô cùng sâu sắc, lớn lao. Điều đó đã làm say mê, xúc động bao thế hệ người đọc từ trước đến nay.