I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Đối với người nông dân Việt Nam thì con trâu là đầu cơ nghiệp, là người bạn gắn bó thân thiết tự bao đời.

- Hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau đã ăn sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ, gợi lên khung cảnh lao động thanh bình chốn làng quê.

2. Thân bài:

* Tả con trâu đang cày ruộng:

+ Hình dáng:

- Con trâu đực bốn tuổi, thân hình to lớn, cân đối, da đen bóng, bụng tròn, lưng phẳng, bốn chân vững chãi.

- Trán gồ, sừng cong và nhọn, tai lớn, mắt to, mồm rộng, hai lỗ mũi đen ướt.

+ Hành động:

- Ngoan ngoãn đứng yên để chủ mắc ách cày vào vai.

- Quen với hiệu lệnh của chủ.

- Đầu hơi cúi, hai vai nhô cao, chân bước chậm rãi, cắm cúi kéo cày.

- Những luống đất lật lên đều tăm tắp...

- Đến đầu bờ, nghe tiếng hô của chủ, con trâu dừng lại rồi quay đầu cày tiếp.

- Dưới nắng trưa, cả người và trâu đều ướt đẫm mồ hôi.

- Bác nông dân dắt trâu đến buộc dưới gốc cây duối trên gò đất giữa đồng. Trâu thong thả đứng ăn đồng cỏ tươi.

3. Kết bài:

- Con trâu giúp người nông dân nhiều việc nặng nhọc trong lao động sản xuất.

- Nghĩa tình sâu nặng của người nông dân đối với con trâu đã đi vào ca dao: Trâu ơi ta bảo trâu này... Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

II. BÀI LÀM

Hàng ngàn năm nay, con trâu không chỉ gắn bó với đời sống vật chất mà còn gắn bó với đời sống tinh thần của người nông dân Việt Nam. Với họ, con trâu là đầu cơ nghiệp. Cảnh: Trên đồng cạn, dưới đồng sâu, chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa là bức tranh sinh hoạt quen thuộc ở nông thôn.

Ở làng em, hầu như nhà nào cũng nuôi từ một đến hai con trâu. Con trâu nhà bác Vạn nổi tiếng là khoẻ và đẹp nhất. Sáng sớm tinh mơ, mặt trời chưa mọc, bác Vạn đã dong trâu ra đồng cày ruộng để kịp làm đất gieo cấy vụ mùa. Con trâu đực bốn tuổi, thân hình to lớn, nước da đen bóng, lưng rộng như cánh phản, bốn chân vững chãi bước đi thong thả trên con đường làng lát gạch đỏ như son. Đằng sau, bác Vạn vai vác cày, tay xách ấm nước cùng chiếc điếu hút thuốc lào. Chiếc nùn rơm ngún khói toả những đốm lửa li ti treo toòng teng đầu cán cày.

Ra đến đồng, trời vừa rạng, buổi làm việc bắt đầu. Con trâu đứng yên, mắt lim dim, ngoan ngoãn để cho chủ mắc ách vào vai. Theo lệnh chủ, nó bước xuống ruộng. Khi lưỡi cày đã cắm sâu vào đất, nó cúi đầu, vai nhô cao, gò lưng mà kéo. Đôi tai to cùng chiếc đuôi dài phe phẩy theo mỗi bước chân. Nó hiểu từng hiệu lệnh của chủ qua tiếng vắt, vắt và chiếc roi tre khe khẽ điểm nhịp trên mông. Cứ thế, theo bước chân trâu, lưỡi cày lật đất thành từng luống đều tăm tắp, trông thật thích mắt. Đến đầu bờ, nghe tiếng bác Vạn kêu họ, họ, nó lập tức dừng lại, chờ bác nhấc cày lên rồi quay đầu, tiếp tục công việc.

Người và trâu cặm cụi cày cho tới gần trưa, mặt trời toả ánh nắng chói chang xuống mặt ruộng. Chiếc áo nâu bạc màu của bác Vạn ướt đẫm và lưng trâu cũng bóng nhẫy mồ hôi. Thửa ruộng khá rộng đã cày xong một nửa. Bác Vạn tháo cày, dong trâu vào gốc cây duối cổ thụ trên gò đất cao giữa đồng rồi đi cắt cho nó một ôm cỏ. Chú trâu đưa lưỡi liếm từng nạm cỏ tươi non rồi nhai sồn sột ngon lành. Bác Vạn cởi áo, lội xuống mương rửa mặt, lau người, sau đó ngồi dưới bóng cây giở cơm nắm ra ăn. Gió mát lồng lộng thổi, chú trâu bất chợt kêu to lên một tiếng, vẻ khoan khoái lắm.

Bác Vạn trìu mến nhìn con vật hiền lành, chăm chỉ đã đỡ đần cho bác bao công việc nặng nhọc của nhà nông. Nghĩa tình gắn bó giữa người nông dân với con trâu đã được thể hiện qua bài ca dao mộc mạc, hồn nhiên, được lưu truyền rộng rãi:

Trâu ơi, ta bảo trâu này,

Trâu ăn no cỏ, trâu cày với ta..

Cấy cày vốn nghiệp nông gia,

Ta đây, trâu đấy ai mà quản công.

Bao giờ cây lúa còn bông,

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.