I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Xuất xứ đoạn trích: Nằm sau đoạn giới thiệu gia cảnh và tài sắc chị em Thuý Kiều.

- Nội dung kể về chuyện ba chị em Thuý Kiều đi dạo chơi xuân nhân tiết Thanh minh.

2. Thân bài:

* Phân tích:

+ Bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp:

- Được nhà thơ dệt nên bằng những hình ảnh chọn lọc và nghệ thuật miêu tả tinh tế:

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi,

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

- Tiết Thanh minh vừa là dịp tảo mộ theo phong tục, vừa là lễ hội mùa xuân (đạp thanh - đạp trên cỏ xanh).

- Không khí vui vẻ, rộn ràng: Gần xa nô nức yến anh (nam thanh nữ tú) rủ nhau dạo chơi xuân. Chị em Kiều cũng vui vẻ tham gia, hoà cùng đám đông nhộn nhịp:

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước áo quần như nêm...

- Sự cách biệt giữa hai thế giới (âm, dương) hầu như đã bị xoá nhoà. Khung cảnh thiên nhiên mùa xuân tràn đầy sức sống làm nền cho sự giao hoà, gặp gỡ trong cõi tâm linh.

+ Cảnh chị em Thuý Kiều du xuân trở về:

- Phong cảnh vẫn mang nét thanh tú, êm đềm của chiều xuân: mặt trời ngả bóng, dòng suối trong veo mềm mại uốn quanh, nhịp cầu nho nhỏ bắc ngang cuối ghềnh...

- Không khí buổi chiều tĩnh lặng thay thế cho không khí tưng bừng buổi sớm tác động rất rõ đến tâm trạng con người. Nao nao dòng nước cũng là nao nao tâm trạng, nhất là đối với Thuý Kiều, con người có trái tim vô cùng nhạy cảm.

3. Kết bài:

- Qua đoạn trích, tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du được thể hiện rất rõ. Ông đã khéo léo kết hợp giữa kể và tả, sử dụng ngôn ngữ đầy tính tạo hình để tả cảnh ngày xuân và thể hiện tâm trạng nhân vật.

- Đoạn thơ trên là một trong những đoạn hay và đẹp của Truyện Kiều.

II. BÀI LÀM

Sau khi giới thiệu gia cảnh Vương viên ngoại và miêu tả vẻ đẹp của chị em Thuý Kiều, Nguyễn Du tả khung cảnh ngày xuân trong tiết Thanh minh, ba chị em Kiều rủ nhau đi dạo chơi xuân.

Kết cấu đoạn thơ theo trình tự thời gian. Bốn câu đầu tả cảnh mùa xuân. Tám câu tiếp theo tả tiết Thanh minh. Sáu câu cuối là cảnh chị em Kiều du xuân trở về.

Bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp được dệt nên bằng những hình ảnh tiêu biểu, từ ngữ chọn lọc và nghệ thuật miêu tả tinh tế của Nguyễn Du:

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Thời gian thấm thoắt tựa thoi đưa. Vừa mới giêng, hai, nay đã bước sang tháng ba. Trên không trung bao la, những cánh én vẫn rộn ràng bay liệng.

Chỉ bằng hai câu: Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa, Nguyễn Du đã thể hiện được thần thái của mùa xuân. Thảm cỏ non trải rộng tới chân trời là màu sắc chủ đạo làm nền cho bức tranh xuân. Trên cái nền xanh bát ngát ấy điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng như tuyết. Sự hài hoà tuyệt diệu của màu sắc gợi lên vẻ đẹp mới mẻ, tinh khôi, căng đầy sức sống của mùa xuân.

Tám câu thơ tiếp theo tả khung cảnh lễ hội:

Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.

Gần xa nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Ngổn ngang gò đống kéo lên,

Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.

Đầu tháng ba, bầu trời quang đãng, khí trời mát mẻ vương chút hơi lạnh của cái rét Nàng Bân khiến cỏ cây, hoa lá tốt tươi. Theo phong tục có từ lâu đời, trong tiết Thanh minh, người ta đi tảo mộ, tức là đi thăm viếng và sửa sang lại phần mộ của người thân để bày tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn.

Không khí lễ hội rộn ràng, đông vui. Những ẩn dụ so sánh: nô nức yến anh, ngựa xe như nước, áo quần như nêm gợi lên hình ảnh từng đoàn người đi chơi xuân như chim én, chim oanh bay ríu rít. Lễ hội mùa xuân tấp nập, nhộn nhịp bởi nam thanh, nữ tú, tài tử, giai nhân từ mọi nơi không ngớt kéo về.

Quanh những ngôi mộ, người ta rắc vàng thoi, bạc giấy, bày cỗ, thắp nến, đốt nhang khấn vái... Khói bay nghi ngút, hương thơm toả ngát một vùng. Sự cách trở âm dương hầu như đã bị xoá nhoà. Người đã khuất và người còn sống giao hoà trong cõi tâm linh thiêng liêng, giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng của mùa xuân.

Sáu câu thơ cuối tả cảnh chị em Thuý Kiều du xuân trở về:

Tà tà bóng ngả về tây,

Chị em thơ thẩn dan tay ra về.

Bước dần theo ngọn tiểu khê,

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.

Nao nao dòng nước uốn quanh,

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Khung cảnh vẫn mang nét thanh tú, êm đềm của chiều xuân: nắng nhạt, khe suối nước trong veo, một nhịp cầu nho nhỏ bắc ngang cuối ghềnh. Mọi chuyển động đều hết sức nhẹ nhàng: mặt trời từ từ ngả bóng về tây, bước chân người chầm chậm thơ thẩn, dòng nước róc rách uốn quanh... Không gian đang tĩnh lặng dần. Sự nhộn nhịp, rộn ràng của lễ hội không còn nữa. Những từ láy tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao không chỉ biểu đạt sắc thái của cảnh vật mà còn bộc lộ tâm trạng con người. Hai chữ nao nao đã nhuốm màu tâm trạng. Cảm xúc tươi vui mà khung cảnh lễ hội mùa xuân mang lại cho mỗi người vừa mới đây thôi, vậy mà dường như Kiều đã linh cảm về một điều gì đó đáng buồn sắp xảy ra. Quả nhiên, dòng nước uốn quanh đã dẫn bước chân Kiều đến với nấm mồ hoang lạnh của Đạm Tiên và tiếp sau đó, nàng sẽ gặp chàng thư sinh Kim Trọng có Phong tư tài mạo tuyệt vời.

Qua đoạn trích, ta thấy được nghệ thuật miêu tả điêu luyện của Nguyễn Du. Nhà thơ đã kết hợp khéo léo giữa kể và tả, sử dụng từ ngữ giàu chất tạo hình để miêu tả cảnh ngày xuân. Bút pháp tả cảnh ngụ tình tinh tế của nhà thơ cũng phản ánh được phần nào tâm trạng của nhân vật mà ông yêu quý.