I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Quê em ở đâu? (Làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội.)

- Danh lam thắng cảnh mà em định giới thiệu là gì? (Đền Chèm)

2. Thân bài:

* Tả danh lam thắng cảnh đó:

- Đền Chèm là một trong những ngôi đền cổ nhất nước.

- Là nơi thờ cúng Đức Thánh Chèm. Đức Thánh Chèm tên thật là Lê Thân, vị tướng có nhiều công lao đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời kì đầu lịch sử, được An Dương Vương phong cho tước Đại Vương.

- Đền Chèm nằm bên bờ sông Hồng, trong một khu đất rộng, nhiều cây xanh. Mái ngói vảy cả trải qua ngàn năm rêu phong cổ kính. Các đầu đao cong vút như dáng rồng bay.

- Bên ngoài có tam quan hai tầng mái, trên nóc có đôi rồng chầu mặt nguyệt.

- Bên trong có các cột, xà ngang, xà dọc được chạm trổ tinh vi.

- Bàn thờ sơn son thếp vàng, chính giữa là chiếc lư hương hàng ngàn tuổi, hai bên có cặp hạc thờ rất lớn.

- Gian sau thờ hai bức tượng là Thượng Đẳng Thiên Vương và Hoàng phi Bạch Tỉnh Dư. (Hai vợ chồng Lí Thân).

3. Kết bài:

- Đền Chèm nổi tiếng thiêng liêng, quanh năm nghi ngút khói hương, dân chúng trong vùng và trong cả nước thường tới thăm viếng, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với vị anh hùng dân tộc có công đánh giặc cứu nước.

- Đó cũng là biểu hiện của truyền thống Uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

II. BÀI LÀM

Làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội có đền Chèm là một trong những ngôi đền cổ nhất nước, đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. Hàng ngàn năm nay, đền Chèm vẫn vững vàng toạ lạc trong một khu đất rộng cây cối xanh tươi ven sông Hồng. Quy mô ngôi đền xứng đáng với tài đức của người anh hùng Lí Thân đã có nhiều công lao trong việc dẹp giặc ngoại xâm trong buổi đầu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tương truyền rằng, ông đã được An Dương Vương phong tước Đại Vương. Sau khi ông qua đời, nhân dân trong vùng lập đền thờ, tôn vinh ông như một vị phúc thần.

Du khách đến thăm, từ xa nhìn lại đã thấy bốn cây cột cổng trước mặt đền sừng sững in bóng lên nền trời xanh. Mái đền được lợp bằng ngói vảy cá, thời gian đã phủ lên một lớp rêu phong cổ kính. Các đầu đao cong vút nhẹ nhàng, thanh thoát tựa dáng rồng bay. Trên nóc tam quan, đôi rồng được cẩn bằng sứ rất đẹp đặt ở thế lưỡng long chầu nguyệt, trông sinh động vô cùng!

Bên trong đền, hệ thống cột và xà ngang, xà dọc được chạm trổ khéo léo, tinh vi. Có thể nói các nghệ nhân xưa đã dồn cả tâm huyết của mình vào đó. Trên bàn thờ, chính giữa là chiếc lư đồng cổ ngàn tuổi, chứng minh cho kĩ thuật đúc đồng đạt tới trình độ cao của tổ tiên chúng ta. Trước bàn thờ là cặp hạc rất lớn đứng chầu.

Đi sâu vào gian sau, ta sẽ thấy có hai bức tượng sơn son thếp vàng, dung mạo và tư thế uy nghi, đường bộ. Đó là tượng của Thượng Đẳng Thiên Vương Lí Thân và phu nhân vốn là công chúa nước Tần tên Bạch Tỉnh Dư. Giai thoại kể rằng, sau khi giúp vua Tần phương Bắc đánh tan giặc Hung Nô, Lê Thân đã được vua Tần gả con gái cho và nàng đã theo chồng về phương Nam xa xôi, trở thành nàng dâu hiền thảo của nước ta.

Đền Chèm nổi tiếng linh thiêng nên mùa lễ hội năm nào khách hành hương cũng đổ về đây đông nườm nượp để dâng hương tưởng nhớ vị anh hùng cứu nước và cầu xin Ngài ban cho những điều tốt lành, may mắn. Đây cũng là biểu hiện truyền thống tốt đẹp Uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.