Câu 1. Hãy tìm những chi tiết trong truyện thể hiện tính chất kì lạ, lớn lao, đẹp đẽ về nguồn gốc và hình dạng của Lạc Long Quân và Âu Cơ:

a. Lạc Long Quân:

- Dòng dõi, nguồn gốc: nòi Rồng, là con trai của thần Long Nữ ở biển Đông.

- Tài năng: sức khoẻ vô địch, có nhiều phép lạ, giúp dân diệt trừ Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh.

b. Âu Cơ:

- Dòng dõi, nguồn gốc: là Tiên nữ sống trên núi cao phương Bắc, thuộc dòng họ Thần Nông - vị thần chủ trì nghề nông, dạy loài người trồng trọt và cày cấy.

- Sắc đẹp: xinh đẹp tuyệt trần.

- Tính tình phóng khoáng, tâm hồn thơ mộng: thích du ngoạn đến những vùng đất có nhiều hoa thơm cỏ lạ.

Câu 2. Việc kết duyên của Lạc Long Quân cùng Âu Cơ và chuyện Âu Cơ sinh nở có gì kì lạ? Lạc Long Quân cùng Âu Cơ chia con như thế nào và để làm gì? Theo truyện này thì người Việt là con cháu của ai?

a. Cuộc hôn nhân có điều kì lạ là:

- Rồng ở dưới nước gặp Tiên trên non cao rồi yêu nhau, kết duyên vợ chồng như lương duyên Trời đã định sẵn.

- Kết quả thật lạ thường: Âu Cơ sinh ra cái bọc trăm trứng, nở thành một trăm con, con nào con nấy hồng hào, đẹp đẽ, khoẻ mạnh như thần.

b. Lạc Long Quân chia tay với Âu Cơ, đem theo năm mươi người con xuống biển, còn năm mươi người con theo mẹ lên núi. Ngoài lí do kẻ ở cạn, người ở nước tính tình tập quán khác nhau, khó mà chung sống cùng nhau, truyện còn nhằm giải thích hiện tượng phân bố vùng định cư tự nhiên của các dân tộc trên đất Lạc Việt.

c. Theo truyện này thì người Việt là con cháu vua Hùng, có nguồn gốc là con Rồng, cháu Tiên.

Câu 3. Em hiểu thế nào là chi tiết tưởng tượng, kì ảo? Hãy nói rõ vai trò của các chi tiết này trong truyện?

Chi tiết tưởng tượng, kì ảo là chi tiết không có thật mà do con người tưởng tượng ra. Vì là sản phẩm của trí tưởng tượng nên các chi tiết ấy thường kì ảo và chính sự kì ảo làm cho câu chuyện trở nên huyền diệu, lung linh, li kì, hấp dẫn nhưng vẫn hàm chứa những ý nghĩa hiện thực sâu sắc. Người ta gọi các chi tiết ấy là yếu tố thần kì, hoang đường, kì ảo...

Chi tiết tưởng tượng, kì ảo trong truyện cổ dân gian gắn liền với quan niệm, tín ngưỡng của người xưa về thế giới. Chẳng hạn, quan niệm về các thế giới (thiên giới, trần gian, âm phủ, thuỷ phủ), về sự đan xen giữa thế giới thần tiên và thế giới loài người, quan niệm “vạn vật hữu linh” (vạn vật đều có linh hồn); tín ngưỡng vật tổ (mỗi tộc người được sinh ra từ một loài thảo mộc hay động vật nào đó).

Trong truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên, các chi tiết tưởng tượng, kì ảo mang ý nghĩa như sau:

- Tô đậm tính chất kì lạ, lớn lao, đẹp đẽ của nhân vật, sự kiện.

- Thần kì hoá, linh thiêng hóa nguồn gốc giống nòi để chúng ta thêm tự hào, tôn kính tổ tiên, dân tộc mình.

- Làm tăng sức hấp dẫn của truyện.

Câu 4. Ý nghĩa của truyện Con Rồng, cháu Tiên:

- Giải thích, suy tôn nguồn gốc dân tộc và thể hiện niềm tự hào về dòng giống Tiên Rồng đẹp đẽ, cao quý, thiêng liêng của người Lạc Việt.

- Đề cao nguồn gốc chung là biểu hiện ý nguyện đoàn kết, thống nhất của nhân dân ta. Người Việt dù ở miền xuôi hay miền ngược, dù ở đồng bằng hay ven biển, trong nước hay ở nước ngoài đều cùng chung cội nguồn, đều là con của mẹ Âu Cơ (đồng bào: cùng một bọc), vì vậy phải thương yêu, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.

Câu 5. Em biết những truyện nào của các dân tộc khác ở Việt Nam cũng giải thích nguồn gốc dân tộc tương tự như truyện Con Rồng, cháu Tiên? Sự giống nhau ấy khẳng định điều gì?

Người Kinh có truyện Sự tích trăm trứng, các dân tộc ít người như Khơ Mú, La Ha, Dao, Ba Na,... cũng có những truyện giống kiểu truyện Quả bầu mẹ với nội dung: Qua trận lụt lớn, chỉ còn sống sót một cặp trai gái; sau này họ trở thành vợ chồng và sinh ra các dân tộc.

Sự tích trăm trứng và Quả bầu mẹ là những mô típ nghệ thuật quen thuộc trong truyện cổ dân gian. Sự giống nhau ấy khẳng định cội nguồn thống nhất của dân tộc ta.