Câu 1. Văn bản này thuộc thể văn gì? Có mấy đoạn? Mỗi đoạn nói gì?
a. Đây không phải là truyện dân gian truyền miệng mà là văn học viết thời trung đại (từ thế kỉ X đến cuối thế kỉ XIX). Truyện trung đại là thể loại được viết bằng văn xuôi chữ Hán, có cách viết không giống hẳn với truyện hiện đại ngày nay: vừa có loại truyện hư cấu (tưởng tượng nghệ thuật) vừa có loại truyện gần với kí (ghi chép sự việc), gần với sử (ghi chép chuyện thật) và thường mang tính giáo huấn.
Cốt truyện đơn giản, nhân vật thường được miêu tả chủ yếu qua ngôn ngữ trực tiếp của người kể chuyện, qua hành động và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật.
b. Những câu chuyện cảm động về hổ được kể trong hai đoạn văn có một kết cấu giống nhau: hổ (hoặc gia đình hổ) gặp nạn, người cứu hổ, hổ đền ơn.
- Đoạn thứ nhất là câu chuyện giữa hổ đực và bà đỡ Trần ở huyện Đông Triều. Hổ đực đền ơn mười lạng bạc vì bà đỡ Trần đã cứu vợ con nó. Số bạc ấy đã giúp bà sống qua năm mất mùa đói kém.
- Đoạn thứ hai kể về chuyện giữa hổ trán trắng và bác tiều phu. Hổ bị hóc xương, nó đau đớn giãy giụa làm cỏ cây nghiêng ngả. Bác tiều phu đã giúp hổ lấy khúc xương ra khỏi họng. Hổ đền ơn bác tiều. Hơn mười năm sau, bác tiều qua đời, hổ đến bên quan tài tỏ lòng thương xót. Sau đó, mỗi năm cứ đến ngày giỗ, hổ lại đem dê hoặc lợn đến để trước cửa nhà.
Câu 2. Với văn bản này, biện pháp nghệ thuật cơ bản, bao trùm được sử dụng là biện pháp gì? Tại sao lại dựng lên chuyện “Con hổ có nghĩa” mà không phải là “Con người có nghĩa”?
a. Với văn bản này, biện pháp nghệ thuật cơ bản được sử dụng là biện pháp nhân hoá.
b. Tác giả dựng lên chuyện “Con hổ có nghĩa” mà không phải là “Con người có nghĩa” vì: Trong thực tế có những con vật sống rất có nghĩa với người (chó, ngựa...) nhưng chắc hẳn là không thể có hành động cao đẹp như hai con hổ trong truyện. Tưởng tượng ra hai con hổ có nghĩa đến mức lí tưởng như vậy, mục đích của tác giả là mượn chuyện hổ để nói chuyện con người.
Câu 3. Chuyện gì đã xảy ra giữa bà đỡ Trần (người huyện Đông Triều) với con hổ thứ nhất và giữa bác tiều (ở huyện Lạng Giang) với con hổ thứ hai? Trong mỗi chuyện, chi tiết nào em cho là thú vị? Chuyện con hổ với bác tiều so với chuyện con hổ với bà đỡ Trần có thêm ý nghĩa gì?
a. Khi bà đỡ Trần giúp cho hổ cái sinh con, sau những phút mừng rỡ đùa giỡn với con, hổ đực quỳ xuống bên một gốc cây, lấy tay đào lên một cục bạc. Hành động đền ơn đáp nghĩa của nó diễn ra ngay tức thì, không chút đắn đo. Mà hổ đền ơn những hơn mười lạng bạc. Hổ tuy là một con vật hung dữ nhưng lại biết cư xử có nghĩa có tình với người đã giúp gia đình nó vượt qua cơn hoạn nạn.
Chi tiết thú vị là khi tiễn ân nhân về, hổ cúi đầu vẫy đuôi. Đến khi bà đỡ Trần đã đi khá xa, nó gầm lên một tiếng rồi bỏ đi. Đây là tiếng chào tiễn biệt, là lời cảm ơn chân thành của hổ đực đối với ân nhân.
b. Cũng đáp đền ân nghĩa nhưng cách trả ơn của hổ trán trắng có khác. Sau khi được cứu giúp mấy ngày, nó đã mang một con nai đến đặt trước cửa nhà bác tiều phu để tạ ơn. Cảm động nhất là mười năm sau, khi bác tiều phu qua đời, nó vẫn nhớ đến bác và về tận mộ để vĩnh biệt ân nhân của mình. Chi tiết thú vị là khi chôn cất, hổ bỗng nhiên đứng trước mộ nhảy nhót... Từ xa, nhìn thấy hổ dùng đầu dụi vào quan tài, gầm lên, chạy quanh quan tài vài vòng rồi đi. Không phải chỉ trong ngày bác tiều mất mà từ đó về sau, hằng năm tới ngày giỗ bác tiều, hổ lại đưa dê hoặc lợn đến để ở ngoài cửa...
Trong đoạn thứ hai, tác giả đặc tả ân nghĩa thuỷ chung của con hổ trán trắng qua hai tiếng gầm của nó: một tiếng gầm tỏ ý cảm ơn khi đem nai về cho bác tiều và một tiếng gầm tỏ ý tiếc thương để vĩnh biệt ân nhân. Tiếng gầm ấy cũng là lời hứa không bao giờ quên ơn người đã khuất. Hổ trán trắng đã làm đúng như lời hứa trước mộ bác tiều phu.
c. Tưởng tượng ra hai con hổ có nghĩa đến mức lí tưởng như vậy, mục đích chính của tác giả là mượn chuyện hổ để nói chuyện con người. Cái nghĩa của con hổ sau hơn hẳn so với con hổ trước. Hổ trước đền ơn một lần là xong; hổ sau đền ơn mãi mãi, lúc ân nhân còn sống và cả sau khi ân nhân đã qua đời.
Câu 4. Truyện Con hổ có nghĩa đề cao, khuyến khích điều gì cần có trong cuộc sống con người?
Xưa nay, trong tâm thức của nhân dân ta, hổ là con vật dữ tợn nhất, thế mà chúng lại biết cư xử có nghĩa có tình như thế, vậy thì con người phải sống sao đây? Cách nói bằng hình tượng nghệ thuật dễ tiếp thu hơn là lời giáo huấn khô khan: Là con người thì phải sống cho có tình có nghĩa. Đó cũng là bài học được tác giả gửi gắm một cách kín đáo và thấm thía trong câu chuyện này.