I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Xuất xứ đoạn trích: nằm ở cuối phần hai (Gia biến và lưu lạc) của Truyện Kiều.
- Sau khi rơi vào lầu xanh lần thứ hai, Thuý Kiều đã gặp được Từ Hải - người anh hùng chọc trời khuấy nước. Từ Hải đã chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, cưới nàng làm vợ, đưa nàng lên vị trí của một bậc mệnh phụ phu nhân.
- Trong đoạn trích, Nguyễn Du đã khắc hoạ tài tình chân dung và tính cách Từ Hải - tượng trưng cho khát vọng tự do và ước mơ công lí ngàn đời của con người bị áp bức.
2. Thân bài:
* Phân tích:
+ Bối cảnh cuộc gặp gỡ giữa Thuý Kiều và Từ Hải:
- Được giới thiệu chỉ trong hai câu: Lần thâu gió mát trăng thanh, Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi, tức là trong một đêm trăng sáng, bất chợt có vị khách lạ đến chơi chốn lầu xanh, nơi Kiều đang sống.
+ Chân dung người anh hùng Từ Hải:
- Được tác giả miêu tả bằng bút pháp ước lệ:
Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Cả hình dáng, tướng mạo và thần thái Từ Hải đều phi thường, xứng đáng với tiếng tăm lừng lẫy của chàng.
- Cách miêu tả như trên thể hiện thái độ trân trọng, yêu mến, kính phục của tác giả đối với nhân vật Từ Hải.
- Tính cách Từ Hải được Nguyễn Du khẳng định là:
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài,
Đội trời đạp đất ở đời...
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo...
Từ Hải là hiện thân của khát vọng tự do và ước mơ công lí của nhân dân giữa chế độ phong kiến đầy áp bức, bất công.
+ Cuộc hội ngộ kì lạ giữa trai tài, gái sắc:
- Ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên, hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa.
- Từ Hải bày tỏ ý định của mình: nghe tiếng nàng Kiều đã lâu, nay gặp mặt, muốn kết duyên đôi lứa.
- Thuý Kiều cảm động, giãi bày tâm trạng mặc cảm, tự ti (cỏ nội, hoa hèn), không dám làm phiền tới chàng.
- Từ Hải hiểu lòng nàng, càng coi nàng là tri âm, tri kỉ:
Nghe lời vừa ý gật đầu,
Cười rằng: “Tri kỉ trước sau mấy người! ...
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau”.
Chàng đã chuộc Kiều ra khỏi chốn lầu xanh nhơ nhớp, tổ chức đám cưới linh đình, sang trọng, xứng đáng với tài sắc của nàng.
+ Thái độ của nhà thơ:
- Vui mừng trước mối duyên kì ngộ và sự tác hợp giữa Trai anh hùng, gái thuyền quyên, Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.
- Mừng cho nhân vật mà ông yêu mến là Thuý Kiều đã được đổi đời. Từ Hải sẽ đưa nàng đến tột đỉnh vinh quang.
3. Kết bài:
- Mối tình Từ Hải - Thuý Kiều có thể coi là điểm son trong quãng đời mười lăm năm lênh đênh, lưu lạc của Thuý Kiều.
- Từ Hải xuất hiện, đem lại hạnh phúc cho cuộc đời Kiều, đó cũng là mong ước tha thiết của nhà thơ và tất cả mọi người.
- Đoạn trích thể hiện tài năng kiệt xuất của Nguyễn Du trong nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật. Ông đã khắc hoạ thành công nhân vật Từ Hải - người anh hùng tượng trưng cho khát vọng tự do và công lí của nhân dân.
II. BÀI LÀM
Đoạn trích này nằm ở gần cuối phần hai (Gia biến và lưu lạc) của Truyện Kiều. Sau khi bán mình cho Mã Giám Sinh, Kiều đã bước chân lên cỗ xe định mệnh của cuộc đời. Trong mười lăm năm lưu lạc, Kiều đã phải trải qua bao nhiêu cảnh ngộ éo le: Khi Vô Tích, khi Lâm Tri, Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương... Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần... Những tưởng nàng sẽ bị giam cầm mãi mãi trong kiếp sống ê chề, tủi nhục của một kĩ nữ, nhưng bất chợt, Từ Hải đến đã làm thay đổi hẳn thân phận và đem tới cho nàng cuộc sống hạnh phúc, vinh quang của một bậc phu nhân quyền quý.
Nhà thơ Nguyễn Du đã khắc hoạ tài tình chân dung và tính cách Từ Hải - người anh hùng tượng trưng cho khát vọng tự do, cho ước mơ công lí ngàn đời của con người bị áp bức trong xã hội cũ.
Bối cảnh cuộc gặp gỡ giữa Thuý Kiều và Từ Hải chỉ được tác giả miêu tả vỏn vẹn trong một câu: Lần thâu gió mát, trăng thanh. Trong đêm trăng thanh gió mát ấy, bất chợt có khách biên đình sang chơi. Khách biên đình tức là khách từ nơi quan ải, từ miền biên thùy xa xôi nào đó đến đây. Hình dáng, tướng mạo của người khách ấy ngay lúc đầu tiên đã gây ấn tượng mạnh với Kiều:
Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Bút pháp ước lệ được nhà thơ sử dụng để miêu tả Từ Hải nhưng tính công thức, khuôn sáo của nó đã bị phá vỡ, thay thế vào đó là khả năng gợi tả, gợi cảm rất lớn. Chỉ có cách tả này mới đủ khả năng làm nổi bật lên vẻ ngoài uy dũng của một vị anh hùng tiếng tăm lẫy lừng như Từ Hải.
Người đọc như hình dung ra trước mắt hình ảnh Nguyễn Du hào hứng, phấn khích múa bút tạo ra những từ ngữ lấp lánh hào quang để dệt nên bức chân dung đẹp vào bậc nhất trong các chân dung nhân vật của Truyện Kiều:
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
Đội trời đạp đất ở đời,
Họ Từ, tên Hải, vốn người Việt Đông.
Giang hồ quen thú vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.
Chỉ bằng mấy câu thơ mà tác giả đã giới thiệu khá đầy đủ về vị khách biên đình này. Từ hình dáng đến tài năng, chí khí và sự nghiệp; tất cả đều phi thường, hiếm có. Từ Hải là hiện thân ý chí đội trời đạp đất và khát vọng tự do của người dân. Con người ấy chỉ tôn thờ chính nghĩa chứ không chịu khuất phục trước bất cứ cường quyền, bạo lực nào. Bởi vậy, chàng coi khinh cái triều đình mục ruỗng, thối nát đương thời. Từ Hải hơn người, khác người ở thái độ: Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.
Từ Hải nghe đồn đại về Thuý Kiều đã lâu và thầm mến phục nàng: Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều, Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng. Trước là “văn kì thanh”, giờ mới “kiến kì hình”, quả là lời đồn đại không sai. Ngay từ lúc gặp gỡ đầu tiên, hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa và Từ Hải linh cảm rằng chàng đã tìm được người tri âm, tri kỉ. Bởi vậy, chàng đã nói thẳng ý định của mình là muốn kết thành đôi lứa tâm phúc tương cờ với Kiều, chứ không phải là chuyện trăng gió qua đường như bao khách làng chơi khác.
Lời nói bộc trực chân thành của Từ Hải khiến Thuý Kiều cảm động:
Thưa rằng:“Lượng cả bao dong,
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.
Rộng thương cỏ nội, hoa hèn,
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau!”
Lời đáp trên của Kiều cũng không kém phần thông minh, tế nhị. Nàng ca ngợi Từ Hải là bậc trượng phu, quân tử đại lượng, giàu lòng nhân ái. Nàng hi vọng vào sự nghiệp vinh quang của chàng nhưng bởi còn mặc cảm với thân phận nên không đảm phiền luỵ đến chàng.
Nghe Kiều nói, Từ Hải càng mến phục, càng coi Thuý Kiều là tri kỉ:
Nghe lời vừa ý gật đầu,
Cười rằng:“Tri kỉ trước sau mấy người!
Khen cho con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau”.
Nguyễn Du chú trọng tới sự nhất quán trong quá trình miêu tả tính cách nhân vật. Từ Hải vóc dáng, diện mạo khác thường thì ngôn ngữ cũng khác thường, rõ ra khẩu khí trượng phu và hành động thì dứt khoát, phóng khoáng, xứng với tầm cỡ anh hùng. Từ Hải hào hiệp chuộc Kiều ra khỏi chốn lầu xanh nhơ bẩn. Đáng quý hơn nữa là chàng đã tổ chức một đám cưới thật linh đình, sang trọng: Đặt giường thất bảo, vây màn bát tiên để cho xứng với tài sắc của Kiều, xứng với mối duyên kì ngộ tốt đẹp của hai người.
Dường như nhà thơ thật sự vui mừng trước sự tác hợp này. Không vui mừng sao được khi Thuý Kiều đã được Từ Hải cứu thoát khỏi chốn bùn nhơ. Có lẽ, không có lời bình nào hay hơn hình ảnh: Trai anh hùng, gái thuyền quyên, Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng. Sau cuộc hôn nhân này, cuộc đời Thuý Kiều chuyển sang một bước ngoặt lớn lao. Từ Hải sẽ đưa nàng lên tới tột đỉnh vinh quang, Từ Hải sẽ giúp nàng báo ân, báo oán...
Khác hẳn mối tình đầu đam mê, trong sáng với Kim Trọng; mối tình chắp nối vui ít buồn nhiều với Thúc Sinh; mối tình giữa Thuý Kiều với Từ Hải có thể coi là điểm son trong suốt quãng đời mười mấy năm lưu lạc của nàng. Từ Hải xuất hiện, bao mây đen vây phủ đời nàng bấy nay tan biến. Chỉ có sức mạnh phi thường của người anh hùng này mới có thể đem lại ánh sáng và niềm vui thực sự cho Thuý Kiều. Người con gái tài sắc vẹn toàn ấy xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Đó là mong ước của Nguyễn Du và của tất cả chúng ta.
Qua đoạn trích, một lần nữa người đọc được thưởng thức tài nghệ tuyệt vời của nhà thơ trong việc khắc hoạ chân dung nhân vật. Từ Hải tượng trưng cho khát vọng tự do, công lí của nhân dân. Tầm cỡ nhân vật Từ Hải xứng đáng với tầm cỡ Truyện Kiều và điều đó đã góp phần làm cho tên tuổi Nguyễn Du trở nên bất tử.