I. DÀN Ý
1. Mở bài:
* Giới thiệu sơ lược về tác giả và tác phẩm:
- Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) là nhà thơ yêu nước nổi tiếng cuối thế kỉ XIX, thời kì thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta.
- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, thương dân.
- Truyện thơ Lục Vân Tiên là tác phẩm được nhân dân Nam Bộ yêu thích vì nội dung đề cao và ca ngợi đạo làm người.
- Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nằm ở phần đầu tác phẩm.
2. Thân bài:
* Phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên:
+ Anh hùng hào hiệp:
- Trên đường đi thi, gặp cảnh dân chúng hoảng sợ bỏ chạy trước bọn cướp Phong Lai, Vân Tiên dừng lại hỏi han và bày tỏ quyết tâm trừng trị bọn cướp dữ để bảo vệ dân lành.
- Mặc cho mọi người ngăn cản, Vân Tiên vẫn: Bỏ cây làm gậy nhằm làng xông vô.
- Lớn tiếng cảnh cáo tướng cướp Phong Lai: Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ, Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”. Vân Tiên một mình múa gậy tả đột hữu xông, đánh tan bọn cướp, giết chết tướng cướp.
+ Trọng nghĩa khinh tài:
- Ân cần thăm hỏi người bị nạn (Nguyệt Nga và Kim Liên).
- Không nhận sự đền ơn: Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
- Bày tỏ quan điểm của mình về phận sự nam nhi: Nhớ câu kiến nghĩa bất vi, Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.
3. Kết bài:
- Trong đoạn trích, nhà thơ đã khắc hoạ thành công chân dung mẫu người anh hùng lí tưởng của nhân dân: giàu lòng nhân ái, dám xả thân vì việc nghĩa.
- Nghĩa và nhân là nền tảng đạo đức, được nhân dân lao động đề cao. Hình tượng Lục Vân Tiên tiêu biểu cho quan niệm đúng đắn ấy.
II. BÀI LÀM
Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), tên chữ là Mạnh Trạch, bút hiệu Hối Trai, là nhà thơ yêu nước nổi tiếng cuối thế kỉ XIX. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một tấm gương chói sáng trong lịch sử và văn học Việt Nam. Ông đã cống hiến cho đời những tác phẩm nổi tiếng như Lục Vân Tiên, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Dương Từ Hà Mậu, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc... Quan điểm hết sức đúng đắn của Nguyễn Đình Chiểu về vai trò văn chương và nhà văn cho đến nay vẫn là ngọn đuốc soi đường cho giới văn nghệ sĩ: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Truyện thơ Lục Vân Tiên là tác phẩm được nhân dân ta yêu thích và truyền tụng rộng rãi bởi nó là bài học lớn về đạo làm người được xây dựng trên nền tảng luân lí cổ truyền: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nằm ở phần đầu tác phẩm. Nội dung kể về chuyện trên đường đi thi, Lục Vân Tiên gặp cảnh dân chúng bị cướp bóc đã ra tay cứu giúp. Trong số người được cứu có Kiều Nguyệt Nga. Đoạn trích miêu tả một sự kiện đặc biệt làm nổi bật phẩm cách cao quý của Lục Vân Tiên: anh hùng hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài. Đồng thời, nó là mốc son đánh dấu cuộc gặp gỡ có một không hai giữa Vân Tiên - Nguyệt Nga và khởi đầu mối tình thuỷ chung son sắt giữa hai người.
Với quan niệm sống của một đấng trượng phu: Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã, trên đường đi thi, Lục Vân Tiên gặp cảnh lũ cướp Phong Lai cướp phá dân lành, chàng đã Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô, một mình tung hoành tả đột hữu xông, không sợ hiểm nguy đến tính mạng. Hành động đánh cướp cứu dân của chàng là hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ lòng thương người hiền lương bị áp bức, ghét kẻ hung đồ hại dân. Nhà thơ không tiếc lời ca ngợi Lục Vân Tiên. Ông so sánh khí thế dũng mãnh của chàng với Triệu Tử Long, một tướng trẻ tài ba thời Tam Quốc:
Vân Tiên tả đột hữu xông,
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.
Hành động dũng cảm, khí thế hào hùng của chàng đã áp đảo hoàn toàn lũ cướp ngày. Tên đầu đảng bị triệt hạ, lũ cướp như rắn mất đầu:
Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.
Sau khi dẹp tan bọn cướp, nghe tiếng phụ nữ than khóc, Vân Tiên ân cần thăm hỏi: Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe này?” Nữ tì của Nguyệt Nga là Kim Liên thưa rõ sự tình, Vân Tiên động lòng thương và thật sự lo lắng cho hai người. Trước hai cô gái vừa được cứu, Vân Tiên càng tỏ ra là một người biết cư xử đúng mực theo khuôn phép của lễ nghi phong kiến:
Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái, ta là phận trai.
Những điều chàng thăm hỏi cặn kẽ thể hiện sự quan tâm lo lắng chân tình và ý định giúp đỡ đến nơi đến chốn.
Khi Kiều Nguyệt Nga kể đầu đuôi việc mình mắc nạn và xin được lạy tạ đền ơn thì:
Vân Tiên nghe nói liền cười:
“Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
Nay đà rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
Đáng yêu sao nụ cười hồn nhiên, vô tư của chàng trai họ Lục! Chàng bật cười xoà có lẽ vì cho rằng người thọ ân đã hiểu lầm chàng chăng? Nếu thế thì phải giải thích cho nàng rõ cứu người là hành động tất yếu của bất cứ trang nam nhi nào, là chuyện thường tình, bởi Anh hùng dẫu thấy bất bằng mà tha. Thấy việc nghĩa không làm, liệu có đủ tư cách làm người hữu dũng? Làm ơn cho người với mục đích bắt người trả ơn, như thế cũng không xứng là đấng trượng phu. Quan niệm của Lục Vân Tiên tiêu biểu cho quan điểm trọng nghĩa khinh tài của nhân dân ta.
Trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã khắc hoạ thật sắc sảo chân dung mẫu người anh hùng lí tưởng của ông và của số đông quần chúng: giàu lòng thương người, dám xả thân vì việc nghĩa. Nghĩa và nhân được coi là những yếu tố quan trọng tạo nên nền tảng đạo lí của một cộng đồng và là thước đo phẩm giá con người. Hình tượng Lục Vân Tiên vẫn mãi mãi sáng ngời trong lòng mỗi người dân nước Việt.