I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, gia đình em có nhiều người tham gia vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Hiện nay, ông nội em là Chủ tịch Hội cựu chiến binh của huyện.
- Một trong những chiến sĩ dưới quyền chỉ huy của ông ngày trước từng lái xe trong tiểu đội xe không kính mà nhà thơ Phạm Tiến Duật đã ca ngợi...
2. Thân bài:
* Cuộc trò chuyện với người lính lái xe năm xưa: Em nghe bác Đạt kể về những ngày tháng ác liệt trên tuyến đường Trường Sơn:
- Giặc Mĩ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cho máy bay ném bom bắn phá suốt ngày đêm hòng huỷ diệt hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.
- Đường Trường Sơn là mục tiêu đánh phá hàng đầu của chúng nhằm cắt đứt chi viện từ Bắc vào Nam.
- Bộ đội và thanh niên xung phong quyết tâm giữ vững con đường huyết mạch, với tinh thần: “Giặc phá, ta cứ đi!”.
- Hằng ngày, những chuyến xe chở đạn dược, lương thực, thuốc men vẫn nối nhau vào tiền tuyến.
- Những chiếc xe trải qua bao trận bom rơi đã họp thành tiểu đội xe không kính. Khí hậu Trường Sơn khắc nghiệt nắng bụi, mưa lầy nên các chiến sĩ lái xe không kính lại càng gian nan, vất vả.
- Mặc mưa tuôn mưa xối, hoặc bụi phun trắng xoá đầu tóc, quần áo... các chiến sĩ vẫn cố gắng lái xe tới đích. Cuộc sống đầy hiểm nguy, chết chóc không làm vơi chất lạc quan của tuổi trẻ và tình đồng đội càng thêm thắm thiết.
- Dù máy bay Mỹ bắn phá ác liệt đến đâu chăng nữa, xe không kính rồi không đèn, không có mui xe thùng xe có xước... thì Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước, chỉ cần trong xe có một trái tim.
3. Kết bài:
- Những câu chuyện bác Đạt kể cho em nghe tác động rất nhiều đến suy nghĩ và tình cảm của em.
- Em khâm phục và tự hào về thế hệ ông cha anh dũng, kiên cường đánh giặc và làm nên chiến thắng vẻ vang.
- Em thấm thía hơn giá trị thiêng liêng của chủ quyền tự do, độc lập mà dân tộc ta đã đổ bao xương máu mới giành lại được.
II. BÀI LÀM
Chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược kết thúc cách đây đã hơn 30 năm, nhưng ấn tượng về một thời đau thương và oanh liệt đã khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam, không thể nào quên. Trong những năm tháng hào hùng ấy, ông nội và hai người bác ruột của em cũng tham gia vào sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ông nội em từng là binh trạm trưởng của một binh trạm trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Giờ đây, ông là Hội trưởng Hội cựu chiến binh của huyện Phong Châu. Trong số người ngày trước từng là lính của ông, em thích nhất bác Đạt vì bác ấy hay kể chuyện về những ngày tháng chiến đấu ở Trường Sơn. Điều thú vị hơn cả là bác Đạt chính là một nhân vật trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ quân đội Phạm Tiến Duật.
Bác Đạt kể rằng sau khi giặc Mĩ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, chúng đã dùng hàng ngàn chiếc máy bay thả bom phá hoại các công trình như nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, bến bãi, mục tiêu quân sự... thậm chí cả bệnh viện, trường học và khu dân cư với mục đích “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”, huỷ diệt hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Nhưng bất chấp đau thương, tang tóc, nhân dân miền Bắc vẫn nêu cao tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Lớp lớp thanh niên lên đường tòng quân, Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Bác Đạt lúc đó đang học Đại học cũng tình nguyện rời giảng đường ra mặt trận.
Sau một lớp huấn luyện ngắn ngày, bác được phân công về một tiểu đội xe vận tải chuyên chở vũ khí, đạn dược và những thứ hàng hoá đặc biệt phục vụ chiến trường. Con đường mòn xuyên Trường Sơn đã trở thành con đường giao thông huyết mạch. Hàng vạn thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường, phá bom, bắc cầu, dẫn lối cho xe ra tiền tuyến, với khẩu hiệu thể hiện một quyết tâm cao độ : “Giặc phá, ta cứ đi”.
Suốt mấy năm ròng, không thể nào đếm hết những trận mưa bom máy bay Mỹ ném xuống con đường nhưng từng đoàn, từng đoàn xe màu xanh được nguỵ trang bằng lá cây vẫn xuyên rừng, băng băng tiến lên phía trước.
Mất mát, hi sinh là tất yếu. Những chiếc xe từ trong bom rơi đạn nổ đã về đây họp thành tiểu đội xe không kính. Chẳng chiếc xe nào nguyên vẹn vì đã trải qua bao lần bị máy bay giặc rượt đuổi, bắn phá. Đã thế, khí hậu ở Trường Sơn lại vô cùng khắc nghiệt. Đường Trường Sơn mưa lầy, nắng bụi. Xe không kính, người lái cực khổ bội phần. Ngày mưa, ngồi trong ca bin mà vẫn bị mưa tuôn, mưa xối vào người ướt sũng như ngồi ngoài trời. Nhưng ướt thì mặc ướt, các chiến sĩ vẫn tiếp tục lái xe chạy hàng trăm cây số nữa. Họ bảo nhau rằng không cần nghỉ, bởi mưa mãi cũng phải ngừng; gió lùa, quần áo sẽ khô thôi. Mưa đã khổ vậy, nắng cũng chẳng sướng hơn. Bụi Trường Sơn mùa khô mù mịt như lốc cuốn. Xe không kính, chỉ cần chạy một quãng là cánh lái xe bị bụi phun tóc trắng như người già. Toàn thân phủ đầy bụi, riêng đôi mắt các chiến sĩ vẫn sáng lên vẻ trẻ trung, tinh nghịch. Bụi kệ bụi, chưa cần rửa mặt làm gì! Châm điếu thuốc, chuyền tay nhau phì phèo, anh nọ cười anh kia mặt lấm. Tiếng cười ha ha vui nhộn vang khắp rừng già. Bao gian nan, mệt nhọc tan biến cả.
Cứ thế, ngày lại ngày, các chiến sĩ lái xe kiên cường, dũng cảm, thông minh đối đầu với bom đạn giặc, chở những chuyến hàng tiếp viện cho đồng bào miền Nam đánh Mĩ. Xe ra, xe vào, qua ô kính vỡ, những cái xiết tay của đồng đội vội vã nhưng rất chặt, truyền hơi ấm và quyết tâm chiến đấu cho nhau.
Bác Đạt kể rằng đời chiến sĩ lái xe ra mặt trận lắm gian nan, nhiều thử thách nhưng cũng không thiếu niềm vui và những kỉ niệm đẹp đẽ. Mỗi lần giao xong một chuyến hàng, tâm hồn phơi phới như được chắp cánh bay. Đồng đội quây quần bên nhau, cùng ăn bữa cơm nấu vội. Cánh võng chông chênh, đong đưa theo nhịp bánh xe lăn. Xe không kính lúc này lại hoá ra tiện lợi. Người chiến sĩ lái xe như được gần gũi, gắn bó với thiên nhiên hơn. Ban ngày thì cánh chim, ban đêm thì sao trời, như sa, như ùa vào buồng lái. Trên đầu là bầu trời xanh cao vời vợi. Thơ mộng biết chừng nào! Cận kề cái chết nhưng không ai thối chí, nản lòng. Dẫu không kính, rồi không đèn, không mui... thì xe vẫn hướng về phía trước - tiền tuyến lớn miền Nam; chỉ cần trong xe có một trái tim sôi sục dòng máu nóng yêu nước và nhiệt tình cách mạng.
Những câu chuyện của bác Đạt tác động rất nhiều đến suy nghĩ và tình cảm của em. Em tự hào về thế hệ ông cha đã lập nên những chiến công và vinh quang lừng lẫy, đánh gục tên đế quốc tự xưng là hùng mạnh nhất thế giới; tôn vinh tên tuổi của dân tộc và đất nước Việt Nam trước toàn nhân loại. Ngày nay, đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa đã được mở mang thành đại lộ Hồ Chí Minh xuyên suốt chiều dài Tổ quốc. Em ao ước có dịp được đi trên con đường huyền thoại ấy để hiểu sâu hơn và thấm thía hơn về giá trị của hai chữ tự do thiêng liêng mà các thế hệ đi trước đã phải đổ bao nhiêu máu xương mới giành lại được.