I. DÀN Ý

A. Truyện ngắn Làng của Kim Lân.

1. Tóm tắt cốt truyện:

Ông Hai là một nông dân yêu đến say mê và luôn tự hào về làng Chợ Dầu quê mình. Chấp hành lệnh của Ủy ban kháng chiến, ông phải đưa vợ con đi tản cư. Trong những ngày xa quê, ông luôn nhớ đến làng Chợ Dầu và muốn trở về. Nghe những người dưới xuôi lên báo tin dân làng Chợ Dầu làm Việt gian cho Pháp, ông vừa căm uất vừa tủi hổ, chỉ biết tâm sự cùng đứa con thơ. Sau đó, được nghe chính Chủ tịch xã lên cải chính tin đồn làng Chợ Dầu theo giặc, ông Hai vô cùng phấn khởi, tưởng chừng như mình cũng vừa tham gia cùng dân làng đánh Pháp.

2. Tình huống chính của truyện:

- Là tin đồn cả làng Chợ Dầu đầu hàng Tây, cam tâm làm tay sai bán nước.

- Diễn biến tâm trạng của ông Hai đều xoay quanh tình huống này. (Nghi ngờ, đau đớn, tủi hổ, căm giận, phẫn uất, vui sướng, tự hào...)

3. Chủ đề của truyện:

Tình yêu làng, yêu nước thiết tha và tinh thần kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của người nông dân đã được nhà văn thể hiện chân thực và cảm động qua nhân vật ông Hai trong tác phẩm.

B. Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

1. Tóm tắt cốt truyện:

Kể về cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa ba người: ông hoạ sĩ già đi thực tế ở vùng cao Tây Bắc, cô kĩ sư trẻ người Hà Nội lên nhận công tác ở Lai Châu và anh thanh niên một mình trông coi trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao hai ngàn sáu trăm mét.

2. Tình huống chính của truyện:

- Theo thói quen đã có từ bốn năm nay, mỗi lần xe từ Hà Nội lên đến Sa Pa là bác lái dừng lại ở gần trạm khí tượng để khách nghỉ ngơi và bác gặp gỡ anh thanh niên trông coi trạm.

- Bác lái vui vẻ giới thiệu anh thanh niên với hoạ sĩ già và cô kĩ sư trẻ.

- Cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa ba người. Anh thanh niên kể về công việc thầm lặng của mình. Anh đã gây được ấn tượng tốt đẹp với hai người khách mới quen.

3. Chủ đề của truyện:

Ca ngợi con người lao động mới, âm thầm cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước.

C. Truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.

1. Tóm tắt cốt truyện:

Anh Sáu thoát li đi kháng chiến từ lúc đứa con gái chưa đầy một tuổi. Vì hoàn cảnh công tác, bảy năm sau anh mới có dịp ghé nhà. Anh càng muốn gần con thì đứa bé càng lạnh lùng xa cách, quyết không chịu nhận anh là ba vì thấy anh khác xa với tấm ảnh chụp chung với má nó trước đây. Sau đó, nhờ bà ngoại giải thích về vết sẹo do đạn thù bắn trên mặt cha nó, bé Thu mới chịu nhận là ba vào thời điểm anh Sáu phải lên đường. Ở chiến khu, anh kì công làm cho con gái chiếc lược bằng một miếng ngà voi, với hi vọng sẽ được trao tận tay con. Nhưng anh Sáu đã hi sinh trong một trận giặc càn. Trước lúc anh nhắm mắt, một đồng đội thân thiết hứa sẽ đưa giùm anh chiếc lược cho con gái anh. Lúc nhận được chiếc lược thì bé Thu đã trở thành một cô giao liên xinh đẹp và dũng cảm.

2. Tình huống chính của truyện:

- Tình cảm của người cha bộc lộ mãnh liệt, nồng nàn đã vấp phải phản ứng gay gắt của đứa con (lạnh lùng, xa lánh, không công nhận).

- Nguyên nhân rất trẻ con, trên mặt người cha có vết sẹo, khác với gương mặt trong bức ảnh cũ chụp chung với má nó.

- Cha giận đánh con một cái vào mông, con hờn dỗi bỏ cơm, chèo xuồng sang nhà bà ngoại bên kia sông. Đêm nằm với bà, được bà giải thích rõ mọi chuyện.

- Tình cảm nhớ thương, khao khát được gặp cha bùng lên mạnh mẽ trong lòng đứa con thơ giữa phút người cha chia tay với gia đình không hẹn ngày trở lại.

3. Chủ đề của truyện:

Tình cảm cha con sâu nặng và cảm động của người chiến sĩ Cách mạng trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.

II. BÀI LÀM

A. Truyện ngắn Làng (Kim Lân)

1. Tóm tắt cốt truyện:

Sau khi thực dân Pháp trở lại tái chiếm nước ta (1946), Hồ Chủ tịch đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Giặc đánh lên đến Bắc Ninh, ông Hai và gia đình chấp hành lệnh tản cư. Trong những ngày buộc phải xa nhà, lúc nào ông cũng nghĩ và nhớ đến làng Chợ Dầu quê ông. Ông tự hào về sự giàu có, trù phú của làng, về phong trào du kích đánh Tây mà ông đã tham gia.

Nghe những người chạy giặc ở dưới xuôi lên bảo rằng dân làng Chợ Dầu phản động, làm Việt gian cho Pháp, ông Hai cảm thấy đau đớn, nhục nhã vô cùng. Ông giận dữ, nguyền rủa những kẻ đã bôi nhọ truyền thống tốt đẹp của làng.

Khi đích thân chủ tịch làng Chợ Dầu lên báo tin là giặc Pháp càn vào làng, cướp phá, đốt nhà, trong đó có cả nhà ông thì ông Hai mừng rỡ, vội đi báo tin cho mọi người răng cái tin làng Chợ Dầu làm “Việt gian” chỉ là tin đồn nhảm. Tình yêu và niềm tự hào về làng của ông Hai càng tăng lên gấp bội.

2. Tình huống chính của truyện:

- Ông Hai vào phòng thông tin của huyện (nơi tản cư còn là vùng tự do) để nghe đọc báo, nắm tin tức kháng chiến.

- Trên đường đi, ông gặp những người tản cư mới ở dưới xuôi lên. Ông Hai hỏi thăm tình hình. Một người đàn bà nói cho ông biết Pháp tấn công vào làng Chợ Dầu, dân làng Chợ Dầu đã đầu hàng, chịu làm “Việt gian” theo giặc.

(Diễn biến tâm trạng của ông Hai đều xoay quanh tình huống chính này.)

3. Chủ đề của truyện:

Tình yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến của người nông dân buộc phải rời làng đi tản cư đã được nhà văn thể hiện chân thực, sâu sắc và cảm động ở nhân vật ông Hai trong truyện.

B. Truyện Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long)

1. Tóm tắt cốt truyện:

Một hoạ sĩ già trước khi nghỉ hưu đã làm một chuyến đi thực tế ở vùng cao Tây Bắc. Trên chuyến xe, ông ngồi cùng hàng ghế với cô kĩ sư trẻ lên nhận công tác ở Lai Châu. Đến Sa Pa, bác lái xe dừng lại lấy nước và nhân tiện giới thiệu với hoạ sĩ “một trong những người cô độc nhất thế gian”. Đó là anh thanh niên trông coi trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao hai ngàn sáu trăm mét.

Cuộc gặp gỡ giữa bác lái xe, hoạ sĩ già, cô kĩ sư trẻ và anh thanh niên diễn ra rất vui vẻ, cảm động. Anh thanh niên hào hứng giới thiệu với khách về công việc hằng ngày của mình - những công việc âm thầm nhưng vô cùng có ích cho cuộc sống. Hoạ sĩ già phát hiện ra phẩm chất đẹp đẽ, cao quý của anh nên đã phác hoạ một bức chân dung. Qua lời kể của anh, các vị khách còn được biết thêm về rất nhiều gương sáng trong lao động, sản xuất, đem hết nhiệt tình phục vụ sự nghiệp xây dựng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

2. Tình huống chính của truyện:

- Theo thói quen đã có từ bốn năm qua, mỗi lần xe đến Sa Pa là bác lái xe lại dừng xe cho khách nghỉ ngơi khoảng nửa tiếng; còn bác thì gặp gỡ anh thanh niên trông coi trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn.

- Trong chuyến đi này, bác lái xe hào hứng giới thiệu anh thanh niên đó với hai vị khách từ Hà Nội lên: hoạ sĩ già và cô kĩ sư trẻ.

- Cuộc gặp gỡ diễn ra rất vui vẻ và cảm động. Anh thanh niên sống và làm việc một mình mà vẫn hăng say, tận tuỵ đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các vị khách.

3. Chủ đề của truyện:

Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa khắc hoạ thành công hình ảnh tốt đẹp của người lao động bình thường: anh thanh niên làm công tác khí tượng một mình trên đỉnh núi cao. Qua đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của người lao động mới và ý nghĩa to lớn của những công việc thầm lặng nhưng rất có ích cho cuộc sống.

C. Truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng).

1. Tóm tắt cốt truyện:

Anh Sáu là cán bộ thoát li gia đình tham gia kháng chiến chống Pháp từ lúc đứa con gái đầu lòng chưa đầy một tuổi. Bảy năm sau, anh mới có dịp ghé qua nhà. Đứa con gái nhất định không chịu nhận anh là ba vì vết sẹo ở mặt khiến anh không giống trong tấm hình anh chụp chung với má nó trước đây. Suốt mấy ngày anh ở nhà, con bé đều cố tỏ thái độ bướng bỉnh, lạnh lùng và xa cách. Trong bữa cơm, anh Sáu gắp cho con miếng trứng cá vàng ươm, con bé đã hất tung xuống đất. Không kìm được nóng giận, anh Sáu đánh nó một cái vào mông. Con bé bỏ ăn, chống xuồng về với bà ngoại bên kia sông.

Sáng hôm sau, anh Sáu lên đường. Bà ngoại đưa cháu về. Anh Sáu bịn rịn chia tay mọi người. Bất chợt, con bé kêu thét lên gọi ba và ôm chặt lấy cổ, vừa hôn ba vừa khóc, không cho đi. Thì ra, bà ngoại đã giải thích về vết sẹo trên mặt ba nó là do giặc Pháp bắn bị thương. Hai cha con quyến luyến không rời. Con bé mếu máo bảo bao giờ ba về, nhớ mua cho nó chiếc lược.

Những ngày ở chiến khu, anh Sáu kì công làm cho con chiếc lược bằng ngà voi. Nhưng không may, anh đã hi sinh trong một trận càn lớn của Mĩ - nguỵ năm 1958. Trước khi anh nhắm mắt, người đồng đội thân thiết hứa sẽ trao chiếc lược ngà tận tay con gái anh.

2. Tình huống chính của truyện:

- Anh Sáu cố tìm mọi cách để làm quen với đứa con gái tám tuổi mà anh yêu quý. Anh mong được con gọi một tiếng “Ba!”. Sau mấy ngày, bé Thu vẫn giữ vẻ lạnh nhạt, xa lánh. Trong bữa cơm, anh ân cần gắp cho con gái miếng trứng cá ngon nhất. Không ngờ, con bé lấy đũa hất tung xuống đất. Anh Sáu nổi giận, phát một cái vào mông nó. Con bé bỏ cơm, chạy ra bờ sông, chống xuồng về bên ngoại. Đêm ấy, nó đã được ngoại giải thích về vết sẹo trên mặt ba nó.

- Lúc chia tay với mọi người để lên đường công tác, anh Sáu đã hoàn toàn thất vọng vì không được đứa con gái nhận là ba, thì cũng chính là lúc bé Thu bày tỏ tình cảm tha thiết, nồng nàn của đứa con đối với người cha mà bé hằng ngưỡng mộ và mong đợi.

3. Chủ đề của truyện:

Tình cảm cha con sâu nặng và cảm động của người chiến sĩ cách mạng trong cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.