I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Nguyễn Dữ là nhà Nho sống vào cuối thế kỉ XVI, tác giả của cuốn Truyền kì mạn lục, ghi lại những truyền thuyết, giai thoại kì lạ trong dân gian.

- Người con gái Nam Xương nội dung dựa trên câu chuyện được lưu truyền rộng rãi về nỗi oan của thiếu phụ đất Nam Xương. Thông qua truyện, tác giả tố cáo xã hội phong kiến suy tàn với những cuộc chiến tranh phi nghĩa liên miên gây ra bao đau thương tang tóc cho dân lành. Đồng thời, truyện ca ngợi tấm gương phụ nữ đảm đang, hiếu nghĩa và chung thuỷ.

2. Thân bài:

* Phân tích:

+ Vũ Thị Thiết - người con hiếu thảo, người vợ thuỷ chung:

- Chồng đi lính, Vũ Nương thay chồng báo hiếu mẹ già, nuôi dưỡng con thơ, giữ gìn ý tứ không để xảy ra điều tiếng gì.

- Mẹ chồng đau ốm, nàng chăm sóc thuốc thang. Mẹ chồng qua đời, nàng lo chôn cất cho mồ yên mả đẹp.

+ Mối oan tình dẫn đến kết cục bi thương:

- Đêm đêm, Vũ Nương chỉ bóng mình in trên vách, đùa với con: Cha Đản về kìa!

- Hết giặc, Trương Sinh về quê, buồn rầu vì mẹ mất. Vô tình nghe con nói liền nghi ngờ lòng chung thuỷ của người vợ hiền, lớn tiếng giận dữ trách mắng nàng.

- Vũ nương hết lời thanh minh mà không được chồng tin, đành gieo mình xuống sông tự vẫn.

- Nàng được các tiên nữ đưa về thuỷ cung của Linh Phi. Tuy sống đầy đủ, sung sướng nhưng nàng không nguôi thương nhớ chồng con.

- Trương Sinh hiểu ra mọi chuyện, vô cùng ân hận nhưng Vũ Nương không thể trở về đoàn tụ.

+ Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm:

- Tố cáo xã hội loạn li, chiến tranh liên miên gây đau khổ cho dân lành.

- Xót thương cho những cảnh ngộ, thân phận bất hạnh vì chiến tranh.

- Giá trị nội dung được thể hiện dưới một hình thức nghệ thuật sâu sắc: ngôn ngữ tự nhiên, hàm súc, miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế, cách dẫn dắt truyện hấp dẫn.

- Có sự kết hợp khéo léo giữa các yếu tố hiện thực và huyền ảo, phù hợp với hình thức của một truyền thuyết dân gian.

3. Kết bài:

- Người con gái Nam Xương là một tác phẩm có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, chứa đựng bài học thấm thía về tình nghĩa vợ chồng: Vợ chồng phải yêu thương, tin tưởng lẫn nhau thì mới tạo nên gia đình hạnh phúc.

- Tác giả ngầm khẳng định những con người có phẩm giá trong sạch, tốt đẹp như Vũ Nương rất xứng đáng được người đời tôn trọng và ca ngợi.

II. BÀI LÀM

Nguyễn Dữ là một nhà Nho sống vào thế kỉ XVI. Tên tuổi của ông gắn liền với tập văn xuôi Truyền kì mạn lục viết bằng chữ Hán, ghi lại những truyền thuyết, giai thoại kì lạ lưu truyền trong dân gian. Người con gái Nam Xương là một truyện phóng tác dựa trên câu chuyện xảy ra và lưu truyền trong dân gian từ thế kỉ trước. Tác giả muốn mượn chuyện xưa để nói chuyện nay. Thông qua truyện, ông đã tố cáo xã hội phong kiến suy tàn với bao cuộc chiến tranh liên miên, gây đau thương tang tóc cho dân lành. Đồng thời, nhà văn ca ngợi người phụ nữ đảm đang, hiếu nghĩa, kiên trinh. Truyện Người con gái Nam Xương có giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo to lớn và giá trị nghệ thuật đặc sắc. Những điều đó đã tạo nên sức sống lâu dài của tác phẩm.

Truyện kể về cái chết bi thương của người thiếu phụ đất Nam Xương. Vũ Thị Thiết nết na, xinh đẹp, có chồng là Trương Sinh, tính nết đa nghi và hay ghen bóng ghen gió. Vũ Nương khéo léo giữ gìn, không để xảy ra điều tiếng gì.

Chiến tranh xảy ra triều đình bắt Trương Sinh đi lính. Vũ Nương đảm đang công việc gia đình, thờ mẹ chồng, nuôi con dại. Thương Trương Sinh phải sống nơi làn tên mũi đạn hiểm nguy, mẹ chàng lâm trọng bệnh rồi mất. Vũ Nương chôn cất mẹ chồng chu đáo. Nàng một lòng một dạ chờ chồng. Đêm đêm, để cho đỡ buồn, nàng chỉ bóng mình trên vách, đùa với con thơ: Cha Đản về kìa!

Chiến tranh kết thúc, chàng Trương trở về nhà. Một lần nghe con nói: "Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít...” Trương Sinh nổi ghen, giận dữ mắng nhiếc, sỉ nhục và đuổi vợ đi. Vũ Nương khóc lóc thanh minh, Trương Sinh vẫn không tha thứ. Tuyệt vọng, Vũ Nương đành tìm đến cái chết để giải oan.

Một thời gian sau, cũng chính lời nói ngây thơ của đứa con khi chỉ bóng cha trên vách đã giải oan cho người mẹ. Trương Sinh hiểu ra, ân hận thì đã quá muộn màng. Vũ Nương nhảy xuống sông tự vẫn, được các nàng tiên đưa về Thuỷ cung sống với Linh Phi. Ngày đêm, nàng thương nhớ chồng con nhưng không sao trở về nhân gian được nữa.

Có thể nói, hiện thực được nhà văn phản ánh trong truyện chính là hiện thực của xã hội phong kiến đương thời. Giai cấp thống trị lục đục, mâu thuẫn gay gắt, chiến tranh xảy ra liên miên dẫn đến cảnh cơ cực, đau thương của số đông dân chúng. Cũng như bao trai tráng khác trên khắp đất nước, Trương Sinh phải từ biệt mái ấm gia đình để tham gia chinh chiến. Cảnh chia li buồn tê tái. Mẹ già khuyên chàng giữ gìn nơi trận mạc, vợ trẻ chỉ mong chồng giữ được hai chữ bình yên cho đến ngày trở về đoàn tụ.

Trương Sinh ra đi, để lại bao vất vả cho người vợ trẻ. Vũ Nương thay chồng quần quật làm lụng nuôi mẹ, nuôi con. Sau khi mẹ chồng mất, chỉ còn hai mẹ con Vũ Nương trong căn nhà xơ xác, tiêu điều. Đọc đến những dòng tả cảnh đêm đêm, người vợ trẻ chỉ biết san sẻ buồn vui với đứa con thơ dại, chúng ta không khỏi chạnh lòng thương xót cho mẹ con nàng.

Cảnh loạn li lan tràn khắp chốn. Dân chúng chạy giặc, tan tác, chết chóc nhiều vô kể. Tiếng than, tiếng khóc thấu tận trời cao. Nguyễn Dữ miêu tả lại những cảnh này với nỗi xúc động thật sự. Ấn chứa sau từng dòng chữ là thái độ bất mãn trước thời cuộc đảo điên, xót xa cho người cùng khổ của nhà văn.

Nổi lên trên hiện thực tăm tối ấy là hình ảnh Vũ Nương, người phụ nữ phải chịu bao đau khổ, oan ức nhưng vẫn một mực giữ gìn phẩm hạnh trong sáng và cao quý. Vũ Nương là một hình tượng đẹp. Dường như nhà văn đã dành rất nhiều ưu ái cho người phụ nữ đáng thương, đáng quý này.

Người vợ, người mẹ trẻ ấy rất đảm đang. Chồng ra trận, một tay nàng gánh vác mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình. Nàng thay chồng nuôi mẹ già, con dại, giữ cho gia đình trong ấm ngoài êm. Vũ Nương coi mẹ chồng như mẹ ruột, hết lòng thương yêu. Lúc bà cụ đau ốm, nàng săn sóc thuốc thang. Lúc bà cụ qua đời, nàng lo chôn cất mồ yên mả đẹp. Còn gì khổ hơn cảnh vợ trẻ xa chồng, sống vò võ trong mong chờ, thương nhớ? Khổ vật chất, khổ tinh thần. Lúc nào cũng phải giữ mình sao cho thiên hạ khỏi cười chê. Đó là một điều rất khó nhưng Vũ Nương đã vượt qua được tất cả mọi khó khăn thử thách cho đến ngày Trương Sinh trở về. Tưởng chừng niềm vui đoàn tụ sẽ bù đắp mọi thiệt thòi cho nàng, nhưng khổ thay, nàng không những không được hạnh phúc mà còn rơi vào một mối oan tình khó gỡ, dẫn đến cái chết bi thương.

Trương Sinh bị sự ghen tuông ám ảnh làm cho lu mờ lí trí. Chàng dựa vào câu nói thơ ngây của đứa con để kết tội và làm nhục người vợ thuỷ chung, tiết hạnh. Lễ giáo phong kiến cổ hủ đã ăn sâu vào đầu óc chàng, khiến chàng trở thành kẻ nhẫn tâm. Chàng khăng khăng lên án vợ mà không chịu nghe nàng minh oan lấy một lời. Uất ức, tủi nhục, Vũ Nương đã chọn cái chết để khẳng định phẩm giá trong sạch của mình. Trước khi chết, nàng nguyền: Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.

Trời đất, thánh thần chứng giám cho tấm lòng thành của Vũ Nương nên sau khi gieo mình xuống sông tự vẫn, nàng được các tiên nữ rẽ nước đưa về Thuỷ cung sống với Linh Phi. Mọi oan khuất, phiền não trần gian được trút sạch, phẩm tiết của nàng càng ngời sáng. Tuy được sống ở nơi sung sướng nhưng lòng nàng vẫn không nguôi thương nhớ chồng con.

Cái chết oan ức của Vũ Nương là lời kết án chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ đầy áp bức bất công. Nó cũng là cái giá quá đắt cho những kẻ ghen tuông vô lối như chàng Trương nọ.

Tài dẫn truyện của Nguyễn Dữ được chứng minh trong suốt chiều dài của tác phẩm. Người đọc chăm chú theo dõi các tình tiết, sự kiện xâu chuỗi, nối kết với nhau tạo nên những tình huống bất ngờ đầy mâu thuẫn. Có ai ngờ chỉ một câu nói thơ ngây của đứa con lại gây nên bao sóng gió cho người mẹ đáng thương như thế?! Rồi cũng chính đứa bé ấy giải oan cho mẹ (sau khi mẹ chết) khi chỉ bóng Trương Sinh in trên vách và nói câu: Cha Đản lại đến kia kìa!. Trương Sinh chợt hiểu ra sự thật, hối hận thì đã quá muộn màng.

Bạo sự kiện dồn nén trong một câu chuyện tình oan trái của Vũ Nương. Nỗi oan của nàng cuối cùng cũng được sáng tỏ nhưng điều đó không thể nào giúp cho nàng trở lại cõi trần để sum họp với chồng con.

Giá trị tố cáo và giá trị nhân đạo của tác phẩm được thể hiện dưới một hình thức nghệ thuật đặc sắc, ngôn ngữ uyển chuyển, linh hoạt lột tả được bề dày tâm trạng phức tạp của nhân vật chính là Vũ Nương. Phần sau của truyện, tác giả đã khéo léo kết hợp cái thực và cái ảo để tạo nên không khí riêng rất hấp dẫn. Nhà văn ngầm khẳng định những người trong sạch, tốt đẹp như Vũ Nương sẽ mãi mãi sống trong cõi bất tử và giai thoại về nàng là một giai thoại đau thương nhưng đẹp đẽ biết bao!

Người con gái Nam Xương là một tác phẩm hay, mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Nó hàm chứa một lời khuyên chân tình của người xưa: Tình cảm vợ chồng phải được xây dựng trên nền tảng của lòng tin cậy, tôn trọng và thương yêu chân thành đối với nhau. Đừng để những thói xấu như nghi ngờ, ghen tuông làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, gây ra bi kịch không phương cứu vãn.

Đọc truyện, càng suy ngẫm, chúng ta càng thương Vũ Nương, người phụ nữ đảm đang, chung thuỷ và càng giận cái xã hội phong kiến nhiễu nhương đã gián tiếp gây ra tai hoạ cho nàng. Cảm ơn tác giả đã cho chúng ta hiểu phần nào về hoàn cảnh xã hội và con người của một thời trong quá khứ.