I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Truyện Mẹ hiền dạy con trích từ cuốn Liệt nữ truyện của Trung Hoa thời phong kiến trung đại.

- Truyện kể về cách dạy con nghiêm khắc và đúng đắn của bà mẹ lúc Mạnh Tử còn nhỏ. Nhờ vậy mà sau này Mạnh Tử trở thành bậc đại hiền trong thiên hạ.

2. Thân bài:

* Những việc làm sáng suốt của bà mẹ:

- Nhà ở gần nghĩa địa, thấy con bắt chước người ta đào, chôn, lăn, khóc, bà mẹ dọn nhà ra gần chợ.

- Nhà ở gần chợ, thấy con học thói bán buôn điên đảo, bà dọn nhà đến gần trường học.

- Nhà ở gần trường, thấy con học hành chăm chỉ và lễ phép với mọi người, bà bảo đây mới đúng là chỗ con trẻ ở được lâu dài.

- Thấy hàng xóm giết lợn, con hỏi mẹ để làm gì, mẹ đáp giết lợn cho con ăn. Biết mình lỡ lời, bà ra chợ mua thịt cho con ăn.

- Bà đang dệt vải, thấy con bỏ học về nhà chơi, liền lấy dao cắt đứt tấm vải. Con hiểu ý mẹ, lại chăm chỉ học hành.

* Ý nghĩa của những việc làm trên:

- Môi trường sống có tác động rất lớn tới việc hình thành nhân cách của con người, nhất là trẻ em.

- Trong cuộc sống, người lớn phải biết giữ chữ tín.

- Cha mẹ phải nghiêm khắc giáo dục, làm gương cho con cái noi theo.

3. Kết bài:

- Truyện ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều bài học bổ ích, thiết thực về phương pháp giáo dục con cái.

- Ý nghĩa truyện không bó hẹp trong việc cha mẹ dạy con mà còn mở rộng ra tới phạm vị giáo dục con người nói chung trong xã hội.

II. BÀI LÀM

Truyện Mẹ hiền dạy con trích từ sách Liệt nữ truyện của Trung Hoa, nội dung kể về cách dạy con rất nghiêm khắc và tình thương con đặc biệt của bà mẹ Mạnh Tử. Bà đã cố tạo cho con một môi trường sống tốt đẹp và dạy con vừa có đạo đức, vừa có ý chí học hành, phấn đấu.

Cốt truyện gồm năm sự việc diễn ra từ thuở Mạnh Tử còn nhỏ:

Sự việc 1: Nhà ở gần nghĩa địa, thấy con bắt chước người ta đào, chôn, lăn, khóc, mẹ nghĩ: Chỗ này không phải chỗ con ta ở được nên dọn nhà ra gần chợ.

Sự việc 2: Nhà ở gần chợ, thấy con bắt chước học theo thói bán buôn điên đảo, bà mẹ nghĩ: Chỗ này cũng không phải là chỗ con ta ở được nên dọn nhà đến cạnh trường học.

Sự việc 3: Nhà ở gần trường học, thấy con bắt chước lễ phép, chăm chỉ học hành, bà mẹ vui lòng nói: Chỗ này là chỗ con ta ở được lâu dài.

Sự việc 4: Thấy nhà hàng xóm giết lợn, con hỏi mẹ: Người ta giết lợn làm gì thế? Mẹ nói đùa: Để cho con ăn đấy. Biết mình lỡ lời, bà đi chợ mua thịt lợn về cho con ăn.

Sự việc 5: Con đang đi học bỏ về nhà chơi, mẹ cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt để ngầm ví với việc con đang đi học mà bỏ học. Sau khi nghe mẹ khuyên, con học tập rất chuyên cần.

Năm sự việc trên thể hiện ba ý như sau: Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành tính cách con người. Đề cao chữ tín trong cuộc sống. Tác dụng của hành động và lời nói của người lớn đối với con trẻ.

Vấn đề mà bà mẹ thầy Mạnh Tử quan tâm trước hết trong việc dạy con là môi trường sống. Bà cho rằng phải tạo cho con một môi trường sống tốt đẹp thì đứa trẻ mới có thể tiếp thu những mặt tích cực, những yếu tố lành mạnh để phát triển nhân cách và trưởng thành. Trẻ em rất hay bắt chước. Nếu ở môi trường sống không tốt thì sẽ bị ảnh hưởng bởi những điều không tốt. Như khi nhà ở gần nghĩa địa thì Mạnh Tử đã bắt chước người ta đào, chôn, lăn khóc. Đến lúc dọn nhà ra gần chợ thì lại bắt chước theo thói bán buôn điên đảo. Chỉ khi dọn nhà đến cạnh trường học thì bà mẹ mới yên tâm: Chỗ này mới là chỗ con ta ở được lâu dài. Mạnh Tử đã bắt chước theo thái độ lễ phép và chăm chỉ học hành của học trò. Đúng là Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng như nhân dân ta thường nói.

Ở sự việc thứ tư, khi biết mình lỡ lời nói đùa, bà mẹ đã kịp thời chữa lại ngay. Không phải là đính chính lại câu nói đùa mà bà đi chợ mua thịt lợn về cho ăn thật. Bà muốn chứng tỏ câu nói của bà là đúng. Bà phải giữ chữ tín trước con vì bà nghĩ rằng con ta thơ ấu, tri thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng hoá ra ta dạy nó nói dối hay sao? Mà nếu để trẻ em học nói dối từ nhỏ thì sẽ hết sức nguy hiểm. Cách dạy của bà mẹ thật khéo léo và tế nhị, giữ cho tâm hồn con trẻ trong sáng, hồn nhiên. Hơn thế, bà dạy con phải biết quý trọng chữ tín vì nếu mất chữ tín thì không ai còn tin mình cả, do đó sẽ không thể làm tốt mọi việc.

Bên cạnh cách dạy con khéo léo, bà mẹ còn có thái độ rất kiên quyết. Phải nói rằng thái độ này của bà đã gây ấn tượng mạnh và có tác dụng tích cực đối với con. Hành động, lời nói của bà mẹ xuất phát từ tình thương, muốn con nên người. Sự nghiêm khắc của bà mẹ có tác dụng rất lớn trong việc hướng con trai mình vào việc học tập chuyên cần để về sau trở nên bậc đại hiền.

Câu kết của truyện: Thế chẳng là nhờ có cái công giáo dục quý báu của bà mẹ hay sao? vừa là lời kể, vừa là lời bình của tác giả. Mạnh Tử trở thành người tài giỏi trước hết là nhờ công lao giáo dục và tình thương yêu của bà mẹ. Hành động cắt đứt tấm vải đang dệt và lời nói nghiêm khắc của bà mẹ đã để lại ấn tượng sâu sắc, thành bài học nhớ đời cho Mạnh Tử. Thấm thía lời mẹ dạy, từ hôm đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần.

Truyện ngắn gọn nhưng đúc kết được nhiều bài học bổ ích và thiết thực về phương pháp giáo dục con cái. Mẹ thương con chưa đủ mà còn phải biết dạy con nên người. Bà mẹ thầy Mạnh Tử là tấm gương sáng về tình thương và cách dạy con cho các bậc cha mẹ noi theo.

Dạy con trước hết phải chọn môi trường sống tốt cho con. Dạy con trước hết phải dạy đạo đức làm người. Dạy đạo đức chưa đủ, còn phải dạy con lòng say mê học tập và ý chí phấn đấu trong cuộc sống. Đối với con, không nên nuông chiều mà phải nghiêm khắc. Thái độ nghiêm khắc phải xuất phát từ tình yêu thương chân thành và mong muốn thiết tha con mình trở thành người có tài có đức.

Truyện Mẹ hiền dạy con tuy đơn giản nhưng lại gây xúc động sâu sắc bởi ý nghĩa to lớn của nó. Ý nghĩa ấy vượt ra ngoài phạm vi dạy con trong gia đình và mở rộng thành vấn đề giáo dục trẻ em trong toàn xã hội. Cách dạy con đúng đắn của bà mẹ thầy Mạnh Tử đã đem lại kết quả tốt đẹp. Sau này, Mạnh Tử đã trở thành một bậc đại hiền nổi tiếng trong thiên hạ.