Câu 1. Hãy kể ra những chi tiết nói về nhân vật Thái y lệnh họ Phạm. Từ đó:

a) Trả lời các câu hỏi sau:

- Vị Thái y lệnh là người như thế nào?

- Trong những hành động của ông, điều gì làm em cảm phục nhất và suy nghĩ nhiều nhất?

b) Phân tích, bình luận lời đối thoại của vị Thái y với quan Trung sứ: Ngài đáp: Tôi có mắc tội... tôi xin chịu tội.

a. Những chi tiết nói về nhân vật Thái y lệnh họ Phạm:

- Là một vị “quan thầy thuốc” cao nhất ở triều đình nhưng Phạm Bân thường quan tâm giúp đỡ, chữa trị cho những bệnh nhân nghèo khổ.

- Phạm Bân đã đem hết tiền của trong nhà ra mua thuốc tốt, tích trữ thóc gạo để vừa nuôi ăn, vừa chữa bệnh cho người nghèo. Dẫu bệnh có nặng đến đâu, ông cũng không nề hà. Ông làm nhà cho người bệnh ở, chu cấp cơm cháo đầy đủ và chữa bệnh không lấy tiền. Ông đã cứu sống hơn ngàn người trong những năm đói kém, dịch bệnh.

- Ông đã quyết tâm cứu sống người đàn bà nghèo trước rồi sau đó mới chữa bệnh cho quý nhân trong cung vua, dù đã có lệnh của vua

- Khi vào cung, ông đến yết kiến Trần Anh Vương và xin nhận tội vì đã không vào triều ngay, nhưng nhà vua chẳng những không bắt tội mà còn khen ông là một lương y chân chính.

* Qua đó ta thấy:

- Vị Thái y lệnh là một thầy thuốc vừa giỏi về chuyên môn, vừa giàu lòng nhân ái, tận tuy cứu chữa cho bệnh nhân. Ông là người có y đức cao quý.

- Trong hành động của ông, điều làm ta cảm phục nhất là ông đã dùng nhà mình làm “bệnh xá” rồi nuôi cơm, cấp thuốc cho mọi người mà không ngại bẩn thỉu, tốn kém. Trước bệnh nhân, ai nguy kịch hơn thì ông chữa trước, ai bệnh nhẹ hơn thì ông chữa sau, bất kể giàu nghèo.

b. Qua lời đối thoại của vị Thái y với quan Trung sứ: Ngài đáp: Tôi có mắc tội... tôi xin chịu tội.

- Đây là một tình huống thử thách gay go đối với y đức và bản lĩnh của vị Thái y lệnh. Thái độ và lời nói của quan Trung sứ đã đặt Phạm Bân trước những mâu thuẫn gay go, cần có sự lựa chọn sáng suốt để tìm ra giải pháp đúng đắn nhất:

+ Giữa việc cứu người dân thường lâm bệnh nặng nếu không cứu ngay thì sẽ chết với việc thi hành phần làm tôi, ông sẽ chọn việc nào làm trước?

+ Giữa tính mệnh của người dân thường lâm bệnh nguy cấp với tính mệnh của chính mình trước quyền uy của nhà vua, ông sẽ chọn bên nào?

- Lời đáp của Thái y lệnh với quan Trung sứ chứng tỏ ông đã vượt qua thử thách đó rất nhẹ nhàng. Lời đáp của ông đã bộc lộ nhận cách tốt đẹp và bản lĩnh cứng cỏi của ông:

+ Quyền uy không thắng nổi y đức.

+ Tính mệnh của cá nhân ông đặt dưới tính mệnh của người dân thường...

+ Ngoài y đức và bản lĩnh, ở Thái y lệnh Phạm Bân còn có sức mạnh và trí tuệ sáng suốt. Câu nói: Nếu người kia không được cứu, sẽ chết trong khoảnh khắc, chẳng biết trông vào đâu. Tính mệnh của tiểu thần còn trông vào chúa thượng, may ra thoát vừa thể hiện y đức, bản lĩnh, vừa thể hiện sự thông minh nhanh nhạy trong cách ứng xử của ông. Bởi nói như vậy, ông vẫn giữ được phận làm tôi, mặc dù đã không tuân theo lệnh của vua. Vả lại, nếu vua là người có lương tâm và lương tri, chắc chắn sẽ không trị tội Thái y lệnh Phạm Bân.

Câu 2. Trước cách xử sự của vị Thái y lệnh, thái độ của Trần Anh Vương diễn biến như thế nào? Qua đó, nhân cách của Trần Anh Vương được thể hiện ra sao?

Lúc đầu, nhà vua rất tức giận, nhưng sau khi nghe Thái y lệnh trình bày thì không những hết giận mà còn ban khen. Điều đó chứng tỏ Trần Anh Vương cũng là một ông vua sáng suốt và nhân đức.

Phạm Bân lấy tấm lòng chân thành của mình để giải trình điều hơn lẽ thiệt, từ đó thuyết phục được nhà vua. Đây là thắng lợi vẻ vang của y đức, của bản lĩnh, trí tuệ và lòng nhân ái.

Câu 3. Qua câu chuyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng có thể rút ra cho những người làm nghề y hôm nay và mai sau bài học gì?

Qua câu chuyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng, có thể rút ra cho những người làm nghề y hôm nay và mai sau bài học: Phải hết lòng vì dân nghèo, quên mình để cứu người, bất chấp quyền uy cũng như sự nguy hiểm đến tính mạng bản thân. Thầy thuốc phải như mẹ hiền.

Câu 4. Hãy so sánh nội dung y đức được thể hiện ở văn bản truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng với văn bản kể về Tuệ Tĩnh như thế nào?

a. Cả hai văn bản đều ca ngợi y đức cao đẹp của người thầy thuốc trước những quyền lực tối thượng, thông qua hai tình huống gần giống nhau.

b. Tuy nhiên, so với văn bản kể về Tuệ Tĩnh (trang 44, SGK) thì ở truyện này, nội dung y đức được thể hiện phong phú, sâu sắc hơn.

- Ngoài câu chuyện nhà vua triệu Thái y lệnh Phạm Bân về cung chữa bệnh cho bậc quý nhân thì còn kể về việc ông tận tâm cứu giúp bệnh nhân nghèo và uy tín, đạo đức của ông để lại cho con cháu. Trong khi đó, truyện Tuệ Tĩnh chỉ kể về cách xử sự của bậc danh y này khi nhà quý tộc đến để mời đi chữa bệnh.

- Tình huống xảy ra đối với Thái y lệnh Phạm Bân so với Tuệ Tĩnh cũng gay cấn hơn nhiều vì đây là cuộc đối đầu giữa y đức với quyền lực tối thượng của nhà vua. Còn ở trường hợp Tuệ Tĩnh, chỉ mới là cuộc đụng độ giữa y đức với uy thế của một vị quý tộc.

- Cuộc đụng độ trực tiếp giữa Thái y lệnh Phạm Bân với quan Trung sứ của nhà vua cũng gay gắt hơn so với cuộc đụng độ giữa Tuệ Tĩnh với con của nhà quý tộc. Bởi, người con của vị quý tộc chỉ muốn đặt Tuệ Tĩnh vào cái thế “đã rồi ” để ép buộc. Còn quan Trung sứ của nhà vua thì đe doạ tính mệnh của Thái y lệnh Phạm Bân.

* Câu 5. Một bậc lương y chân chính theo mong mỏi của Trần Anh Vương phải như thế nào? Hãy so sánh nội dung đó với nội dung trong lời thề của Hi-pô-cơ-rát được trích ở phần đọc thêm.

Một bậc lương y chân chính theo mong mỏi của Trần Anh Vương phải dốc toàn tâm, toàn ý, toàn lực để cứu người mà không nề hà, không tính toán thiệt hơn. Nội dung trong lời thề của Hi-pô-cơ-rát là không lấy tiền thù lao quá đáng và sẽ săn sóc miễn phí cho người nghèo.

So sánh sự giống và khác nhau giữa hai người:

+ Giống nhau: Cả hai đều là bậc lương y chân chính, hết lòng vì dân nghèo, quên mình để cứu người.

+ Khác nhau: Thái y lệnh không sợ nguy hiểm đến tính mạng của mình.

* Câu 6. Nhan đề văn bản này nguyên văn chữ Hán là Y thiện dụng tâm (y: chữa bệnh, thầy thuốc; thiện: giỏi, tốt, lành; dụng: dùng, đem dùng; tâm: lòng, tấm lòng). Có sách dịch nhan đề trên là Thầy thuốc giỏi ở tấm lòng, ở đây dịch: Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng. Vậy có gì khác nhau? Em tán thành cách nào? Lí do?

Nếu dịch là Thầy thuốc giỏi ở tấm lòng thì dường như có ý khẳng định chỉ cần có tấm lòng là đủ; trong khi đó, người thầy thuốc giỏi vừa phải có tấm lòng vừa phải có tài năng. Trong thực tế, có những thầy thuốc có lòng nhân ái nhưng tay nghề yếu. Ngược lại, có thầy thuốc tay nghề giỏi mà y đức lại kém. Cả hai trường hợp đó đều chưa đạt yêu cầu lí tưởng. Thầy thuốc giỏi phải có cả tài và đức nhưng trong đó phải lấy tấm lòng làm gốc rễ. Cách dịch: Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng là đúng nhất.