I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu được đánh giá là một trong những sáng tác khá thành công về đề tài người chiến sĩ Vệ quốc trong thời kì đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Đoạn kết bài thơ có một hình tượng tuyệt đẹp, một sáng tạo nghệ thuật độc đáo: Đầu súng trăng treo.

2. Thân bài:

* Phân tích hình ảnh đầu súng trăng treo: Đoạn thơ vừa có tính hiện thực nghiệt ngã, vừa có tính lãng mạn bay bổng:

- Hiện thực nghiệt ngã: Các chiến sĩ phục kích quân thù trong cảnh rừng hoang, sương muối giữa đêm đông lạnh giá.

- Lãng mạn bay bổng: Đầu súng trăng treo. Câu thơ như một tiếng reo vui, một khám phá bất chợt từ thực tế: đêm khuya, trăng đã xế ngang đầu, gợi liên tưởng đầu súng trăng treo. Hình ảnh này chứa đựng ý nghĩa tượng trưng: súng (chất hiện thực ác liệt), trăng (chất thơ bay bổng). Giữa hai hình ảnh tương phản là những người lính Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới, sẵn sàng tiêu diệt quân thù.

3. Kết bài:

- Hình ảnh đầu súng trăng treo thể hiện tinh thần quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống hoà bình của chiến sĩ ta.

- Cao hơn nữa, nó còn là biểu tượng sóng đôi của dân tộc Việt Nam dũng cảm, hào hoa muôn thuở.

II. BÀI LÀM

Đồng chí của Chính Hữu là một trong những bài thơ hay về người chiến sĩ trong thơ ca Việt Nam hiện đại. Trải qua hơn sáu mươi năm, bài thơ đã trở thành người bạn tâm tình của nhiều thế hệ cầm súng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đoạn kết của bài thơ thật đẹp bởi nó đã khắc hoạ nổi bật chân dung người chiến sĩ trong chiến đấu cùng một hình tượng nghệ thuật tuyệt vời thi vị:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

Chất hiện thực nghiệt ngã và lãng mạn bay bổng hoà quyện với nhau. Cảnh rừng hoang, sương muối âm u, lạnh giá dường như không còn gây được ấn tượng đe doạ đối với con người nữa mà trái lại, nó bị đẩy lùi ra phía sau, nhường chỗ cho hình ảnh đồng đội đang sát cánh bên nhau trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tình đồng chí thiêng liêng đã sưởi ấm lòng chiến sĩ, chắp cánh cho tâm hồn họ bay bổng. Đêm khuya chờ giặc, trăng đã xế ngang đầu súng. Người chiến sĩ có một khám phá bất chợt và thú vị: đầu súng trăng treo. Câu thơ như một tiếng reo vui chứa đựng bao ý nghĩa. Hình ảnh đầu súng trăng treo được tạo nên nhờ sự liên tưởng thông minh và độc đáo của nhà thơ.

Anh bộ đội hướng mũi súng về phía giặc, tình cờ phía ấy là hướng trăng lặn. Đêm khuya về sáng, trăng đang xuống thấp dần và ngang tầm mũi súng, tạo cảm giác đầu súng trăng treo. Cảnh ấy có thể có thật song có thể chỉ là sự liên tưởng bất ngờ do ý thơ lãng mạn để tạo ra một ý nghĩa tượng trưng. (Mũi súng chờ giặc - chất hiện thực quyết liệt; trăng - chất thơ bay bổng). Giữa hai hình ảnh tương phản súng và trăng, người đọc vẫn tìm ra được mối quan hệ gần gũi. Súng tượng trưng cho tinh thần chiến đấu bảo vệ cuộc sống tốt đẹp yên lành, trăng tượng trưng cho cái đẹp yên lành ấy.

Hình ảnh Đầu súng trăng treo là biểu tượng cao đẹp của tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng. Nó thể hiện rõ nét cái tư thế chủ động, tinh thần lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng, vào tương lai tươi sáng của đất nước, của người chiến sĩ. Cao hơn nữa, hình ảnh ấy là biểu tượng sóng đôi của dân tộc Việt Nam dũng cảm, hào hoa muôn thuở.