Câu 1. Vì sao đức Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần?
- Giặc Minh đô hộ nước Đại Việt, làm nhiều điều bạo ngược. Nhân dân ta căm thù chúng đến tận xương tuỷ.
- Ở vùng Lam Sơn, Thanh Hoá, lãnh tụ Lê Lợi tập hợp nghĩa quân nổi dậy khởi nghĩa chống lại giặc Minh, nhưng do thế lực ban đầu còn yếu nên nhiều lần bị thua.
- Đức Long Quân thấy vậy bèn quyết định cho nghĩa quân mượn gươm thần để giết giặc. Cuộc khởi nghĩa đã được thần thánh, tổ tiên ủng hộ, giúp đỡ.
Câu 2. Lê Lợi đã nhận gươm thần như thế nào? Cách Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn và Lê Lợi mượn gươm có ý nghĩa gì?
a. Lê Thận là một dân chài đi kéo lưới ở bến sông, ba lần kéo lên đều chỉ được một thanh sắt. Lần thứ ba, ông nhìn kĩ thì là một lưỡi gươm. Lê Thận đem lưỡi gươm ấy về cất ở xó nhà rồi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn và sau này trở thành người tâm phúc của Lê Lợi. Nhân một lần Lê Lợi đến nhà Lê Thận, thấy lưỡi gươm sáng rực lên hai chữ Thuận Thiên (thuận theo ý trời) bèn cầm lên xem nhưng chưa biết đó là gươm thần.
Một lần bị giặc truy đuổi, Lê Lợi cùng một số tướng sĩ phải chạy vào rừng. Bất ngờ, ông nhìn thấy trên ngọn cây đa có ánh sáng khác lạ, bèn trèo lên xem thử và nhận ra đó là một chiếc chuôi gươm nạm ngọc. Nhớ tới lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, Lê Lợi gỡ lấy chuối gươm mang về. Đem lưỡi gươm Lê Thận bắt được dưới nước tra vào chuỗi gươm bắt được trên rừng thì vừa như in.
b. Ý nghĩa cách Long Quân cho mượn gươm:
- Chi tiết lưỡi gươm ở dưới nước, chuôi gươm ở trên rừng có ý nghĩa là nhân dân ta từ miền biển đến miền núi đều có khả năng đánh giặc cứu nước.
- Các bộ phận của thanh gươm tuy ở xa nhau nhưng khi khép lại thì vừa như in. Điều đó có nghĩa là dân tộc ta đồng tâm nhất trí, nghĩa quân trên dưới một lòng tạo nên sức mạnh đánh tan quân cướp nước.
- Lê Thận dâng lưỡi gươm cho Lê Lợi, Lê Lợi bắt được chuôi gươm, những chi tiết này khẳng định, đề cao vai trò minh chủ của Lê Lợi. Gươm sáng ngời hai chữ Thuận Thiên khẳng định cuộc khởi nghĩa thuận theo ý trời. Trời ở đây chính là đất nước, nhân dân đã giao cho Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn trách nhiệm đánh giặc. Gươm chọn người xứng đáng và người nhận thanh gươm tức là nhận trách nhiệm nặng nề và vinh quang trước vận mệnh của đất nước, dân tộc.
Câu 3. Hãy chỉ ra sức mạnh của gươm thần đối với nghĩa quân Lam Sơn.
Từ khi có gươm thiêng, nhuệ khí của nghĩa quân Lam Sơn ngày một tăng tiến, đánh đâu thắng đấy, làm cho quân giặc bạt vía kinh hồn. Sức mạnh đoàn kết của con người kết hợp với sức mạnh của vũ khí thần kì đã làm nên chiến thắng vẻ vang.
Ánh sáng kì diệu phát ra lấp lánh từ gươm thiêng phải chăng là ánh sáng của chính nghĩa, của khát vọng tự do, độc lập muôn đời, thôi thúc mọi người vùng lên giết giặc cứu nước. Gươm thần mở đường cho nghĩa quân đánh tràn ra mãi, cho đến lúc không còn bóng dáng một tên giặc nào trên đất nước ta.
Câu 4. Khi nào Long Quân cho đòi gươm? Cảnh đòi gươm và trả gươm diễn ra như thế nào?
a. Sau khi đánh tan quân Minh xâm lược, một ngày nọ, vua Lê cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng trước kinh thành. Nhân dịp này, Long Quân sai Rùa Vàng đòi lại gươm thần và Lê Lợi hiểu ý thần linh, đã trao gươm cho Rùa Vàng.
b. Rùa Vàng há miệng đón lấy gươm thần và lặn xuống nước: Gươm và Rùa đã chìm đáy nước, người ta vẫn thấy vật gì sáng le lói dưới mặt hồ xanh.
Sau sự kiện vua Lê trả gươm cho Long Quân, hồ Tả Vọng được đổi tên là Hồ Gươm (hay hồ Hoàn Kiếm) đánh dấu và khẳng định chiến thắng hoàn toàn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, phản ánh tư tưởng yêu hoà bình đã thành truyền thống của dân tộc ta.
Câu 5. Thảo luận ở lớp: Ý nghĩa của truyện Sự tích Hồ Gươm?
- Ý nghĩa của truyện là ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Chủ tướng của cuộc khởi nghĩa là Lê Lợi, dưới là Lê Thận (tiêu biểu cho nghĩa quân) xuất thân từ người đánh cá, trên là đức Long Quân - tượng trưng cho tổ tiên, hồn thiêng dân tộc. Các bộ phận của gươm lắp khớp vào nhau tượng trưng cho hình ảnh nhân dân các vùng miền trên khắp đất nước đoàn kết một lòng tạo thành sức mạnh chiến đấu và chiến thắng quân thù. Thanh gươm ngời sáng sức mạnh chính nghĩa, sức mạnh truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta.
- Đề cao, suy tôn Lê Lợi và triều đại nhà Lê.
Tuy không xuất thân từ dòng dõi vua chúa nhưng Lê Lợi đã phất cao ngọn cờ chính nghĩa, tập hợp nghĩa quân đánh giặc cứu nước. Lê Lợi được nghĩa quân tôn làm chủ tướng.
Vì thế mà ông được Long Quân cho mượn gươm thần và đòi lại gươm khi đã đuổi hết giặc. Chi tiết thần kì trên đã tôn vinh vai trò chủ tướng của Lê Lợi, gây thanh thế cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và tạo dựng uy thế cho Lê Lợi sau khi ông lên ngôi vua.
- Giải thích nguồn gốc tên gọi của hồ Hoàn Kiếm (trả gươm).
Tên hồ đánh dấu và khẳng định chiến thắng vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn đã quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Đồng thời phản ánh tư tưởng, tình cảm yêu hoà bình đã thành truyền thống của dân tộc ta. Khi có giặc, dân ta phải cầm gươm đánh giặc; thời bình, không cần cầm gươm nữa thì tập trung xây dựng đất nước.
- Tên hồ Hoàn Kiếm còn có ý nghĩa cảnh cáo, răn đe đối với kẻ thù nuôi tham vọng xâm chiếm nước ta. Lê Lợi trả gươm cho Long Quân cũng có nghĩa là gươm thiêng vẫn còn đó. Ánh sáng của thanh gươm thần dưới mặt hổ xanh kết tụ cả ba ý nghĩa trên.
Câu 6. Em biết còn truyền thuyết nào của nước ta cũng có hình ảnh Rùa Vàng? Theo em, hình tượng Rùa Vàng trong truyền thuyết Việt Nam tượng trưng cho ai và cho cái gì?
- Nhiều truyền thuyết Việt Nam có hình ảnh Rùa Vàng nhưng hình ảnh thần Kim Quy xuất hiện tiêu biểu nhất trong hai truyền thuyết: An Dương Vương và Sự tích Hồ Gươm. Trong truyền thuyết An Dương Vương, thần Kim Quy giúp vua xây thành, lại tặng vua chiếc vuốt để làm nỏ thần và cũng chính thần Kim Quy chỉ ra cho vua biết ai là giặc ở sau lưng.
- Thần Kim Quy xuất hiện lúc An Dương Vương gặp khó khăn để dẫn đường chỉ lối. Rùa Vàng giúp Long Quân nhận lại gươm thần, điều đó thể hiện tư tưởng yêu hoà bình của nhân dân ta.
Tóm lại, hình ảnh Rùa Vàng trong truyền thuyết Việt Nam tượng trưng cho hồn thiêng sông núi, cho tư tưởng, tình cảm và trí tuệ của nhân dân.
Câu 7. Hãy đọc phần Đọc thêm để thấy rõ hơn tính lặp lại và ý nghĩa của chi tiết trao gươm thần trong các truyền thuyết Việt Nam.
Đoạn văn Ấn, kiếm Tây Sơn kể về việc hai ông Xà (thần rắn) dâng ấn kiếm cho Nguyễn Huệ. Trong truyền thuyết Việt Nam, lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm nếu được nhân dân ủng hộ thì hình tượng trao gươm thần được dựng nên.
Thần ở đây chính là nhân dân. Nhân dân trao ấn kiếm tức là trao trọng trách, trao quyền lực để lãnh tụ tổ chức, xây dựng đội quân đoàn kết thống nhất, trên dưới đồng lòng, quyết chiến với quân thù. Đây cũng là cách thể hiện niềm tin của nhân dân vào người có tài, có đức.
Câu 8. Vì sao tác giả dân gian không để Lê Lợi được trực tiếp nhận cả chuôi gươm và lưỡi gươm cùng một lúc?
Nếu để Lê Lợi được trực tiếp nhận cả chuôi gươm và lưỡi gươm cùng một lúc thì truyện sẽ không thể hiện được tính chất toàn dân đánh giặc của cuộc kháng chiến chống quân Minh. Thanh gươm Lê Lợi nhận được là thanh gươm hội tụ tư tưởng, tình cảm, sức mạnh của nhân dân trên khắp mọi miền đất nước.
Câu 9. Lê Lợi nhận gươm ở Thanh Hoá nhưng lại trả gươm ở Hồ Gươm - Thăng Long. Nếu Lê Lợi trả gươm ở Thanh Hoá thì ý nghĩa của truyền thuyết sẽ khác đi như thế nào?
Nếu Lê Lợi trả gươm ở Thanh Hoá thì ý nghĩa của truyền thuyết sẽ bị hạn chế rất nhiều. Bởi vì lúc này, Lê Lợi đã lên ngôi vua và đóng đô ở kinh thành Thăng Long. Để việc trả gươm diễn ra ở hồ Tả Vọng của kinh thành Thăng Long mới giải thích được nguồn gốc tên gọi của Hồ Gươm và thể hiện được tư tưởng yêu hoà bình cùng tinh thần cảnh giác của dân tộc ta.
Câu 10. Hãy nhắc lại định nghĩa truyền thuyết và kể tên những truyền thuyết đã học.
a. Truyền thuyết: Là loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, thường có yếu tố tưởng tượng, kì ảo. Truyền thuyết thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử được kể.
Truyền thuyết Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với thần thoại. Nhiều truyền thuyết, đặc biệt truyền thuyết về thời đại các vua Hùng chính là những thần thoại đã được lịch sử hoá.
b. Những truyền thuyết đã học như: Con Rồng, cháu Tiên; Bánh chưng, bánh giầy; Thánh Gióng; Sơn Tinh, Thuỷ Tinh; Sự tích Hồ Gươm.